Chợ Gò (Bình Định) mùng 1 Tết
Phiên chợ Gò chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền "đất võ" Bình Định, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò như một lễ hội vui xuân. Khi Giao thừa đến, người dân các vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương của mình như gánh rau, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau trầu. Ngoài ra, muối cũng là mặt hàng đắt khách trong chợ Gò, bởi "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi".
Chợ Gò chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền "đất võ" Bình Định.
Tại chợ, khách thường mua 12 lá trầu tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cùng 2 trái cau chín đỏ, một ít vôi và một chùm sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của gia đình trong năm mới.
Điều đặc biệt ở chợ Gò là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả, thể hiện ý nghĩa hai bên đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm.
Chợ Đình Cả (Hải Dương) mùng 2 Tết
Vào sáng mùng 2 Tết hàng năm, tại xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, diễn ra phiên chợ đặc biệt trước khu vực Đình Cả. Chợ Đình Cả thu hút hàng nghìn người trong và ngoài xã tham gia.
Dọc tuyến đường dẫn vào chợ, đông đảo người bán đủ mặt hàng, từ thực phẩm thịt cá, rau xanh, hoa quả, bún, bánh... đến những quầy hàng đồ chơi, giải trí. Người bán đều ngồi ngay ven đường, thuận tiện cho khách mua sắm.
Chợ Đình Cả chủ yếu bày bán rau xanh, cá tươi ngày đầu năm mới.
Điều lạ là tại phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần này, chính quyền địa phương không đứng ra tổ chức họp chợ, không thu phí chợ, không thu vé xe. Người bán, người mua, người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất một món đồ nhỏ.
Chợ Âm - Dương (Bắc Ninh) tối mùng 4 Tết
Chợ Âm - Dương nằm ở địa phận làng Ó (nay là làng Xuân Ổ), phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết.
Chợ Âm - Dương họp một lần vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết.
Người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tháng Giêng cho người dưới cõi âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm - Dương.
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng.
Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ, họ cũng không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác… Mặt hàng được mua bán nhiều nhất trong chợ là những chú gà đen và các đồ vật tế lễ.
Mặt hàng được mua bán nhiều nhất trong chợ Âm - Dương là những chú gà đen và các đồ vật tế lễ.
Tại chợ Âm - Dương, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Họ cũng không tỏ vẻ bực tức, khó chịu nếu nhận phải “tiền ma” mà coi đó là chuyện làm điều phúc, điều thiện.
Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Chợ Chuộng (Thanh Hóa) mùng 6 Tết
Chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp phiên mùng 6 Tết Nguyên đán và có lai lịch từ thời Lê Lợi tập hợp nghĩa quân chống lại ách đô hộ của nhà Minh.
Trải qua nhiều đời, đến nay chợ Chuộng vẫn họp tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa, hàng năm đều thu hút hàng nghìn người tứ xứ, gần xa.
Cà chua được bán nhiều để làm "vũ khí may mắn" dùng để ném nhau trong phiên chợ độc đáo này.
Nét độc đáo của chợ Chuộng đó là ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc, nhiều tài. Vì thế, tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ, vì đây là "vũ khí may mắn" dùng để ném nhau trong phiên chợ độc đáo này.
Cứ đến mùng 6 Tết, dù bận trăm công nghìn việc, người ta vẫn tấp nập kéo nhau về đây họp chợ, chẳng thế mà dân gian có câu "bỏ con bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng."
Chợ Ngái (Hà Nội) trước và sau Tết
Không rõ tự bao giờ, ở Làng Ngái (xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) đã hình thành những phiên chợ độc đáo trước và sau Tết Âm lịch.
Điều đặc biệt của phiên chợ là kéo dài từ năm cũ đến năm mới. Theo thời gian, có 5 phiên gồm: Chợ Ngái Vàng Mã, Chợ Ngái Lá Dong, Chợ Ngái Hàng Cam, Chợ Ngái Hàng Cá và Chợ Ngái Hàng Gà.
Từ xưa, phiên Chợ Ngái Vàng Mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp.
Phiên Chợ Ngái Lá Dong họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng trước Tết.
Phiên Chợ Ngái Hàng Cam họp vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết.
Phiên Chợ Ngái Hàng Cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân.
Chợ Ngái Hàng Gà họp vào mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.
Chợ Viềng (Nam Định) tối mùng 7, rạng sáng mùng 8 Tết
Cũng chỉ họp duy nhất một lần trong năm, đây là phiên chợ có từ lâu đời, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm về đây để mua may, bán rủi. Chợ họp đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng, tại huyện Nam Trực và Vụ Bản.
Cả người bán lẫn người mua khi đi chợ đều không đặt nặng vấn đề mua bán, lời lãi, họ đi chợ để cầu may, với mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt.
Các vật dụng sản xuất của nhà nông được bán nhiều ở chợ Viềng.
Tại chợ Viềng, nhiều loại mặt hàng được bày bán, từ cây cảnh, cây giống, đến thịt trâu, thịt bò hay các vật dụng sản xuất của nhà nông như cái cày, cái cuốc, thúng mủng, quang gánh... nhưng nhiều nhất là đồ cũ (người ta có thể mang tới chợ bất cứ vật dụng gì trong nhà đã qua sử dụng, bất kể còn nguyên vẹn hay sứt vỡ, từ quý giá như đồ thờ cúng cho tới đồ thông thường như bát đĩa, nồi mâm, bình vôi, bát điếu…).
Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ ở đây chỉ cốt để lấy may.
Chợ Đình Bích La (Quảng Trị) mùng 2 Tết
Chợ Đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) mở từ tối mùng 2 Tết Nguyên đán, thường tập trung rất đông người đến tham dự. Phiên chợ sẽ kéo dài đến sáng mùng 3 Tết.
Chợ Đình Bích La bán những sản vật do chính người dân nơi đây làm ra.
Tại chợ, nhân dân trong làng Bích La mang những sản vật do chính người dân làm ra từ đồng đất quê hương để bày bán. Ai đến chợ cũng cố gắng mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn. Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá.
Ngoài ra, trong phiên chợ còn có các ông đồ khăn áo chỉnh tề ngồi mài mực cho chữ. Người dân tới xin chữ đầu năm, ông đồ chỉ cho không bán. Đáp lại tình cảm đó, du khách có thể tặng cho người viết thư pháp bằng những bao mừng tuổi.
Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế)
Chợ Gia Lạc có lịch sử từ rất lâu đời, cứ 3 ngày Tết là chợ lại họp một lần, với ý nghĩa để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ.
Chợ Gia Lạc thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, giao lưu. Đến với chợ Gia Lạc, du khách có thể tìm thấy được rất nhiều mặt hàng từ hoa quả, trầu cau đến các đồ thực phẩm, các món đặc sản nổi tiếng của Huế hay đồ chơi con trẻ.
Lệ thường, người đi phiên chợ Gia Lạc mùng 1 Tết sẽ mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn bình an trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích.
Đầu xuân, đi chợ Tết Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế. Họ đi chợ cốt mong được cái lộc, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm.