Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hành trình nữ sinh Việt trúng tuyển vào đại học danh giá thứ 2 thế giới

(VTC News) -

Nguyễn Quỳnh Anh (SN 2006, gốc Nghệ An) vỡ oà khi nhận tin báo đỗ từ Đại học Stanford, ngôi trường xếp hạng thứ 2 thế giới.

"Em từng 'hoảng' khi bị trường Stern School of Business - Đại học New York từ chối nên với một trường khó, có tỷ lệ chấp nhận thấp (chỉ 4%) như Đại học Stanford em sợ hồ sơ không hợp “khẩu vị” của nhà trường", nữ sinh chia sẻ. 

Trước đó nữ sinh Nguyễn Quỳnh Anh, trường Quốc tế Concordia Hà Nội cũng nhận được tin báo đỗ trường Kinh doanh Wharton School (Đại học Pennsylvania - top 1 trường Kinh doanh tốt nhất Mỹ 2024 theo U.S News and World Report), Đại học California Los Angeles (top 15 đại học quốc gia tốt nhất Mỹ 2024), USC Marshall (top 15 trường Kinh doanh tốt nhất Mỹ 2024).

Quỳnh Anh chụp ảnh tốt nghiệp tháng 10/2023 (Ảnh: NVCC)

Quỳnh Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, Nghệ An. Thử thách đầu đời với nữ sinh là dịch chuyển môi trường sống ra Hà Nội cùng gia đình vào năm lớp 3. Thời gian đầu nhập học, Quỳnh Anh gặp rào cản ngôn ngữ do cách nói chuyện vẫn giữ ngữ điệu địa phương. Có những lúc, Quỳnh Anh bị tụt lại phía sau cả về mặt hòa nhập tập thể lẫn kết quả học tập.

Quỳnh Anh luôn nỗ lực cải thiện và cố gắng, quyết tâm dậy sớm kỷ luật bản thân, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và đăng ký nhiều lớp học thêm.

Nữ sinh dành đa số thời gian tại trung tâm học thêm, các buổi học nâng cao tiếng Anh tới 8h tối hàng ngày. Chỉ sau một kỳ học, thành tích các môn của cô gái gốc Nghệ An cải thiện rõ ràng.  

“Kết quả tốt hơn, em hoà nhập, mạnh mẽ hơn và không còn tự ti mình đến từ đâu nữa”, Quỳnh Anh kể.

Hoà mình vào các hoạt động ngoại khoá cũng là cách giúp Quỳnh Anh phát triển bản thân, tìm ra đam mê về kinh tế. Ban đầu nữ sinh tham gia tất cả các hoạt động để xem bản thân phù hợp với điều gì. Ngày nào cũng học và làm về Toán học, tranh biện, sáng tạo nội dung, thiết kế… Thử nhiều vai trò, nhiều lĩnh vực, nữ sinh nhận thấy có niềm đam mê mãnh liệt với kinh tế, nhất là chuyên ngành tài chính. 

Quỳnh Anh đóng vai trò chủ tịch trong dự án “Phù thủy Kinh tế” trong hai năm THPT. Bắt đầu từ vị trí thành viên nội dung, nữ sinh được bổ nhiệm làm chủ tịch. Quỳnh Anh phát triển dự án cùng 30 thành viên trong hoạt động của fanpage để chia sẻ tin tức, kiến thức về kinh doanh, kinh tế đến hơn 2.400 học sinh trung học có cùng chí hướng.

Nhóm tổ chức 3 hội thảo trực tuyến với các lãnh đạo nổi bật từ các ngân hàng và tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam về doanh nghiệp xã hội, việc làm tài chính và ứng dụng kinh tế vĩ mô thực tế, tiếp cận hơn 4.500 người.

Quỳnh Anh cùng nhóm trực tiếp dẫn dắt 3 sự kiện gây quỹ để hỗ trợ trẻ em và người khuyết tật từ việc bán hoa quả, rau xanh và làm triển lãm handmade.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Quỳnh Anh với dự án là thời kỳ COVID-19, hàng loạt hoạt động nhóm phải liên tục tổ chức online. Để truyền tải các thông tin về kinh tế kinh doanh sống động nhất, nhóm tổ chức webinar mời các diễn giả trên khắp thế giới chia sẻ các kinh nghiệm nghề nghiệp và cơ hội việc làm về kinh tế, tài chính, kinh doanh.

Nữ sinh Nghệ An cũng giành giải cao tại các cuộc thi về kinh tế, tài chính, gồm: Huy chương vàng cuộc thi sáng tạo, thiết kế và khởi nghiệp quốc tế WIIPA 1 Idea 1; hạng nhất cuộc thi Doanh nhân xã hội Việt Nam 2023; giải xuất sắc Olympic kinh tế Việt Nam 2023.

