Phát biểu tại lễ động thổ, ông Blinken cho rằng, sự kiện là một trong những kết quả đỉnh cao có được nhờ sự gắn kết tận tâm và sáng tạo giữa rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam, thể hiện bước tiến to lớn trong việc tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước. Từ năm 1995, khi Ngoại trưởng Warren Christopher đến Hà Nội để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đại sứ quán có chưa đến 30 nhân viên Mỹ, đến nay đã có hơn 600 nhân viên Mỹ và địa phương.
Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm hợp tác thông qua quan hệ Đối tác Toàn diện. Mối quan hệ đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ nâng cao sức khỏe cộng đồng, hợp tác giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, mở rộng các cơ hội kinh tế mang tính bao trùm, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Cùng với đó, hai bên thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và có sức chống chịu mạnh mẽ, một khu vực hòa bình và đạt được những điều này từ sự tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu.
"Khu phức hợp Đại sứ quán mới này sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp nối nền tảng đó trong nhiều thập kỷ tới, để đáp ứng những thách thức hiện đại và mang lại lợi ích cho người dân của hai nước chúng ta", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Tòa nhà mới của Đại sứ quán sẽ cao 8 tầng, được tăng số quầy làm thủ tục lãnh sự lên gấp 4 lần hiện nay, giúp cấp thị thực và hộ chiếu cho nhiều người hơn và nhanh chóng hơn. Ước tính trong sáu năm xây dựng, dự án sẽ cung cấp việc làm chất lượng cho khoảng 1.800 lao động địa phương, đồng thời đóng góp thêm 350 triệu USD cho nền kinh tế.
Theo Đại sứ quán Mỹ, khu phức hợp mới dự kiến tiêu tốn 1,2 tỉ USD sẽ là một trong những đại sứ quán đắt nhất của Mỹ trên thế giới. Khi hoàn thành, trụ sở mới có diện tích 3,2 ha và tọa lạc tại vị trí đắc địa giữa công viên Cầu Giấy với phố Phạm Văn Bạch.
"Thiết kế và xây dựng của khu phức hợp sẽ là sự kết hợp giữa cảnh quan đô thị hiện đại và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố Hà Nội. Công trình dự kiến có sự kết hợp hài hòa giữa thành phố Hà Nội nhộn nhịp với sự bình yên vốn có của công viên Cầu Giấy thông qua các khu vực cộng đồng bao gồm phòng trưng bày trên cao và sân hiên ngoài trời với tầm nhìn tuyệt đẹp ra công viên gần đó. Những không gian này sẽ là nơi tiếp đón khách mời trong các sự kiện khác nhau, như các cuộc làm việc hay tiếp khách thông thường.
Các loại vật liệu xây dựng công trình được lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long, đồng thời sự tổng hòa của các loại vật liệu này "thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, có chiều sâu, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao Mỹ", Đại sứ quán cho biết.
Khối nhà sử dụng kiến trúc bằng đá bazan, tượng trưng cho sức mạnh và sự ổn định, trong khi các mái che bằng kính và các tấm thép không gỉ phản chiếu bầu trời, mang lại cảm giác rộng mở. Khách đến cũng sẽ gặp ao sen trong khuôn viên đại sứ quán mới - một loài hoa biểu tượng của Việt Nam.
Các đại biểu tại lễ động thổ khởi công xây dựng trụ sở đại sứ quán Mỹ mới. (Ảnh: Thành Đông)
Khu đại sứ quán cũng được kỳ vọng phản ánh những cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc đảm bảo tính bền vững về môi trường và khả năng chống chịu mạnh mẽ với biến đổi khí hậu. Cụ thể, đơn vị thiết kế đã sử dụng giải pháp xây dựng được lấy cảm hứng từ những cánh đồng lúa cho cảnh quan mái hiên nhằm giảm thiểu tác động của nước mưa chảy tràn. Tất cả công trình chính trong khu phức hợp đều được nâng cao một mét so với vùng bị ngập dự kiến. Các vật liệu mặt tiền như đá bazan, thủy tinh và thép không gỉ đều có độ bền cao, phù hợp với mong muốn sử dụng năng lượng hiệu quả của đại sứ quán, đồng thời tăng sự thoải mái của người sử dụng công trình thông qua việc giảm hấp thụ nhiệt từ mặt trời.
Các vật liệu cũng là vật liệu bền vững với hàm lượng tái chế cao, hàm lượng carbon và hợp chất dễ bay hơi (VOCs) thấp.
Ngoài ra, khu phức hợp đại sứ quán sẽ trưng bày các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, chế tác gốm và in ấn của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ.
Khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ có diện tích 3,2 ha, quy mô xây dựng khoảng 39.000 m2. Tổng ngân sách dự án là 1,2 tỷ USD, phá kỷ lục 1 tỷ USD trước đó của Đại sứ quán Mỹ tại London (Anh).
Chịu trách nhiệm thiết kế kiến trúc cho công trình này là tập đoàn EYP Architecture & Engineering, trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ.