Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Olympic Tokyo 'bị nguyền rủa': 3 lần đăng cai, 1 lần hủy, 1 lần hoãn

(VTC News) -

Tokyo ba lần được trao quyền đăng cai Olympic thì có một lần bị hủy, một lần bị hoãn vì những cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Olympic không bị hoãn hoặc hủy bỏ lần nào kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cho tới khi đấu trường thể thao lớn nhất thế giới một lần nữa trở lại với Tokyo. Đại dịch Covid-19 khiến kỳ Thế vận hội dự kiến khai mạc tháng Bảy này bị lùi lại một năm.

Tokyo chính là thành phố đầu tiên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ được trao quyền đăng cai Olympic trong kỷ nguyên hiện đại. Kỳ Thế vận hội năm 1940 được xem là cơ hội để Nhật Bản chứng tỏ với thế giới về năng lực hồi phục của đất nước này sau thảm họa động đất. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra.

Olympic 2020 được gọi là kỳ Thế vận hội của sự hồi phục, diễn ra chín năm sau thảm họa Fukushima. Gần một thế kỷ trước, vào năm 1930, Thị trưởng Tokyo Nagata Hidejiro khi tuyên bố tham gia tranh quyền đăng cai cũng nói rằng việc đăng cai Olympic có ý nghĩa thúc đẩy sự tái sinh ở thành phố đã bị cơn đại địa chấn năm 1923 phá hủy phần lớn.

Người Nhật ăn mừng được đăng cai Olympic 1940.

Trong những năm 1930, Nhật Bản đã thường xuyên xuất hiện ở các kỳ Olympic, cũng chính là nước đầu tiên ngoài châu Âu và Nam Mỹ có VĐG tham dự sân chơi này. Đất nước mặt trời mọc thậm chí còn có đại diện ở Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

"Nhật Bản bắt đầu tính chuyện đăng cai Olympic từ đầu những năm 1930", William Kelly, Giáo sư Nhật học ở Đại học Yale cho biết. Baron Jigoro Kano, thành viên của IOC, được coi là người có ảnh hưởng quan trọng trong chiến dịch đăng cai của Nhật Bản.

Trong cuộc họp gần ngày bế mạc Olympic 1932, Kano phát biểu trước các lãnh đạo của IOC rằng việc trao quyền đăng cai cho Nhật Bản sẽ mở rộng tầm nhìn của phong trào Olympic và thu hẹp khoảng cách giữa phương Tây và phương Đông. Do đó, Olympic Tokyo 1940 được coi là bước đệm để chính thức đưa phong trào Olympic vươn tầm ảnh hưởng lên toàn cầu.

Chính phủ Nhật Bản khi đó nhận ra những lợi ích của việc tổ chức một kỳ Olympic khác biệt. Đó là cơ hội để tạo ra ảnh hưởng trong một thế giới mà các nước phương Tây đang áp đảo.

Trong nửa đầu của thế kỷ XX, đất nước mặt trời mọc đã củng cố vị thế dẫn đầu khu vực. Tuy nhiên Tokyo vẫn có hai đối thủ cạnh tranh là Rome (Italy) và Helsinki (Phần Lan).

Năm 1935, Sugimura Yataro, cũng là một thành viên của IOC, đến Italy gặp nhà độc tài phát xít Benito Mussolini để đề nghị Rome rút lui. Trong cuốn sách "The Games", tác giả David Goldblatt ghi lại rằng Mussolini chấp nhận với điều kiện Nhật Bản phải ủng hộ Italy trong chiến dịch đăng cai Olympic 1944.

Nhật Bản tham dự Olympic từ đầu Thế kỷ XX.

Trong lễ bế mạc Olympic Berlin 1936, IOC công bố Nhật Bản là chủ nhà của kỳ Thế vận hội tiếp theo. Tokyo nhận được 37 phiếu bầu, trong khi Helsinki chỉ có 26. Hai năm sau, IOC trao thêm quyền đăng cai Olympic mùa đông cho Sapporo, một thành phố khác của Nhật Bản.

Nhưng cũng trong giai đoạn này, các nước lớn bắt đầu dọa bỏ Olympic sau khi chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Báo chí phương Tây đưa tin về những cuộc tấn công tàn bạo của Nhật Bản vào các thành phố của Trung Quốc. Đất nước mặt trời mọc quyết định từ bỏ quyền đăng cai cả hai kỳ Thế vận hội.

IOC chuyển lại vinh dự chủ nhà cho Helsinki, nhưng Phần Lan cũng bị lôi vào cuộc chiến vào tháng 11/1939. Khả năng tổ chức một kỳ Olympic trong năm 1940 tan thành mây khói. Cũng giống như quyết định lùi lịch Olympic 2020, IOC cũng mất một thời gian trì hoãn với hi vọng rằng tình hình sẽ tốt lên.

"IOC nói rằng chiến tranh thế giới đang leo thang, nhưng Olympic vẫn diễn ra. Tuy nhiên với thực tế rằng cả châu Âu trong tình trạng khói lửa cũng như trên toàn thế giới, họ quyết định hủy các kỳ Thế vận hội", Giáo sư Kelly nói.

 

Tokyo đã chuẩn bị khá kỹ cho Olympic 1940 khi đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng cơ sở vật chất. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, nhiều khách sạn được xây mới.

"Các doanh nghiệp địa phương được khuyến khích đầu tư mạnh vào hạ tầng, sản xuất và dịch vụ nhưng lại không còn đầu ra. Cộng đồng kinh doanh ở Tokyo rất khó chịu nhưng lại không thể chỉ trích chính quyền trong thời chiến", Giáo sư Kelly cho biết. Ông cho rằng những tổn hại về mặt chính trị mà Nhật Bản phải hứng chịu lớn hơn nhiều các chi phí kinh tế.

"Họ không thể tận dụng đại hội lớn nhất hành tinh để trình diễn cho cả thế giới về sự giàu mạnh của đất nước mình", Kelly nói.

"Tầm ảnh hưởng của nó chưa lớn bằng bây giờ, nhưng nó vẫn là Olympic", Chủ tịch Hội Sử gia Olympic quốc tế (ISOH) David Wallechinsky bình luận.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Nhật Bản nói rằng Olympic Tokyo 2020 là kỳ Thế vận hội "bị nguyền rủa". 80 năm sau khi Olympic 1940 bị hủy bỏ, Thế vận hội từng "sống sót" qua nhiều cơn khủng hoảng, nhưng chưa lần nào phải đối mặt với mối đe dọa như lần này.

Minh Ngọc

Tin mới