Ngoài các hoạt động lãnh đạo dự án lĩnh vực tài chính kinh doanh, Quỳnh Anh tham gia các dự án dịch vụ cộng đồng như nấu bữa ăn chữa bệnh, nâng cao nhận thức về bạo lực học đường, bình đẳng giới.

 

Toàn bộ hành trình dài 3 năm phổ thông giúp Quỳnh Anh kể câu chuyện “bạn làm gì để thay đổi hoàn cảnh" trong bài luận nói lên đúng con người mình nhất, với xuất phát điểm từ tỉnh lẻ cho đến khi dần tìm ra mình là ai. Đây cũng là phần khó nhất, nữ sinh từng bỏ hơn 30 bài trước khi có bản hoàn thiện gửi đi. 

Hành trình đó cũng thôi thúc nữ sinh Nghệ An dùng trải nghiệm để giúp những người phụ nữ trong kinh doanh chưa có tiếng nói hoặc gặp vấn đề khúc mắc qua dự án “Women in Business” (Phụ nữ trong kinh doanh) với 30 thành viên. Trong vai trò người sáng lập, dẫn dắt dự án, Quỳnh Anh hỗ trợ về công nghệ, học tiếng Anh tiếp cận khoảng 3000 phụ nữ trong các công ty ở nhiều tỉnh, thành. 

Song song các hoạt động cộng đồng, Quỳnh Anh duy trì thành tích học tập ổn định. Quỳnh Anh đạt điểm AP (Advanced placement program - lớp nâng cao, gồm các khóa học có nội dung tương đương với các khóa cơ bản trong năm đầu ở bậc đại học Mỹ) tuyệt đối 5/5 điểm ở nhiều môn. Điểm trung bình học tập GPA đạt A+ xuyên suốt THPT. 

Nhận thư trúng tuyển và sẽ hiện thực ước mơ sống, học tập ở bang California, cô gái Việt mãn nguyện với hành trình chinh phục cơ hội du học danh giá.

Dự kiến, tháng 8 tới đây, Quỳnh Anh sẽ đặt chân sang Mỹ theo học Stanford. Lời khuyên của nữ sinh là “Thử cực nhiều để biết mình phù hợp điều gì”. 

Tương lai, Quỳnh Anh muốn lập những phân tích dữ liệu tài chính cho các doanh nghiệp xã hội, vì em hướng đến ảnh hưởng cộng đồng hơn lợi nhuận đơn thuần. Đại học Stanford, cánh cửa vừa mở cho nữ sinh viết tiếp hoài bão, cũng là ngôi trường hướng đến cộng đồng. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của Quỳnh Anh chia sẻ: “Quỳnh Anh là con gái thứ hai cũng như là chị lớn trong gia đình. Con luôn luôn tự giác lo lắng và phấn đấu, tìm tòi. Những lần tham gia các hoạt động nhóm hay các cuộc thi, con quên ăn, quên ngủ”.

 

Cô Lê Thu Hiền, giáo viên dạy Toán và Big Data của Quỳnh Anh tại trường Concordia cho biết: “Quỳnh Anh nổi bật với tư duy độc đáo và tinh thần tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu tiên trong lớp. Em không chỉ thể hiện sự xuất sắc về mặt học thuật mà còn cho thấy đam mê sâu sắc trong việc hiểu và ứng dụng các nguyên lý Toán học vào thực tế, đặc biệt là lĩnh vực tài chính”.

TS Nguyễn Chí Hiếu, CEO Tổ chức Giáo dục IEG, người chứng kiến hành trình chinh phục đại học Mỹ của Quỳnh Anh cho biết, khi bắt đầu hành trình này, Quỳnh Anh không tin vào tiềm năng và câu chuyện của mình. Nữ sinh ấy nghĩ bản thân chưa “đủ tầm” để với đến các trường top đầu, chứ chưa nói đến Đại học Stanford hay Upenn, vốn là những trường trong mơ với tỷ lệ nhận rất thấp.

Tuy nhiên, bằng sự khiêm tốn và bền bỉ của mình, cùng với ngọn lửa ước mơ “bay cao bay xa” âm ỉ không tắt, Quỳnh Anh cứ từng bước, từng bước viết từng câu chữ, nặn từng ý tưởng.

Theo tiến sĩ Hiếu, trong hành trình chuẩn bị du học, nếu học sinh làm thật sự nghiêm túc và chân thành, các em sẽ thật sự trưởng thành trong quá trình đó, đặc biệt về ý thức và hệ giá trị. Quỳnh Anh chính là một trong những minh chứng cho sự trưởng thành rất đẹp đó. 

Lệ Thu

Tin mới