Chắc chắn rằng để đi đến quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vào năm 2019, các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần đặt lên bàn cân hai chữ lợi và hại.
Hàm Thuận Nam – khu vực khô hạn nhất nước, mùa mưa ngập lụt, mùa khô “khát” nước – rất cần hồ thủy lợi lớn để cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, điều tiết lũ cho hạ du. Có lẽ, khi so sánh được và mất, việc hy sinh 619ha rừng để làm hồ Ka Pét được coi là phương án tốt hơn ở thời điểm đó.
Nhưng kể từ khi chủ trương đầu tư được duyệt đến nay, thời gian trôi qua đã khá dài. Trong mấy năm qua, hậu quả của việc mất rừng thể hiện rõ ràng và thảm khốc hơn bao giờ hết với những cơn giận lôi đình của mẹ thiên nhiên. Thời tiết ngày càng cực đoan, năm sau phá kỷ lục năm trước. Tất cả đều do thiên nhiên, môi trường sống, rừng già đã bị con người tàn sát không thương tiếc bao năm qua.
Những trận lũ ngày càng hung dữ, mỗi năm đều có bao nhiêu sinh mạng mất đi, bao nhiêu gia đình chịu cảnh trắng tay.
Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và hậu quả ngày càng kinh hoàng. Mùa mưa bão 2023 vừa bắt đầu thì trên cả nước đã liên tục xuất hiện tình trạng sạt lở khiến gần 20 người thiệt mạng, hàng chục tuyến đường bị chia cắt. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) chiều 30/7, vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mưa lớn không phải nguyên nhân gây sạt lở mà chỉ “kích hoạt quả bom nổ chậm” được tạo ra một phần bởi nạn phá rừng tự nhiên. Các nhà khoa học đều khẳng định, chỉ rừng tự nhiên với cây cối đa dạng, nhiều tầng tán, nhiều tầng rễ, thảm thực vật dày mới có thể giữ đất khỏi xói mòn, sạt lở. Tác dụng này của rừng trồng rất là ít ỏi.
Rừng ở Mỹ Thạnh được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn nhiều cây lớn. (Ảnh: Ngọc Trâm)
Vậy mới thấy hàng trăm héc-ta rừng tự nhiên ở Bình Thuận quý giá biết bao! Đó là một phần không hề nhỏ trong hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên còn lại trên cả nước. Chúng ta có lẽ không mất tới vài tháng để bỏ nó, nhưng để có lại một khu rừng tự nhiên như vậy phải mất ít nhất mấy trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, trong điều kiện hoàn hảo nhất, được bảo vệ tốt nhất.
Chớ vì kế hoạch trồng mới hơn 1.800ha rừng thay thế mà yên tâm xóa bỏ kho báu ấy, vì như ông cha ta vẫn nói, “bắt con chim đậu, đừng bắt con chim bay”. Hãy bảo vệ cánh rừng bạt ngàn ở Mỹ Thạnh trước khi nghĩ đến việc bỏ rồi trồng lại 3 lần diện tích. Mà như trên đã nói, đối với tác dụng che chở con người khỏi các thảm họa, rừng trồng không thể so sánh với rừng tự nhiên do trời đất nuôi dưỡng cả nghìn năm được.
Dù chủ trương xây hồ thuỷ lợi đã được thông qua, nhưng chừng ấy điều không thể khiến chúng ta xem xét lại quyết định của mình hay sao? Thời gian từ đó đến nay đã khá dài, thảm họa thiên nhiên khắc nghiệt hơn trước, trong khi mọi quyết định đều có tính thời điểm và khi cần thì nên sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển. Vậy tại sao không thể xem xét dừng việc bỏ 619ha rừng vô cùng trân quý, đã mất đi thì khó có lại ấy?
Trong những mục tiêu của dự án hồ Ka Pét có “cải tạo môi trường”, “góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du”… Nhưng cải tạo môi trường bằng cách bỏ 619ha rừng thì có khác gì bỏ gốc lấy ngọn, khi mà lá phổi xanh giúp giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu bị cắt bỏ đi?
Đành rằng, Bình Thuận cần có hồ thủy lợi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu tỉnh có thể tìm phương án thay thế để giải quyết được phần nào các nhu cầu của địa phương thì đó chắc chắn đó sẽ là một trong những quyết định nhân văn nhất, hợp lòng người nhất.
Đó cũng sẽ là quyết định có hậu nhất, mang lại những tiền lệ tốt nhất, có hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục về lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi sinh, xây dựng lại môi trường sống cho con người tốt đẹp hơn.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.