Phát biểu tại một hội nghị ở Moskva hôm 25/4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dimitry Medvedev nói: “Thế giới có thể đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới".
Ông Medvedev nhấn mạnh, nguy cơ đối đầu hạt nhân đang gia tăng và nghiêm trọng hơn những lo ngại về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các quốc gia có thể ngăn chặn việc xảy ra chiến tranh thế giới mới.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dimitry Medvedev. (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, các quan chức ở Nga nhiều lần cảnh báo thế giới phải đối mặt với thập kỷ nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến II.
Tháng 10/2022, Tổng thống Vladimir Putin nói thế giới phải đối mặt với thập kỷ nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời tuyên bố Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ mình trước các hành động gây hấn.
“Chúng ta đang đứng trước thời điểm lịch sử: Phía trước có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, khó đoán nhất và đồng thời cũng là thập kỷ quan trọng kể từ khi Thế chiến II kết thúc", ông Putin nói.
Mới đây, Nga tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Mỹ và sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - quốc gia giáp các nước NATO và Ukraine.
Hôm 24/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo thế giới đang ở ngưỡng nguy hiểm, “có thể cao hơn” trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
"Giống như trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đang ở ngưỡng nguy hiểm, thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương", Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cho rằng nguy cơ xung đột giữa các cường quốc toàn cầu đang ở “mức cao trong lịch sử”.
"Căng thẳng giữa các cường quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Nguy cơ xung đột cũng vậy, do rủi ro hoặc tính toán sai lầm", ông Guterres cho hay.