Chiều 1/10, Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền Thông, tổ chức họp báo giới thiệu ứng dụng phòng chống dịch PC-COVID.
Tại đây, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, giải đáp nhiều thắc mắc của dư luận và truyền thông thời gian qua, đặc biệt là khi người dùng thấy PC-COVID vốn chỉ là bản cập nhật của ứng dụng Bluezone.
Toàn cảnh buổi toạ đàm diễn ra tại Cục Tin học hoá- Bộ Thông tin và Truyền Thông (68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 1/10.
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, để PC-COVID nhanh chóng đến với người dân, cách tốt nhất là lựa chọn các ứng dụng hiện tại để nâng cấp. Bluezone đang có nhiều lượt cài nhất, với 20 triệu người dùng. Ứng dụng NCOVI có lượt cài thấp hơn, với gần 10 triệu người dùng. Do đó PC-COVID đã được thống nhất sẽ thay thế Bluezone. Như vậy, những người đang cài ứng dụng Bluezone khi nâng cấp thì sẽ có luôn PC-COVID. Điều này giúp tránh phải lặp lại các biện pháp truyền thông không cần thiết mà có thể làm phiền người dân.
Về mã nguồn của PC-COVID, các thành phần quản lý tiếp xúc gần, quét mã QR là nâng cấp từ Bluezone. Đây cũng là phần Bluezone làm tốt. Phần Khai báo y tế được làm mới theo biểu mẫu mới của Bộ Y tế hướng dẫn (sẽ giống với Tokhaiyte.vn). Phần Phản ánh được làm mới hoàn toàn. Thông tin tiêm thì liên thông với nền tảng tiêm chủng. Còn thông tin xét nghiệm thì liên thông với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến...
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, ứng dụng PC-COVID không đơn thuần chỉ là bản nâng cấp của Bluezone. Để PC-COVID thành công và tiếp cận được tới đông đảo người dân, việc triển khai đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như trong thực tiễn công nghệ đóng góp 20%, thì 80% còn lại quyết định sự thành công nằm ở hướng triển khai.
PC-COVID đằng sau nó là nhiều nền tảng lớn, chỉ 1 thông tin hiển thị lên đó cũng phải có 1 hệ thống với những quy trình nghiệp vụ phức tạp. Cũng chính vì lý do này, khi đưa PC-COVID lên các kho ứng dụng, cả Google và Apple đều thẩm định kỹ và duyệt lâu.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chủ trì cuộc họp.
Ứng dụng PC-COVID cần 5 quyền có thể tắt, bật; quyền gắn với Android tích hợp Bluetooth và GPS; quyền để tối ưu hoá, hạn chế pin, quyền ghi file ảnh, âm thanh, lưu trữ để quét mã QR khi phải xuất trình. Cụ thể bên dưới nó là nhiều nền tảng lớn khác nhau. Ví dụ: Chỉ hiển thị thông tin tiêm thì bên dưới đó là Nền tảng tiêm chủng; chỉ để hiển thị lượt quét mã QR thì dưới đó là Nền tảng cung cấp và quản lý mã QR đứng sau. Vì vậy, nếu app nào đang có lượt tải cao hơn thì cũng sẽ chọn để thay thế và nâng cấp từ đó.
Để PC-COVID hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và của chính người dân.
Hiện nay, để hỗ trợ triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm đã xây dựng, kết nối mạng lưới nhân sự triển khai tại 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
“Hiện nay chúng tôi đang thử nghiệm và dự kiến sẽ sớm đưa vào hoạt động hệ thống tiếp nhận ý kiến của người dùng cho ứng dụng PC-COVID”, đại diện Trung tâm cho hay.
Về việc có ý kiến cho rằng việc truy cập ứng dụng PC-COVID chậm ngay từ khâu cài đặt vào điện thoại, khiến người sử dụng phải thoát ra vào lại nhiều lần mà không cài được ứng dụng dẫn đến mất thời gian.
Đại diện Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vì đang trong quá trình chuyển đổi, nâng cấp,... riêng trong ngày hôm qua 30/9 có 1,7 triệu lượt truy cập nên hiệu năng của ứng dụng bị treo. Trong công nghệ, bất kì ứng dụng nào khi chuyển đổi vài chục triệu người dùng, quá trình chuyển đổi vừa chạy, dữ liệu thiếu đồng bộ chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Lập Hiển thông tin tại họp báo.
Trong buổi toạ đàm, đại diện Cục Tin học hoá cũng thông tin thêm app PC COVID sẽ đưa ra 3 loại thẻ "xanh - vàng - đỏ". Cụ thể về mức độ đánh giá, hiển thị "màu" thẻ sẽ dựa vào quy trình về thông tin dữ liệu dịch tễ do Bộ Y tế cung cấp. Trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".
Về mức độ hoàn thiện của ứng dụng, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát triển thêm các tính năng khác để thuận tiện cho người dân và phù hợp với chiến lược phòng chống dịch theo từng giai đoạn.
Ứng dụng PC-COVID là ứng dụng tổng hợp các tính năng hiện có của các app chống dịch COVID (NCOVI, Bluezone, VHD,...) và được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất cho người dùng. Về cơ bản là tổng hợp các tính năng: Khai báo y tế, Phản ánh, Quét mã QR, Tiếp xúc gần, thông tin tiêm, xét nghiệm, sàng lọc F0,... Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án (các phương án thử nghiệm và chính thức) cho ứng dụng PC-COVID và hiện tại đã có mặt trên 2 nền tảng là Android và IOS.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ thông báo tới người dân về lộ trình tắt các ứng dụng trước đó, giới thiệu PC-COVID và thống nhất dùng ứng dụng này trong thời điểm cụ thể.
Để tải về và sử dụng, người dùng có thể lên các kho ứng dụng của Apple và Google, tìm kiếm "PC-COVID", hoặc truy cập website https://pccovid.gov.vn/.