Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/1 nói ông vẫn chưa sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan từ thời Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã không thực hiện những cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được kí hai năm trước.
“Tôi muốn có thể nói rằng họ đang đáp ứng các cam kết, và hơn thế nữa, đáp ứng đủ để chúng tôi dỡ bỏ một mức thuế nào đó, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được điều đó", ông Biden nhận định.
Các bình luận là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Biden tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề từ nhân quyền đến thương mại, dù Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách khác do người tiền nhiệm đưa ra.
Bên cạnh đó, Biden và nhà đàm phán thương mại của ông, Katherine Tai, cũng chống lại áp lực từ một số cộng đồng doanh nghiệp Mỹ muốn dỡ bỏ thuế quan. Biden nói điều đó là không đủ để thuyết phục ông thay đổi hướng đi - đặc biệt là nếu không có sự nhượng bộ đủ nhiều từ Trung Quốc.
Theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, Trung Quốc tuyên bố sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng một báo cáo về thương mại Mỹ-Trung được Chad Bown, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson công bố, cho thấy rằng tính đến tháng 11/2021, Trung Quốc mới chỉ mua 62% chỉ tiêu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: The Star)
Ali Wyne, nhà phân tích về quan hệ Mỹ-Trung tại Eurasia Group nhận định, chính trị sẽ tiếp tục làm "lu mờ" kinh tế trong chính sách thương mại hai bên và điều này không có khả năng thay đổi trong tương lai gần.
Ông nói: “Hàng loạt bằng chứng đã chứng minh rằng thuế quan do chính quyền Trump áp đặt gây hại cho người tiêu dùng Mỹ trong khi không khiến Trung Quốc thay đổi những hành vi kinh tế mà Mỹ xem là có vấn đề”.
Bên cạnh từ chối các lời kêu gọi giảm thuế quan, chính quyền Biden cũng cố gắng sử dụng các liên minh của mình để gây thêm áp lực lên Trung Quốc về thương mại.
Vào tháng 6/2021, Mỹ và Liên minh châu Âu thông báo họ đã giải quyết tranh chấp lâu dài giữa hai gã khổng lồ hàng không Boeing và Airbus. Bà Tai cho biết thỏa thuận cho phép hai bên xích lại gần nhau và nhắm mục tiêu vào các hoạt động “có hại” của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp này.