Hôm nay, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong vụ án can thiệp vào gói thầu số hóa xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Trước ngày hầu toà phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung gửi đơn giải trình dài gần 60 trang, đề nghị tòa xem xét thấu đáo các vấn đề để có bản án thấu tình đạt lý.
Trong đơn giải trình, ông Chung cho hay, từ năm 2015, Hà Nội chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dùng chung. Nổi bật là phần mềm quản lý doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; quản lý giáo dục; dịch vụ công cấp phường; cơ sở dữ liệu chung về dân cư...
Việc này ông Chung đánh giá người dân "được nhiều hơn mất". Hơn nữa, UBND TP Hà Nội còn sắp xếp lại từ 3 phòng đăng ký kinh doanh xuống 1, giảm nhiều viên chức.
Ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Cựu chủ tịch Hà Nội còn nêu ra nhiều lợi ích của người dân khi Hà Nội triển khai tích hợp các dữ liệu doanh nghiệp và phần mềm dùng chung của thành phố. Trong đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT quản lý đã được đấu nối liên thông để chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị, giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của người dùng trên địa bàn thành phố rút xuống từ 5 ngày còn 1 ngày, từ 7 lần đi lại còn 1 lần đi lại…
Các tiêu cực về tham nhũng vặt cũng gần như được loại bỏ nếu người dân được sử dụng hệ thống dùng chung của thành phố.
Đặc biệt, ông Chung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào các thành tựu của Hà Nội, thành tích của cá nhân ông khi còn công tác tại Công an TP và UBND TP để ra quyết định thấu tình đạt lý.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2015, Sở KH&ĐT Hà Nội được chủ trì việc số hoá các tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Gói thầu này được đấu rộng rãi, gồm 2 phần việc là scan tài liệu và đính tài liệu đã scan lên hệ thống đăng ký quốc gia.
Tháng 5/2016, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi điện cho bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH&ĐT, yêu cầu tạm dừng để tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường của Bùi Quang Huy chuẩn bị hồ sơ, tham gia dự thầu. Bị cáo Tứ đồng ý, tuyên bố đình chỉ gói thầu.
Nhờ "tác động", liên danh giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh được ký hợp đồng số hóa với Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này không đủ năng lực nên không hoàn thành khối lượng công việc, dù được gia hạn nhiều lần.
Biên bản nghiệm thu Hợp đồng số hoá năm 2016 thể hiện liên danh Nhật Cường - Đông Kinh mới hoàn tất 55% hợp đồng nhưng vẫn được Sở KH&ĐT thanh toán 100% tiền công, tức gần 43 tỷ đồng. Ở gói thầu tiếp theo, liên danh này cũng chỉ đạt 45% khối lượng công việc nhưng cũng được nhận toàn bộ 60 tỷ đồng, tức 100% giá trị.
HĐXX xác định các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; khiến mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được khi chỉ có 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Sở KH&ĐT bị xác định là người có chức vụ quyền hạn, phải thực hiện trách nhiệm của mình nhưng khi thực hiện gói thầu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp kết quả.
Tháng 12/2021, ông Chung bị TAND TP Hà Nội tuyên 3 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sáu bị cáo còn lại cùng bị tuyên phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT) bị phạt 30 tháng tù, Nguyễn Tiến Học (cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT) 30 tháng tù, Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) 4 năm tù…
Đây là vụ án thứ 3 ông Nguyễn Đức Chung hầu tòa. Trước đó, ông đã bị tuyên hai bản án có hiệu lực pháp luật, gồm 5 năm tù vụ chiếm đoạt tài liệu mật và 5 năm tù vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.