Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những sai lầm khiến người trẻ dễ bị đột quỵ

(VTC News) -

Ngoài mắc các bệnh lý liên quan tới huyết áp, tiểu đường, thì lối sống không khoa học, hút thuốc, uống rượu bia là nguyên nhân khiến người trẻ dễ bị đột quỵ.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, ngoài các yếu tố nguy cơ như bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu thì lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… là nguyên nhân chính khiến những người trẻ dễ bị đột quỵ.

Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Một bệnh nhân bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu như đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói, mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; đột nhiên đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn.

“Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não", BS Tôn nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng khẳng định, hiện khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.

Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

BS Tôn khuyến cáo với người trẻ, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì.

Ngoài ra, người dân cũng nên nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu và các chất kích thích…

“Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”, BS Tôn nhấn mạnh.

Bệnh viện Bạch Mai mới đây cho biết chỉ trong một tháng đơn vị tiếp nhận 1.000 ca đột quỵ, trong đó 100 ca (chiếm 10%) ở độ tuổi trẻ, thậm chí có người mới 14 tuổi. Các ca bệnh này rải rác ở nhiều khoa khác nhau như Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh...

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, 50% số ca bệnh trên đều không thể qua khỏi.

Đáng lưu ý, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Hiện, số ca đột quỵ ở độ tuổi trung niên và thanh niên chiếm 30% tổng số bệnh nhân. Mỗi năm, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng thêm khoảng 2%. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Phạm Quý

Tin mới