NSND Trần Hạnh qua đời sáng nay (4/3) tại nhà riêng. Dù ông đã hưởng thượng thọ nhưng sự ra đi này vẫn khiến giới nghệ sĩ cảm thấy mất mát, tiếc thương, bởi Trần Hạnh luôn được người trong nghề kính trọng về nhân cách và đam mê cống hiến cho nghệ thuật.
Chia sẻ với VTC News, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho biết: "Mỗi lần nhìn thấy NSND Trần Hạnh trên màn ảnh, tôi toàn nhớ đến hình ảnh ông nội mình vì hai người có sự giống nhau đến kỳ lạ. Nhận được tin ông mất, tôi có cảm giác như lại mất đi một người thương nữa".
Đạo diễn trẻ cho biết, anh sẽ nhớ mãi những lần may mắn được cộng tác với người nghệ sĩ mà anh cảm phục. Năm 2010, khi Đỗ Thanh Sơn còn là sinh viên, NSND Trần Hạnh hết lòng hỗ trợ anh và các bạn làm bài tập ở trường mà không đòi hỏi chút nào về cát-sê, dù ông đã về hưu với đồng lương ít ỏi.
"NSND Trần Hạnh luôn nói, các cháu có bao nhiêu thì gửi bác, còn đâu bác hỗ trợ các cháu"- đạo diễn nhớ lại.
Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn.
Khi cùng làm việc, các sinh viên còn bỡ ngỡ với mọi thứ, NSND Trần Hạnh chỉ bảo rất nhiều, không một tiếng phàn nàn về sự thiếu chuyên nghiệp của họ. NSND Trần Hạnh còn hướng dẫn, tư vấn cho họ về cách làm việc, cách trao đổi kịch bản với những diễn viên cao tuổi. Một thời gian sau, Thanh Sơn đến chơi, gửi lại phim cho ông xem, hai người vui vẻ trò chuyện bên đĩa kẹo lạc và nước chè. Nghệ sĩ gạo cội còn đưa cho Thanh Sơn chút quà mang về.
Trong ký ức của Đỗ Thanh Sơn, con người NSND Trần Hạnh cũng giống như ngoại hình, khắc khổ, dễ mến và hiền lành. Điều vị đạo diễn trẻ thấy tiếc là thời gian trôi qua, anh không lưu giữ được bức hình nào chụp chung với người nghệ sĩ đáng kính ấy. Theo anh, sự ra đi của NSND Trần Hạnh là mất mát lớn cho nghệ thuật nước nhà, ông mang theo rất nhiều ký ức, kỷ niệm đẹp của khán giả.
Còn NSƯT Chiều Xuân nhớ lại những ngày tháng cùng Trần Hạnh - nghệ sĩ hiền lành mà chị gọi là bố - đóng phim Người yêu đi lấy chồng của đạo diễn Vũ Châu. Chị rơi nước mắt khi xem lại những hình ảnh kỷ niệm hồi đó.
NSND Trần Hạnh và NSƯT Chiều Xuân trong phim "Người yêu đi lấy chồng".
"Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, bố Hạnh đã 92 tuổi rồi, nhưng nghe tin bố ra đi, con không thể không nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi. Chắc ở thế giới bên kia, giờ này bố đã đoàn tụ cùng các cô chú và các anh chị đi trước. Chắc bố lại đang chuẩn bị cho một vai diễn mới của mình ở thế giới đó. Dù ở thế giới nào, nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố, cái nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, chia sẻ với con người, với cuộc đời này. Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị và thanh tao như con người bố Trần Hạnh vậy. Tiễn bố trong một ngày mưa phùn mùa xuân Hà Nội" - NSƯT Chiều Xuân viết.
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 ở Hà Nội, nổi tiếng với các vai bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em...
Trần Hạnh có những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là những năm cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa (Huy chương Vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay trong Âm mưu và tình yêu.
Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Với phần đông công chúng, Trần Hạnh được biết đến và yêu mến qua các vai diễn trong phim truyền hình. Dù là người Hà Nội gốc, hình ảnh quen thuộc của Trần Hạnh trong lòng công chúng là những ông già hiền hậu, khổ hạnh, những lão nông hiền lành, chất phác... và những ông bố nghèo hy sinh cho con cháu.
Vai diễn điện ảnh cuối cùng của NSND Trần Hạnh là vai ông mù trong phim Cha cõng con (năm 2017). Sau đó, do sức khỏe yếu, mắt lại kém nên ông không đóng phim nữa.
Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu NSND năm 2019.