Video: Nạn nhân CLB Tình Người: 'Tôi đã sai lầm khi lấy tiền trả nghiệp'
Anh Nguyễn Văn N. (cựu thành viên CLB Tình Người) cho biết, anh tham gia CLB từ tháng 7/2017. Trước khi tỉnh ngộ, anh N. cùng nhiều người khác mê muội, dành hết tâm sức, tiền bạc cho tổ chức này với mong muốn "tạo phúc", "giải nghiệp".
Gieo duyên người nghèo bị san phúc
Theo anh N., để được tham gia các lớp học của CLB Tình Người thì cần một người giới thiệu và từng quen người giới thiệu đó ít nhất 6 tháng, đây cũng là thủ đoạn lôi kéo hội viên của CLB Tình Người. Từ cộng tác viên muốn trở thành hội viên chính thức phải đạt điều kiện đã gieo duyên cho ít nhất 5 người.
Anh N. cho biết, tiêu chuẩn đầu tiên để được tham gia CLB Tình Người là trong độ tuổi từ 30-55. Những người ở ngưỡng tuổi này đều đang có tài chính nhất định, họ sẵn sàng dâng số tiền lớn vào CLB Tình Người để giải nghiệp, tạo phúc.
CLB Tình Người dạy cho các học viên cách để tạo phúc, gieo duyên cứu người, cứu càng nhiều người thì mình càng có nhiều phúc. Thế nhưng, tổ chức này lại định hướng cho các thành viên không nên gieo duyên cho những người khó khăn mang nghiệp nặng, những người quá bất ổn. CLB Tình Người lý giải, gieo cho người phúc lớn thì được cộng phúc, gieo cho người nghiệp nặng thì cộng nghiệp, lại bị san phúc.
"Những người khó khăn, những người cần giúp nhất thì CLB Tình Người lại không nhận với lý do những người này đang bị nghiệp nặng, không học được trí tuệ. Trước khi đi gieo duyên, CLB sẽ hướng hội viên những người nào nên gieo duyên và những người nào thì không", anh N. kể lại.
Anh Nguyễn Văn N. (cựu thành viên CLB Tình Người).
Các hội viên lôi kéo thành viên tham gia dưới hình thức gieo duyên không được lợi gì về tiền bạc nhưng họ u mê cho rằng ''giúp được một người là phúc đẳng hà sa" nên liên tục đi gieo duyên cho người khác.
"Họ chia theo tầng, nếu như gieo duyên được nhiều thì sẽ được coi là những người tích cực, được trọng dụng, được hành duyên trong các vị trí. Nếu hội viên là người có địa vị ngoài xã hội, thành đạt, có nhiều tài chính thì sẽ được tặng duyên riêng. Ví dụ như duyên được hành trong ban, duyên được đón các buổi chia sẻ sâu hơn", anh N. thông tin.
Sau khi trở thành hội viên CLB Tình người, anh N. tiếp tục gieo duyên cho 5 người khác. Khi anh tỉnh ngộ, rời CLB Tình Người, 2 người cũng rời CLB cùng anh.
"Ba người khác vẫn tiếp tục sinh hoạt ở CLB, tôi khuyên nhưng họ không nghe, họ không chịu tiếp nhận thông tin bên ngoài. Họ còn cho rằng tôi bị tà kéo, tà dẫn, những người này đã bị tẩy não rất sâu.
Thực ra ngay cả bản thân tôi và tất cả những người khác đều phải học, những người học xong rồi thì sẽ tốt nghiệp, còn những người chưa học xong thì họ phải học tiếp thôi", anh N. nói về những người mình từng gieo duyên nhưng vẫn chưa dứt được CLB Tình Người.
CLB Tình Người hoạt động dưới dạng “đa cấp tâm linh”, lôi kéo nhiều người tham gia
Đa cấp tâm linh
Tại cuộc họp về một số vấn đề hoạt động của CLB Tình Người liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, phương thức hoạt động của CLB biểu hiện dưới dạng “đa cấp tâm linh”. Những người tham gia tại đây sẽ được yêu cầu đi “gieo duyên” cho người thân, bạn bè nhằm mở rộng quy mô của CLB.
Thành lập từ tháng 7/2019 tại Hà Nội, đến nay CLB Tình Người đã mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều địa phương, trong đó có các cơ sở tại TP.HCM, Quảng Trị, Hà Giang, với hàng vạn lượt người tham gia.
CLB được cơ cấu gồm Ban chấp hành và 7 Ban Chuyên môn; hoạt động dưới hình thức các buổi truyền giảng, lan tỏa trí tuệ tới cộng đồng, tài liệu tuyên truyền gồm hai cuốn cơ bản là “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại” của tác giả Nguyễn Kính do NXB Hồng Đức cấp phép xuất bản năm 2020 và “Chia sẻ giá trị trí tuệ về nhân đạo” của tác giả Nguyễn Hồng Thuận, được Cục Bản quyền tác giả trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép bản quyền và lưu hành.
Bên cạnh đó, CLB lập ra nhiều website như tinhnguoi.vn, trituecongdong.com, tamlongvang.org, nhandao.org… để tuyên truyền hoạt động.
Núp bóng các hoạt động thiện nguyện và những khẩu hiệu “cho đi là còn mãi”, “lan tỏa trí tuệ tới cộng đồng” được nêu trong tôn chỉ, mục đích hoạt động, CLB đã tiếp tay cho việc tuyên truyền kiến thức tâm linh không có căn cứ.
Từ đây, các thành viên được chỉ dẫn phải bỏ tiền làm từ thiện để giải nghiệp, hoặc chi tiền để CLB “mua hộ”, “đặt hộ” những bộ đồ thờ bằng đồng được quảng cáo là có tính thiêng đặc biệt, với giá tiền đắt gấp nhiều lần so với ngoài thị trường.
Mặc dù kêu gọi từ thiện, nhưng các hoạt động này lại không được công khai mà chủ yếu qua hình thức truyền tai, nhắn tin từ người này sang người khác. Việc quyên góp cũng chỉ được làm âm thầm, bí mật, không được tiết lộ cho gia đình, người thân.
CLB Tình Người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng không phải là tổ chức tôn giáo, không có mối liên hệ với bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, người đứng đầu CLB cũng không phải là chức sắc tôn giáo.
Chiếu theo khoản 5, Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của CLB Tình Người có dấu hiệu vi phạm Luật ở hai khía cạnh: lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và có biểu hiện trục lợi.
Chiều 31/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời các cơ quan báo chí liên quan đến vụ Câu lạc bộ Tình Người, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn Phòng Bộ Công an cho biết, Bộ đã nắm được tình hình hoạt động của CLB này liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo.
"Hiện Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và đặc biệt là chỉ đạo Công an TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan đến xác minh, làm rõ vụ việc. Cơ quan công an đang tích cực điều tra, xác minh, nếu xác định có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Thiếu tướng Xô nói.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an cũng giao các đơn vị chức năng các cục nghiệp vụ chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát hoạt động của CLB Tình Người ở các tỉnh; rà soát các hoạt động và các loại hình tương tự để kịp thời ngăn chặn hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan trục lợi của người dân, gây mất an ninh trật tự trong lĩnh vực tôn giáo.