Cái nắng trưa tháng Chạp gay gắt như làm cho không khí ồn ào phố chợ tạm lắng, dòng người thưa dần. Chị mua ve chai nhễ nhại mồ hôi, đẩy chiếc xe ba gác cọc cạch tấp vào cái sạp quần áo nhỏ bé của vợ chồng tui. Khách quen của vợ tui đó!
Nhớ cách đây mấy năm, lần đầu ghé vào, chị rụt rè tìm mua bộ áo mới gửi về quê cho thằng Út ăn Tết. Tui lân la trò chuyện, mới biết quê chị tận miền Trung nắng gió khó khăn, chị theo chồng vào Nam kiếm sống. Chồng đi phụ hồ, còn chị thì mua ve chai, quanh năm dành dụm ít tiền gửi về cho mẹ già và thằng em út ở quê. Tui hỏi: "Thế chị không về quê ăn Tết với mẹ và em sao? Hay chị không đủ tiền mua vé?".
Chị nói mua vé xe với ít quà cho mẹ và em thì ráng được, nhưng… Chị chợt thở dài kể, quê chị cũng nhiều người vào Nam kiếm sống, có người khá, cũng nhiều người khổ như chị.
"Tui có nghe vài người kha khá, Tết họ về quê mở tiệc linh đình, rồi kể đủ thứ chuyện trong Nam, toàn là những thứ xa hoa, hoành tráng. Họ nổ y chang như pháo đại ngày Tết, làm cho nhiều người ở quê ai cũng tưởng vào Nam như ở thiên đường. Nhưng tui biết ở Nam, họ cũng vất vả, cũng làm công nhân tăng ca hay phụ hồ còng lưng. Nhưng mấy việc ấy họ đâu có nói, có thể họ sợ làm gia đình lo lắng?
Có năm nhớ mẹ và em, Tết tui cũng về, mình ít tiền, lại còn trăm thứ phải lo, đâu có mở tiệc linh đình mời bà con lối xóm như họ. Lần ấy cũng có lời ra tiếng vào trách tui ở Nam về mà keo kiệt, không quà cáp cho họ hàng, lối xóm... Ôi thôi họ dèm pha, so sánh đủ thứ nên tui thấy buồn, Tết chẳng dám về. Tết ở lại Nam sung sướng gì đâu chú, nhìn gia đình người ta sum vầy xúm xít mà tủi thân, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ quê lắm chú ạ!", giọng chị buồn tủi.
Cảnh sum vầy ngày Tết - niềm hạnh phúc lớn nhất trong dịp xuân về.
Tui nhẹ nhàng: "Chị ơi! Ở đời có người vầy, kẻ khác, chỉ một số ít người trách cứ, dèm pha, là lẽ thường thôi hơi đâu mà buồn! Tui cũng là kẻ ở quê lên, chứ không phải dân Sài Gòn đâu. Tuy quê tui gần hơn chị, nhưng tui thấm thía cái khổ ray rứt, dằn dặt, tủi thân... khi Tết mà không được sum vầy cùng gia đình, người thân. Cái khổ đó không dễ chịu gì đâu. Nên Tết nào tui cũng về với cha mẹ, với làng quê của mình, tui đâu có dư dả gì. Nhưng tui không quan trọng chuyện đó, cái tui nghĩ là hình ảnh cha mẹ, anh chị em tui đang mong ngóng tui về...
Quê mình nghèo thì Tết không linh đình cao sang, nhưng mà nó ấm áp cái tình, cái nghĩa. Điều đó qúy hơn cao lương mỹ vị, hơn cả bạc vàng mà lắm người dư dả tiền của không có được. Chị ơi! Tết này chị về với mẹ và em của chị đi, đừng để mẹ già phải mòn mỏi trông ngóng, ra vào lặng lẽ trong mấy ngày Tết. Đừng lãng phí những thứ qúy báu trong cuộc sống. Tuổi già sẽ kéo mẹ đi lúc nào không hay, lúc đấy giàu có dư dả cũng không về với mẹ được đâu! Thời gian nào có đợi chúng ta".
Chị trầm ngâm. Qua giêng, chị ghé lại biếu vợ chồng tụi bịch mè xửng,bảo: "Quà ở quê tui đó! Nghe lời chú mà Tết rồi về, mẹ tui vui lắm, cả nhà tui vui lắm!".
Cũng từ đó, năm nào cũng vậy, gần Tết là chị ghé lại mua ít đồ chuẩn bị về quê. Ra giêng năm nào vợ chồng tui cũng có món quà mè xửng cùng nụ cười tươi rói của chị mua ve chai...
"Chào cô chú", giọng miền Trung của chị làm tui chợt gật mình. Vợ tui cười đùa chị: "Bộ vô mánh sao mà tươi vậy ta?". Chị liến thoắng: "Báo cho cô chú mừng, tui sắp về quê ăn Tết, rồi ra giêng tui rước mẹ và thằng Út vào luôn. Ở đây hơi cực, nhưng dù sao cũng đỡ hơn ở quê".
Nhìn dáng vẻ lam lũ cùng nụ cười tươi rói lấp lánh niềm vui đó, tui cảm nhận được ở chị một cuộc sống nghèo mà không khổ. Cuộc sống này vốn rất giản đơn, đâu quá khó để có niềm vui, đừng phí phạm nó. Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng một cái tết sum vầy, đầm ấm và tràn ngập yêu thương bên những người thân yêu của mình.
Cung chúc tân xuân đón trâu vàng.
Chào năm Tân Sửu rộn ràng Tết vui.
Mời độc giả tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”
Tết Nguyên đán gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tình cảm của mỗi người Việt Nam, là sự kiện mà mỗi chúng ta đều hướng về bằng việc nỗ lực tạo ra, dành ra những giá trị tốt đẹp nhất. Tết gắn với sum họp gia đình, với yêu thương chia sẻ, với những ước nguyện cho tương lai. Vì vậy, khi thời gian trôi qua, mỗi người Việt đều rưng rưng hoài niệm về Tết với bao thương nhớ.
Dù bạn đang ở tuổi 20 phơi phới, tuổi 30-40 rực rỡ, tuổi 50 “tri thiên mệnh” hay đã an nhiên với tuổi 70-80 thì đều có những ký ức về Tết Nguyên đán mà bạn thường dùng từ “hồi đó”, “ngày xưa” khi kể lại, những hoài niệm khiến mỗi chúng ta được trở về với sự thuần khiết, trong trẻo như trẻ thơ.
Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những kỷ niệm, hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: tamsu@vtc.gov.vn.