Trong buổi tổng kết học kỳ I, anh D.M.T (Hà Nội) sốc khi đọc báo cáo chi tiêu của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban phụ huynh lớp). Dù năm học mới qua được nửa kỳ, nhưng ban phụ huynh đã chi tổng số tiền 72,4 triệu đồng, chiếm 88% tổng số tiền huy động được.
Lớp con anh đang theo học có 48 em. Đầu năm, ban phụ huynh vận động mỗi gia đình đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ lớp. Một số phụ huynh khá giả ủng hộ thêm chục triệu đồng cho các hoạt động của lớp. Sau khi tổng kết, ban phụ huynh công bố số tiền huy động được trong học kỳ I là gần 84 triệu đồng.
Quỹ lớp nhiều là thế nhưng hoạt động chuyên môn, chăm sóc các con thì nhỏ giọt. Phần lớn tiền quỹ lớp được chi cho các các hoạt động bên lề. Có những khoản chi như bồi dưỡng ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm học, chi tập huấn, tiền hoa quả, quà cáp cho giáo viên, tiền trang phục, tổ chức hoạt động ngoại khóa… Anh cho rằng điều này khá lãng phí, bởi mỗi khoản chi toàn tiền triệu đồng trở lên.
Anh T. và một số phụ huynh không hiểu vì sao phải chi tiêu nhiều thế, mới một học kỳ mà đã chi hơn 72 triệu đồng? Con đi học, anh T. không tiếc vài triệu đóng tiền quỹ, điều anh bức xúc là ban phụ huynh chi nhiều khoản không cần thiết và không thông qua lớp.
Một số phụ huynh yêu cầu báo cáo chi tiết hơn về các khoản chi nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh không trả lời được. Bức xúc, nhiều người yêu cầu giải tán ban phụ huynh. Thấy tình hình căng thẳng, cô giáo phải đứng ra đỡ lời.
Sau hai giờ tranh luận, phụ huynh đồng ý để ban để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động với điều kiện thu chi phải thông qua biểu quyết công khai, các khoản thu chi phải có thống kê và gửi vào nhóm zalo của lớp.
Cuối buổi họp, ban phụ huynh tiếp tục thông qua mức thu quỹ lớp học kỳ II là 1,5 triệu đồng, chia thành 3 đợt đóng.
Ngồi góc lớp, chị N.T.M thở dài, nói với anh T. tiền quỹ lớp một năm quá nhiều trong khi gia đình cũng không phải khá giả gì. Dù vậy, chị phải chấp nhận, bởi chị nghĩ: "Cho con đi học phải theo tập thể đành phải đóng thôi. Nếu phản đối thì sợ con bị thiệt thòi”.
Báo cáo chi tiêu của lớp con anh T. đang học, tổng số tiền chi một kỳ hơn 72 triệu đồng. (Ảnh: V.N)
Từng rơi vào hoàn cảnh như anh T, chị V.T.Y có con đang học tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể chuyện dở khóc dở cười về ban phụ huynh lớp.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, với hoạt động bầu ban phụ huynh, các lớp tự tổ chức trên nguyên tắc tự nguyện và độc lập. Những ai được bầu vào ban phụ huynh phải nhận được sự đồng thuận cao. Giáo viên không được phép can thiệp hoặc chỉ định đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo tính khách quan.
Quy định là vậy nhưng trước khi bắt đầu năm học được vài tuần, phụ huynh trong lớp đều biết ai sẽ được bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh. Những người này thường có con làm cán sự lớp, điều kiện kinh tế tốt, có địa vị xã hội. Vị trưởng ban phụ huynh là người quen của giáo viên nên được cất nhắc.
Được bầu ban phụ huynh, vị trưởng ban hồ hởi tuyên bố sẽ làm hết sức để các con có điều kiện học tốt nhất. Nhưng một tháng sau, phụ huynh nghe nói vị này cầm quỹ lớp cho vay nặng lãi, đóng bát họ.
Hết kỳ I, người này vỡ nợ, ôm gần 60 triệu đồng quỹ lớp còn dư và biến mất. Con cái họ cho về quê hay đi học ở đâu cũng không ai biết. Phụ huynh biết chuyện mới tá hỏa đi tìm nhưng không liên hệ được. Ngán ngẩm, mỗi người đành bỏ hơn 1 triệu đồng để đóng tiền quỹ lớp lần 2.
Ban đại diện cha mẹ học sinh có cần thiết?. (Ảnh minh họa: V.N)
Chị Y. cho rằng một số ban đại diện cha mẹ học sinh đang lợi dụng thẩm quyền để tiếp tay cho vấn nạn lạm thu. Điển hình là các khoản tiền ngày 20/11, 20/10, 8/3; tổ chức dã ngoại tham quan; hỗ trợ học sinh gia đình khó khăn; tiền bồi dưỡng giáo viên dạy thêm giờ.
Việc đóng tiền quỹ lớp tiếng là tự nguyện nhưng lại dựa trên tinh thần bắt buộc. Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh không thay đổi cách làm việc và lối tư duy hình thức, lạm thu như hiện nay thì nên dẹp bỏ để tránh tạo thêm áp lực, gánh nặng cho phụ huynh khác.
Hiện nay, Thông tư 55/2011 về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ quy định chung chung về quản lý và sử dụng kinh phí của ban này. Một số ý kiến chuyên gia, phụ huynh cho rằng Thông tư 55/2011 cần quy định rõ về việc vận động, chi tiêu của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngoài ra, trường hợp ban phụ huynh chi tiêu không minh bạch sẽ bị xử lý như thế nào cũng là một vấn đề được quan tâm.