Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cần tạo điều kiện để người làm thơ không chuyên phát triển

(VTC News) -

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện cho những người làm thơ không chuyên nghiệp phát triển.

Sáng 5/2, tại tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương - cho rằng, giống như những công việc, ngành nghề khác, người làm thơ, làm văn phải biết tôn trọng người khác, tôn trọng thơ của mình cũng phải tôn trọng thơ của người khác.

"Mình làm thơ thì phải tôn trọng bạn đọc. Chúng ta không nên tranh cãi về vấn đề làm thơ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp bởi người ta yêu thơ thì làm thơ trong khả năng của bản thân và có quyền sinh hoạt tại các câu lạc bộ thơ. Chúng ta phải tạo điều kiện cho cả những người làm thơ không chuyên nghiệp phát triển", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, thơ có giá trị lớn lao, thơ không phải hàng hoá sản xuất hàng loạt. 

"Thơ Việt Nam có thành tựu rất lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người và có sức thẩm thấu. Thơ được nhạc sĩ chắp cánh còn có thể vươn xa hơn", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói.

Nêu thực trạng nhiều thơ chất lượng thấp nhưng vẫn được in, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, cần có sự kiểm duyệt đặc biệt, cách quản lý khéo léo để vừa tạo điều kiện cho các nhà thơ không chuyên phát triển, vừa bảo đảm được chất lượng các tác phẩm thơ ca…

Cũng tại toạ đàm, bàn luận hiện tượng thơ ca hiện nay không còn nhiều sức hút, nhà văn Nguyễn Hiếu cho hay, văn hóa đọc khó cạnh tranh với những hình thức giải trí, truyền thông hiện đại. Thơ hiện nay đa số mang cảm xúc riêng tư, không gắn bó với thời cuộc.

"Thời kỳ thơ còn hấp dẫn người đọc chính là những năm tháng chiến tranh. Thơ dạo đó đẩy cảm hứng cá nhân lùi sau những bức xúc, mối quan tâm đến cuộc sống, xã hội. Dân ta đa phần là những người quan tâm đến thời cuộc, đến cái chung", ông Nguyễn Hiếu nói.

Các đại biểu tham dự tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay".

Nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra nghịch lý độc giả thơ ngày càng giảm dù số người làm thơ tăng và sách thơ xuất bản cũng nhiều. Ông cho rằng nguyên nhân là do công tác biên tập "dễ dãi" khiến những tập thơ còn non yếu ra đời ngày càng nhiều.

Ông Vũ Quần Phương thấy tủi cho phận làm thơ và dẫn lại câu ca dao: "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng chứ đừng tặng thơ".

Còn nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho hay, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ.

Ông Nguyễn Việt Chiến bày tỏ, những nhà thơ sung sức hiện nay có những cách tân được dư luận chú ý là những người biết cách giữ được đặc thù của ngôn ngữ thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ với các xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng những ý tưởng mới.

Ông khẳng định: "Căn cốt nhất trong sáng tạo thi ca là phát hiện, xây dựng các tứ thơ. Một bài thơ đích thực cần có ba yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ".

Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" với sự tham gia các nhà thơ nhiều thế hệ thảo luận, làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại, là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 chủ đề "Nhịp điệu mới" do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ngày Thơ năm nay có nhiều điểm mới, như "Đường thơ" - nơi được dựng 100 câu thơ hay của thi ca Việt nam; "Nhà ký ức" - nơi trưng bày các hiện vật thơ ca. 

Hoạt động chính của ngày thơ là Đêm nghệ thuật diễn ra vào 19h tối 5/2, đúng đêm rằm để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu.

Anh Nhật

Tin mới