Dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các nhà giáo người Việt, gốc Việt vẫn luôn tận tụy với nghề, cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người. Không ít thầy cô được ghi nhận, vinh danh các giải thưởng quốc tế danh giá.
Cô giáo Việt vào top 10 giáo viên toàn cầu
Ngày 11/11, Tổ chức Varkey Foundation công bố danh sách top 10 giáo viên toàn cầu. Trong đó, lần đầu tiên, Việt Nam có đại diện trong bảng vinh danh này, là cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ.
Cô Phượng cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Varkey Foudation lựa chọn. 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc.
Cô Hà Ánh Phượng là nhà giáo Việt Nam đầu tiên lot vào top 10 giáo viên toàn cầu. (Ảnh: NVCC)
Hồi tháng 3, cô Hà Ánh Phượng là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục. Trong danh sách này, năm 2019, Việt Nam còn có cô Trần Thị Thúy, trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) - người truyền đam mê học tiếng Anh cho học trò nông thôn.
Luôn tâm niệm "Anh ngữ là sinh ngữ", nữ giáo viên này tìm cách ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên trên toàn cầu.
Cô Phượng từng chia sẻ về việc lựa chọn giáo dục trực tuyến và mô hình lớp học không biên giới. Nữ giáo viên 29 tuổi mong muốn phá bỏ rào cản trong việc học ngoại ngữ mà học sinh dân tộc ở ngôi trường miền núi gặp phải, đem giáo dục thế giới đến gần các em.
Giáo viên gốc Việt nhận giải "Oscar về giảng dạy" ở Mỹ
Năm 2019, Ben Nguyen, 28 tuổi, giảng viên môn robot tại trường Trung học Sunrise Mountain, Las Vegas, Mỹ, đã nhận được giải thưởng trị giá 25.000 USD. Giải thưởng này được trao sau khi thầy Ben trở thành quán quân của Milken Educator Award. Danh hiệu này được ví như "Oscar về giảng dạy" cho các giáo viên tại Mỹ và đã tồn tại hơn 30 năm.
Trên trang chính thức của Milken Educator Award, ban tổ chức ngợi ca công sức và thành tích giảng dạy vượt trội của thầy Ben. Anh luôn tận tâm hướng dẫn học sinh trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (còn gọi là STEM) tại một câu lạc bộ robot ngoài giờ do anh lập ra. Thầy Ben đã hợp tác cùng nhiều công ty công nghệ như Tesla và mang đến môi trường học tập mới mẻ, hiện đại, hấp dẫn cho học sinh.
Thầy Ben Nguyen nhận giải Milken trong buổi lễ được tổ chức bất ngờ. (Ảnh: Milken Family Foundation)
“Ben Nguyen mở ra cơ hội kết nối vũ trụ vô tận cho học sinh thông qua việc giúp các em tiếp xúc khoa học máy tính dễ dàng hơn. Cậu đang chuẩn bị cho sự phát triển linh hoạt, cạnh tranh mà mọi học sinh, sinh viên cần trang bị trong thế kỷ XXI", Thống đốc Steve Sisolak tại bang Nevada chia sẻ về giải thưởng của thầy Ben Nguyen.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nam giáo viên gốc Việt qua những giờ dạy bổ ích. "Những gì Ben đạt được tại Trung học Sunrise Mountain rất xuất sắc, cho thấy nỗ lực của cậu đã vươn ra ngoài phạm vi trường học", ông nói.
Tiến sĩ Jesus Jara, Giám đốc Học khu quận Clark, ngợi ca: “Ben Nguyen là tấm gương nhà giáo tuyệt vời, truyền cảm hứng cho học sinh". Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ bang Nevada có nhà giáo nhận giải thưởng này.
Giáo sư trẻ nhất nhận giải thưởng Ramanujan
Theo Viện Toán học, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học Việt Nam sinh năm 1982. Ông được phong giáo sư và trở thành người trẻ nhất đang làm việc trong nước được công nhận đạt tiêu chuẩn này khi 36 tuổi. Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp hiện là Giám đốc Trung tâm Quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, do UNESCO bảo trợ.
Tháng 10/2019, Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) công bố giải thưởng Ramanujan, vinh danh các nhà toán học trẻ tại các nước đang phát triển, trong đó có giáo sư Phạm Hoàng Hiệp. Đây là lần đầu tiên giải thưởng Ramanujan trao cho một nhà khoa học Việt Nam.
Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp. (Ảnh: Vietnamnet)
Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện Hàn lâm Khoa học và Nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn Toán học quốc tế (IMU). Đến năm 2019, có 15 nhà khoa học trẻ được nhận giải Ramanujan.
Theo Viện Toán học, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, giải thưởng Ramanujan ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, đặc biệt trong lý thuyết đa thế vị.
Ở lĩnh vực này, giáo sư Hiệp đã có kết quả nghiên cứu quan trọng về kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới, phương trình Monge-Ampère phức và ngưỡng chính tắc với những ứng dụng quan trọng trong hình học đại số và hình học Kähler phức. Giải thưởng cũng ghi nhận những đóng góp của GS Phạm Hoàng Hiệp trong sự phát triển toán học ở Việt Nam.
6 năm lọt top 1% các nhà khoa học 'ảnh hưởng thế giới'
Năm 2019, nhóm Web of Science (WoS) thuộc Clarivate Analytics (Mỹ) công bố danh sách 6.126 nhà khoa học được trích dẫn cao nhất thế giới ngày (Highly Cited Researchers - HCR). Trong danh sách này, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTECH (trực thuộc trường Đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH) là người Việt Nam duy nhất xuất hiện cùng nhiều học giả quốc tế khác.
Đây là lần thứ 6 liên tiếp GS.TS Xuân Hùng có tên trong danh sách này. Ông có 167 bài nghiên cứu khoa học đã công bố, thuộc lĩnh vực phát triển công cụ tính toán mô phỏng số trên máy tính, ứng dụng và lĩnh vực cơ kỹ thuật, cơ sinh học, vật liệu và R&D sản phẩm công nghệ tiên tiến. Ông được công nhận chức danh giáo sư vào tháng 10/2019.
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng trong dịp nhận giải thưởng Georg Forster Research Award của Quỹ Alexander von Humboldt (Đức). (Ảnh: Đại Học Công Nghệ TP.HCM - HUTECH)
Việt Nam từng có nhiều nhà khoa học từng lọt vào danh sách Highly Cited Researchers. Tuy nhiên, giáo sư Hùng là người hiếm hoi lựa chọn công tác và giảng dạy tại Việt Nam.
Năm 2015, ông từng chia sẻ: "Lý do tôi trở về Việt Nam khá giản dị. Tôi được ở gần ba mẹ nhiều hơn, và như một lẽ tự nhiên, tôi muốn gắn bó với môi trường làm việc nơi đây. Ai cũng có quyết định tương lai của mình. Với tôi, quê hương vẫn là sự lựa chọn ưu tiên”.