Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Trần Anh Tú: Tiền làm futsal không phải vấn đề, tôi lo chuyện khác

(VTC News) -

Gần 15 năm góp sức phát triển futsal Việt Nam, ông Trần Anh Tú có nhiều điều đáng để lo nghĩ hơn là chuyện tiền bạc.

Đội tuyển Việt Nam 2 lần dự World Cup futsal và đều vượt qua vòng đấu bảng, một thành tích mà chỉ có 9 đội tuyển trên thế giới từng làm được trong lịch sử giải đấu. Thành công ấy có đóng góp rất lớn của ông bầu Trần Anh Tú, người đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để phát triển futsal Việt Nam.

Dẫu vậy, sau những kỳ tích ở đấu trường thế giới, ông bầu futsal Việt Nam vẫn còn nhiều trăn trở. 

- Gần 15 năm làm futsal, ông đã đầu tư rất nhiều thời gian, tiền bạc để góp sức mang về những thành công lớn. Nhưng, việc phát triển futsal Việt Nam càng lên cao sẽ càng tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực. Cá nhân ông có nghĩ mình đủ khả năng đáp ứng điều đó, và trong bao lâu?

Đối với tôi, tiền bạc làm futsal không phải vấn đề lớn, tôi lo việc khác. Điều tôi bận tâm là có bao nhiêu CLB có khả năng tham gia giải chuyên nghiệp. Tôi lo lắng việc đó. Làm thế nào để duy trì, rồi mới phát triển futsal.

Chuyện quan trọng là có bao nhiêu người sẽ tham gia. Vấn đề của futsal Việt Nam cũng giống như bóng đá sân cỏ 11 người. Chúng ta đâu có mấy người đầu tư vào bóng đá. Nếu có thêm những người đồng hành, hay thậm chí người cạnh tranh thì tốt quá.

Đội tuyển futsal Việt Nam 2 lần dự World Cup đều vượt qua vòng bảng.

- Tài chính không phải vấn đề, vậy ông lo nghĩ điều gì cho những bước phát triển tiếp theo của futsal Việt Nam sau thành công ở kỳ World Cup lần này?

Phát triển giải vô địch quốc gia mới là điều quan trọng nhất. Tôi không lo chuyện tiền bạc, mà là về nhân sự, giải đấu. Chúng ta may mắn có những cầu thủ phong trào, như Nguyễn Văn Hiếu. Hồ Văn Ý cũng là một trường hợp may mắn khi HLV Bruno phát hiện ra cậu ấy từ một giải phong trào và bảo tôi phải kéo bằng được cậu ấy về.

Tuy nhiên, những trường hợp như vậy chỉ là hạn hữu thôi. Chúng ta cần những cầu thủ futsal được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Lực lượng cầu thủ kiểu như vậy không nhiều, như Nguyễn Minh Trí, Châu Đoàn Phát, Nhan Gia Hưng..., không quá nửa đội tuyển. Phần còn lại là những cầu thủ không được đào tạo cơ bản mà rẽ ngang vào thi đấu rồi tích lũy dần.

Người hùng của ĐT Việt Nam Hồ Văn Ý là một trường hợp rẽ sang futsal chuyên nghiệp từ sân chơi phong trào.

- Ông đã từng học hỏi cách làm futsal của Thái Lan. Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa ta và họ?

Tại sao futsal Thái Lan phát triển dễ thế? Đó là vì cả nước họ chơi futsal. Chỗ nào cũng có sân futsal, đặc biệt là ở các trường học. Đây là môn thể thao phổ biến nhất của họ. Các CLB Thái Lan không cần đào tạo trẻ, vì tuyển ở đâu cũng có. Họ có một số lượng nhiều kinh khủng các học viện cộng đồng đào tạo futsal cho trẻ em.

Ở Việt Nam thì khác, do có nhiều yếu tố ảnh hưởng, ví dụ như sở thích. Khi tôi bắt đầu làm futsal, TP.HCM có phong trào phát triển rất mạnh, còn Hà Nội thì chỉ có 4 đội futsal mà bây giờ đã giải tán hết. Người miền Bắc chuộng bóng đá 7 người, và thích chơi phong trào hơn là đi theo chuyên nghiệp, vì làm cầu thủ futsal thu nhập không cao.

