Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 8/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thủ đô trong 5 năm tới là rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển Thủ đô, trong đó có quy hoạch 2 bờ sông Hồng.
"Muốn quy hoạch 2 bờ sông Hồng thì vấn đề thoát lũ là quan trọng nhất. Thành phố mong Bộ Nông nghiệp sớm có chủ trương để thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Từ đó thành phố có thể triển khai các bước tiếp theo", ông Huệ nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Việt Hùng)
Ông cho rằng thành phố đã bỏ lỡ mất một cơ hội cách đây 3 năm, nếu như HĐND Hà Nội phê duyệt coi như là xong. Sau này thay đổi về chính sách, thẩm quyền lại không thuộc thành phố nữa.
Không mời gọi được nhà đầu tư, lãng phí quỹ đất
Nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, có tính chất sống còn đối với Thủ đô, song, Bí thư Huệ nói nếu nhìn vào thực trạng hiện nay của sông Hồng thì đây khó có thể là điểm tựa để thành phố phát triển.
"Bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau 5 năm lại xóa làm lại thì ai dám đầu tư", lãnh đạo Thành ủy băn khoăn.
Ông nói quỹ đất ở các huyện ngoại thành ngoài bãi sông Hồng mênh mông nhưng không kêu gọi được các nhà khoa học, các nhà đầu tư do phải chờ quy hoạch, vô cùng lãng phí.
"Ngay khu vực bãi giữa sông Hồng - khu vực quận Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, tất cả án binh bất động. Chỗ này đề nghị bộ nghiên cứu giúp cho thành phố", Bí thư Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì đề cập thành phố không thể xây các công trình hạ tầng xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân do chưa có quy hoạch phân lũ. Trường học, trụ sở làm việc ở các khu vực bãi sông cũng không thể sửa chữa khiến người dân rất vất vả.
Ông cho biết thành phố vẫn đặt mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống lũ, cải tạo, quy hoạch lại khu vực đê đất thành đê bê tông. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tận dụng tuyến đê này để xây dựng tuyến đường từ sân bay Nội Bài đi qua cầu Nhật Tân vào trong nội thành.
"Khi làm tuyến đường này có thể phục vụ tốt cho dân cư ở khu vực bờ đê. Thành phố, nếu được chấp thuận, sẽ thực hiện trong năm nay, tạo ra một tuyến đường rất đẹp để phục vụ người dân", ông Chung nói.
Cụ thể, trong quá trình xây dựng quy hoạch thoát lũ trước đây, thành phố đã thống nhất quy hoạch "đê kết hợp với đường" - mô hình đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng, sẽ làm theo thiết kế đê - đường hai bậc. Trong trường hợp nước sông Hồng dâng lên bậc thứ nhất, vẫn có thể có đường - đê lưu thông ở bậc thứ hai.
Đảm bảo cốt đê 13,4 m
Trả lời các kiến nghị của lãnh đạo Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận Bộ nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề thực hiện quy hoạch phòng chống lũ 2 bên bờ sông Hồng.
Ông cho biết Quyết định 257 năm 2016 của Thủ tướng là căn cứ để tổ chức quy hoạch 15 tỉnh hạ du làm cơ sở cho công tác ứng phó phòng chống thiên tai và bảo vệ đê điều.
Các khu dân cư luộm thuộm, nhếch nhác tại khu vực 2 bờ sông Hồng. (Ảnh: T.Đ)
Bộ trưởng Cường nhấn mạnh Quyết định 257 được ban hành để bảo vệ vùng hạ du và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội với 2 chỉ tiêu chính. Một là cố gắng đảm bảo cốt đê ở mức 13,4 m để bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích nội đô. Hai là đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình khoảng 20.000 m3/s.
Từ 2 nguyên tắc này, ông cho rằng thành phố phải rà soát lại hết, từ lòng sông, khu vực xung quanh. Không để người dân xây dựng tự phát cản trở dòng chảy. Hai là tận dụng tài nguyên để phát triển bằng các thiết chế, có thể có những chỗ thiết chế được nhà tầng, có chỗ thiết chế được hạ tầng dịch vụ - thương mại.
Bộ sẽ cử lực lượng khoa học, kể cả Viện khoa học thủy lợi, các viện nghiên cứu tập trung với thành phố tổng rà soát lại, nhưng vẫn phải đảm bảo hai nguyên tắc là cốt đê cao 13,4m và mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000 m3/s.
Trả lời kiến nghị cử tri hồi đầu tháng 5, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay TP chưa hoàn thành quy hoạch phân khu sông Hồng. Vướng mắc chính là phân khu hai bên bờ sông Hồng sẽ gắn như thế nào với phương án thoát lũ. Vì vậy, việc sử dụng đất ven bãi sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, trong dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, TP đã nhất trí đưa nội dung này vào để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, trong đó đặt mục tiêu phủ kín các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.