Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nữ sinh TP.HCM giành 12 học bổng trị giá 42 tỷ đồng

Đỗ hai trường ở Mỹ và Canada, Lâm Đào Trúc Anh còn được 12 đại học khác cấp học bổng với tổng trị giá gần 1,8 triệu USD (khoảng 42 tỷ đồng).

Trúc Anh, 18 tuổi, là học sinh lớp 12 Văn - Trrường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Cô bắt đầu "săn" học bổng từ đầu năm, hiện 12 trường đại học Mỹ đồng ý cấp học bổng cho cô (50.000-196.000 USD cho bốn năm học) gồm: Cornell University, Oberlin University, Fordham University, Denison University, Union College, Dickinson College, Knox College, Depauw College, Connecticut College, Centre College, Gettysburg College, Beloit College.

Ngoài ra, nữ sinh cũng đỗ hai trường University of British Columbia (Canada) và Purdue University (Mỹ). 

Trúc Anh chọn nhập học Đại học Cornell, một trong tám trường thuộc nhóm Ivy League - đại học có uy tín nhất trên thế giới, với gói học bổng 196.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) cho ngành Quan hệ lao động. 

Lâm Đào Trúc Anh, học sinh lớp 12 Văn trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM). (Ảnh: Mạnh Tùng).

Từ nhỏ, Trúc Anh thích đi du lịch nước ngoài nhưng chưa có cơ hội, ước mơ du học nhen nhom từ năm lớp 10 đơn giản chỉ là được đi đây, đi đó. Trong khi người chị hơn cô một tuổi, cùng là học sinh Phổ thông Năng khiếu, chuẩn bị khá chỉn chu cho kế hoạch du học. "Khi chị đỗ vào Đại học New York đã tạo động lực cho tôi suy nghĩ nghiêm túc vào việc này", Trúc Anh nói.

Rút kinh nghiệm từ chị gái, cô nộp hồ sơ nhiều trường với đủ thứ hạng. Nhiều người khuyên cô không nên nhắm vào Đại học Cornell bởi cơ hội đậu thấp. Nhưng vì yêu thích và được gia đình, bạn thân hỗ trợ, cô quyết định dự tuyển.

Bơi lội và nữ quyền là chủ đề chính trong bài luận dài 650 từ mà Trúc Anh gửi đến các trường đại học, xin cấp học bổng.

Từ 5 tuổi, Trúc Anh học bơi, từng đạt nhiều giải cấp quận và thành phố. "Tôi thích bơi bướm nhưng có người chê con gái học kiểu này vai sẽ to. Đó là lần đầu tôi nhận thức được sự bình đẳng giới chỉ trong việc học bơi", Trúc Anh kể. Điều này thôi thúc cô tham gia những hoạt động xã hội, trong đó có bảo vệ quyền phụ nữ, giúp mọi người có góc nhìn mới về phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại.

Dù biết những hành động của mình chưa thể xoá bỏ những quan niệm bất bình đẳng giới trong một sớm một chiều, song cô tin những người được tiếp cận sẽ nhận thức được giá trị bản thân, nỗ lực không ngừng để phá vỡ những định kiến.

Với Đại học Cornell, ngoài bài luận chính, cô còn gửi bài phụ - chủ đề Khác biệt giữa sự tĩnh lặng trong Phật giáo và sự im lặng trong đời sống, theo yêu cầu của trường.

Trúc Anh kể, cơ duyên gắn bó với đạo Phật từ bé, cô luôn có đức tin vào cuộc sống, đạo lý của Đức Phật và thường tâm đắc với những bài học về lòng trắc ẩn. Bài luận cho rằng, sự im lặng trong Phật giáo là tĩnh lặng trong tâm thức, mang đến năng lượng tích cực, sự thảnh thơi, an lạc. Còn sự im lặng trong cuộc sống là nín lặng khi bị chèn ép; là sự làm ngơ trước những bất công, cái xấu; vô cảm với những người khó khăn.

Đưa ra sự đối lập này, Trúc Anh mong muốn đại học sẽ giúp cô trang bị những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề "sự im lặng trong cuộc sống" và mong mọi người tìm thấy "sự im lặng trong Phật giáo". Đó cũng là lý do cô chọn ngành Quan hệ lao động với sự kết hợp giữa kiến thức quản trị nhân sự và kỹ năng bảo vệ người lao động.