Nguồn cầu thủ của chúng ta không như Thái Lan. Bên ấy, họ cần cầu thủ là có ngay. Chúng ta rất cần phát triển giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp để việc tìm nhân sự cho đội tuyển không còn khó khăn.

Giải futsal VĐQG mới ở giai đoạn sơ khai trong hành trình chuyên nghiệp hóa.

- Ông có từng nghĩ đến việc tìm một giám đốc kỹ thuật cho futsal Việt Nam?

Tôi cũng nghĩ tới chuyện đó rất nhiều. Ở CLB Thái Sơn Nam bây giờ có ông Ngô Lê Bằng làm giám đốc kỹ thuật, nhưng cũng gần 70 tuổi rồi. Sau này, ai sẽ thay thế vị trí đó cũng là cả một vấn đề. 

Một giám đốc kỹ thuật phải có uy tín rất lớn, không chỉ trong nội bộ. Về mặt chuyên môn, người đó không đi dạy từng cầu thủ mà nhiệm vụ là nhìn ra được tổng thể. Tạm thời, tôi vẫn còn nhiều thời gian để tính toán. Nếu trong nước không có thì tôi sẽ tìm chuyên gia nước ngoài.

- Nói về chuyên gia nước ngoài, ông sẽ tiếp tục tin tưởng HLV Phạm Minh Giang hay tìm thêm HLV ngoại cho đội tuyển Việt Nam?

Việc mời thêm HLV ngoại trước sau gì cũng phải làm. Rõ ràng là dàn HLV nội của chúng ta còn yếu, mà phát triển bóng đá nếu không có yếu tố quốc tế thì rất khó. 

Khi HLV Bruno tới đây, ông ấy mang đến rất nhiều mối quan hệ cho futsal Việt Nam. Ông Miguel, Sergio cũng thế. Các HLV nội của mình có cái dở là chưa giỏi ngoại ngữ và quan hệ quốc tế chưa rộng. Hiện tại còn dựa vào cá nhân tôi được, nhưng tôi cũng đâu thể tự mình làm mãi. Bản thân các HLV phải chủ động tăng cường việc đó.

HLV Phạm Minh Giang thành công nhờ tận dụng cơ hội học hỏi từ các HLV ngoại.

Các HLV ngoại cập nhật xu hướng futsal hiện đại sớm hơn chúng ta rất nhiều. Khi mời các chuyên gia nước ngoài về, điều quan trọng nhất là phải tận dụng được chất xám của họ. Mình mời người ta, quan trọng nhất là mình tận dụng chất xám của người ta.

Chúng ta có HLV Phạm Minh Giang là nhờ môi trường như vậy. HLV nào tận dụng tốt thì phát triển tốt, ngoài Minh Giang còn có Nguyễn Tuấn Anh, ít được biết đến nhưng cũng là một người tận dụng rất tốt cơ hội học hỏi từ HLV ngoại. Khi mời các HLV nước ngoài, tôi muốn các HLV nội của chúng ta phải học hỏi.

Ngoài ra, tôi cũng phải tính toán cho Minh Giang nữa. Lần này, cậu ấy thành công nhưng nếu chẳng may cậu ấy thất bại và bị chỉ trích thì sao?

Minh Giang là trường hợp được đào tạo từ lâu, khi HLV Miguel nghỉ là cậu ấy đã được chuẩn bị sẵn sàng rồi. Ngoài ra, trong giai đoạn dịch COVID-19, chúng ta không mời được HLV ngoại mới. Nhưng sau khoảng 2-3 năm nữa, tôi sẽ phải cân nhắc kế hoạch, vì bản thân Minh Giang vẫn còn làm HLV trưởng của Thái Sơn Nam.

Kể cả khi Minh Giang thành công, tôi vẫn phải tính những phương án tiếp theo. Tôi không nghĩ một HLV có thể thành công ở một vị trí hơn 4 năm, vì sẽ có những đòi hỏi về sự thay đổi, và động lực nữa.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Minh Ngọc

Tin mới