Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS.TS Trần Đắc Phu: 'Chống dịch COVID-19 của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng'

(VTC News) -

Ông Phu cho rằng cách đáp ứng dịch của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều phản ứng nhanh, bài bản và hiệu quả.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đợt dịch thứ 4 ở nước ta đang lan rộng nhiều tỉnh, thành phố. Tuy chịu ảnh hưởng bởi biến chủng mới Delta từ Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh cùng sự bùng phát dịch mạnh ở các quốc gia như châu Á, Đông Nam Á, nhưng nhìn chung, công tác chống dịch tại Việt Nam vẫn đi đúng hướng.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Những khó khăn

Theo ông Phu, đợt dịch thứ 4 bắt đầu khi dịch xuất hiện ở một số địa phương, rồi lan vào khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang là địa bàn rất phức tạp. Đến nay, COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM, nơi tập trung đông người, đầu mối giao lưu đi lại với các tỉnh, thành phố. Dịch cũng nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, khiến công tác dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Ông Phu cho rằng, một số tỉnh lần đầu tiên phải đối mặt với diễn biến dịch phức tạp nên phản ứng chưa bài bản, ảnh hưởng, tiêu hao đến nguồn lực một cách không đáng có. Ngoài ra, một số nơi cũng triển khai xét nghiệm không theo chỉ định dịch tễ, xét nghiệm không đáp ứng kịp thời cho truy vết, phòng chống dịch.

Có nơi phát hiện dịch muộn, không đánh giá đúng hoặc đánh giá không hết nguy cơ dẫn tới việc đưa ra đáp ứng chưa phù hợp. Việc giãn cách, phong tỏa chưa theo nguy cơ; giãn cách, phong tỏa không đảm bảo được công tác phòng chống dịch hoặc phong tỏa không hợp lý gây ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Bên cạnh sự cố gắng của chính quyền địa phương và nhân dân cả nước thì một số người ý thức chưa cao. Nhiều người ra ngoài khi không thực sự cần thiết, một số vẫn tập trung đông người… Đặc biệt, vài nơi còn hình thành những loại giấy phép xét nghiệm không cần thiết, hay chốt chặn gây ách tắc giao thông cũng như tạo nguy cơ cho sự lây lan dịch bệnh trong khi đã có các phương tiện công nghệ thông tin để kiểm tra giám sát.

Tất cả những tồn tại đó khiến công tác chống dịch của Việt Nam găp nhiều khó khăn trong đợt dịch thứ 4.

Dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 gây nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, các địa phương cơ bản phản ứng kịp thời với tình hình.

Phản ứng nhanh, kịp thời

Theo ông Trần Đắc Phu, dù có khó khăn nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và Bộ Y tế, về cơ bản các tỉnh, thành phố phản ứng rất kịp thời trước diễn biến của dịch bệnh. Nhiều địa phương chống dịch nhưng không gây lãng phí hay ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.

Các tỉnh trải qua những đợt dịch trước giờ đây đã có kinh nghiệm hơn. Thậm chí, một số còn đưa ra cách làm hay, phù hợp với thực tế, qua đó có thể rút ra kinh nghiệm, bài học bổ ích cho địa phương và cả nước như về truy vết, nghiệm, khoanh vùng như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh

Không những thế, ở đợt dịch này chúng ta vừa chống dịch trong khu công nghiệp hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và Bắc Ninh là một ví dụ. Các địa phương khác cũng vậy, chống dịch vẫn lưu thông hàng hóa, sản xuất nông nghiệp một cách có hệ thống và rất bài bản như trường hợp vải thiều ở Bắc Giang… Tất cả đều nói lên rằng, đợt dịch thứ 4 gặp nhiều khó khăn, song đến hiện tại các tỉnh/thành phố vẫn đáp ứng tình hình dịch nhanh chóng, kịp thời, bài bản và hiệu quả.

