Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ông Lý Hiển Long: Chính sách đối ngoại gây lo ngại ‘không có lợi cho Trung Quốc'

(VTC News) -

Ông Lý Hiển Long cho rằng các quyết định và lập trường chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang gây lo ngại nhiều hơn và điều này không có lợi với Bắc Kinh.

Trả lời phỏng vấn BBC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, các quyết định và lập trường chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang làm gia tăng sự không chắc chắn và lo lắng trên toàn cầu. Đây không phải là tình huống lý tưởng đối với Bắc Kinh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: DPA)

Cuộc phỏng vấn diễn ra trước khi Trung Quốc xác nhận sẽ "đại tu" hệ thống bầu cử Hong Kong, nhằm đảm bảo chỉ những “người yêu nước” mới có thể lãnh đạo thành phố.

Động thái này bị các quốc gia phương Tây, trong đó có Anh phản đối, cho rằng điều này vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 liên quan đến tương lai của Hong Kong sau năm 1997.

Còn Mỹ cho biết sẽ đề cập đến tình hình Hong Kong trong “các cuộc thảo luận khó khăn” mà Washington sắp có với Bắc Kinh trong tuần tới.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, không thể đánh giá được những áp lực nào trong nước đã khiến Trung Quốc đưa ra quyết định.

“Nhưng tôi nghĩ vị thế quốc tế mà họ đạt được đã mang lại cho họ một số bạn bè, nhưng đồng thời, dẫn đến căng thẳng với các cường quốc và với nhiều quốc gia khác”, ông Lý Hiển Long nói.

Đề cập đến các cuộc thăm dò dư luận, chẳng hạn như các cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện, về tình cảm đối với Trung Quốc ở các quốc gia khác nhau, ông Lý cho biết có "sự không chắc chắn và lo lắng đáng kể khi mọi người xem xét hướng đi của Trung Quốc và liệu điều đó có tốt cho họ hay không" .

“Tôi không nghĩ tình huống đó sẽ có lợi cho Trung Quốc”, ông Lý nói.

Về căng thẳng Mỹ-Trung, ông Lý Hiển Long nói dù một cuộc đụng độ quân sự giữa các siêu cường có khả năng xảy ra trong hiện tại nhiều hơn 5 năm trước, tỷ lệ điều đó xảy ra "chưa cao".

Khi được hỏi liệu Mỹ có phải chấp nhận việc không còn là số một hay không, ông Lý nhận định nước này vẫn là số một về kinh tế nhưng số hai không còn kém họ quá xa. “Đó là điều mà Mỹ khó chấp nhận".

Năm ngoái, trong bối cảnh đại dịch, GDP của Trung Quốc tăng 2,3% trong khi của Mỹ giảm 2,3%. Các nhà kinh tế hiện dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn một vài năm so với những dự đoán trước đó.

Ông Lý cho biết ông hy vọng các quốc gia khác sẽ thấy rằng sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho tất cả các quốc gia “cùng nhau thịnh vượng và cùng nhau sống trong một thế giới ổn định”.

Trong khi cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska thể hiện nỗ lực của cả hai bên nhằm gắn kết lẫn nhau, nó sẽ diễn ra trong bối cảnh một loạt cuộc gặp cấp cao của Washington và các nước châu Á-Thái Bình Dương diễn ra. Các chuyên gia cho rằng đây là nỗ lực phối hợp trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Phương Anh

Tin mới