Bên cạnh việc học, Trúc Anh ham làm thơ, cả tiếng Việt và Anh. Sở thích này ảnh hưởng từ ông ngoại thường đọc thơ và kể chuyện cho cô mỗi lần về thăm. Một số bài cô gửi kèm hồ sơ xin học bổng.

Hai bài luận với góc nhìn chững chạc và những trải nghiệm tích cực từ các hoạt động xã hội; những sở thích như bơi lội, làm thơ cùng chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0 đã giúp cô thuyết phục được đại học danh tiếng hàng đầu.

Trúc Anh cùng nhóm bạn dự án The Pallete trong buổi tổng kết ở làng May mắn, quận Bình Tân, TP.HCM, hồi tháng 8/2018. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ nhỏ, Trúc Anh giỏi Toán, từng thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa 10 điểm môn này. Ngã rẽ đến với nữ sinh hồi lớp 8, được cô giáo dạy Văn giỏi truyền cảm hứng trong từng tiết học. Cô say mê văn học từ đó rồi quyết tâm vào lớp chuyên Văn của trường Phổ thông Năng khiếu.

Lớp 10, Trúc Anh cùng một số bạn thành lập dự án The Palette giúp những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn những kỹ năng mềm, kiến thức về sức khoẻ và dinh dưỡng. Với gần 30 thành viên, trong hơn một năm, nhóm đã tổ chức các lớp học cho hơn 200 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Sau đó, Trúc Anh và chị gái lập dự án Unfold the V để nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề bình đẳng giới, cộng đồng LGBT, nạn xâm hại tình dục, hiểu biết về trẻ tự kỷ. Các bài viết, phim ngắn và sự kiện mà tổ chức này thực hiện tiếp cận được hàng trăm người. Chiến dịch Bướm thu hút hơn 150 người tham gia, gây quỹ giúp các nạn nhân bị xâm hại tình dục ở một mái ấm.

"Tri thức sẽ giúp con người nhìn cuộc sống một cách thấu đáo và đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Tôi tin là mình và các bạn đã mang đến cho nhiều người kiến thức và kỹ năng thiết thực trong cuộc sống", Trúc Anh nói.

Gần ba năm tham gia hoạt động xã hội, cô tích luỹ được nhiều kỹ năng cho bản thân, tập được cách nói chuyện lưu loát, kỹ năng thuyết phục người khác và quản trị đội, nhóm, tổ chức sự kiện. Hiện, nữ sinh tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp rồi làm thủ nhập học Đại học Cornell. Học xong đại học ngành Quan hệ lao động, cô dự tính học tiếp ngành Luật, sau đó về Việt Nam làm việc.

Bà Đào Thanh Mai (mẹ Trúc Anh) không giấu niềm tự hào khi nói về con. Khác với chị gái cứng cỏi, mạnh mẽ, Trúc Anh khá tình cảm, quan tâm tới người khác và hết mình với đam mê. "Tôi không hối thúc con trong học học tập mà để tự lựa chọn. Gia đình luôn tin và ủng hộ quyết định của cháu", bà Mai nói.

Là giáo viên chủ nhiệm của Trúc Anh năm ngoái, cô Nguyễn Thị Hoàng Mai (trường Phổ thông Năng khiếu) nhận xét học trò có nghị lực, cầu thị trong học tập và năng nổ trong hoạt động chung. Trong mỗi tiết học, Trúc Anh luôn chịu khó, tìm tòi để thu nhặt được nhiều kiến thức nhất có thể. Nữ sinh cũng tỏ ra là người độc lập với các góc nhìn mới mẻ trong những lần phát biểu ý kiến hay các bài thi.

Nhiều lần tham gia cùng các hoạt động xã hội do học trò tổ chức, cô Mai đánh giá Trúc Anh có tư duy quản trị tốt, thường đóng vai trò quan trọng trong từng sự kiện. "Em ấy là người hoà nhã, thân thiện và biết quan tâm mọi người", cô nói.

Nguồn: vnexpress

Tin mới