Việt Nam vẫn đi đúng hướng

Đánh giá về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, ông Phu cho rằng cách đáp ứng dịch của nước ta hiện đang đi đúng hướng. Việt Nam vẫn kiên trì với Chiến lược “Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch và Điều trị hiệu quả”. Phương châm là làm sao khống chế số mắc ở mức thấp nhất. Chỉ có khống chế được số mắc mới hạn chế được số tử vong, không để vỡ trận.

Vị cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, để phù hợp với biến đổi phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế đã có những thay đổi phù hợp. Điển hình như khi dịch một địa phương ở mức quy mô nhỏ thì xét nghiệm, truy vết, giãn cách phong tỏa thế nào, khi dịch lan rộng toàn địa bàn thì xử lý ra sao. Vấn đề cách ly, điều trị cũng vậy, khi ít F0, F1 thì phân loại cách ly điều trị thế nào, khi nhiều, quá tải thì thực hiện ra sao...

“Chúng ta xử lý linh hoạt tại địa phương trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các bộ, ngành. Vấn đề 4 tại chỗ đang thực hiện tốt nhưng cũng cần rút kinh nghiệm để chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch ở địa phương. Đồng thời thay vì nhận hướng dẫn, chỉ đạo, các địa phương nên mạnh dạn đề xuất sáng kiến mô hình phù hợp để các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, áp dụng cho các địa phương khác. Tất cả cùng vì mục đích cuối cùng là chống dịch thành công”, ông Phu nói.

Cách đáp ứng dịch của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng.

Vượt làn sóng dịch thứ 4

Về tình hình dịch phía Nam, một bộ phận người dân đang hoang mang, lo lắng khi các ca bệnh ở TP.HCM và một số tỉnh tăng nhanh, tới hàng nghìn ca mỗi ngày. Thậm chí nhiều người còn sợ rằng “khó có thể chống được dịch”. Theo ông Phu, việc lo lắng của người dân là đúng. Nhưng mọi người không nên quá hoang mang bởi dù số ca bệnh đợt dịch này tăng hơn so với trước nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay Việt Nam vẫn là nước ghi nhận số ca mắc và tử vong thấp nhất thế giới (tính trên 100.000 dân) và chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam vẫn đi đúng hướng. Đặc biệt có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, các ngành và sự chung tay của người dân đặc biệt sự hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế, quân đội, công an.

Không chỉ có vậy, Việt Nam cũng là nước kinh nghiệm trong chống các dịch bệnh truyền nhiễm từ xưa đến nay. Đặc biệt, trước làn sóng dịch thứ 4 này, Việt Nam cũng có hơn 1 năm kinh nghiệm chống dịch, do đó phần nào cũng rút ra được nhiều bài học quý báu.

5K + Vaccine là "chìa khoá" để phòng, chống dịch COVID-19 thành công.

Theo ông Phu, người dân cần bình tĩnh, kiên định. Bởi tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam phức tạp lên một phần do biến chủng Delta lây lan nhanh, và cũng vì tình hình chung của các nước xung quanh ở châu Á, Đông Nam Á chứ không phải vì nước ta chống dịch kém khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng lên.

“Tôi mong người dân hãy đồng lòng với công tác phòng chống dịch, cũng như kiên định với cách làm của Việt Nam. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo 'Chống dịch như chống giặc”, hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta phải đồng lòng. Cùng sự tin tưởng vào chỉ đạo của Chính phủ, người dân cần tuân thủ đúng khuyến cáo 5K + Vaccine để chung sức, đồng lòng.

Tôi cũng mong mọi người thực hiện tốt 5K giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, giảm rất nhiều số lượng F1, F2, từ đó sẽ không gây tốn kém, phức tạp cho truy vết. Bên cạnh đó, người dân cũng phải coi tiêm chủng vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm để Việt Nam nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Một lần nữa chúng ta cố gắng vượt qua đợt dịch thứ 4 này”,  ông Phu nhấn mạnh.

Phạm Quý

Tin mới