Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những người thầy dạy bay của anh hùng Phạm Tuân

Đêm 27/12/1972, phi công Phạm Tuân đã điều khiển máy bay MiG-21 số hiệu 5121 bắn hạ "siêu pháo đài bay" B52 của không quân Mỹ.

Đây là trận đầu tiên không quân Việt Nam bắn rơi máy bay hiện đại B52, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ít người biết rằng, ban đầu, anh hùng Phạm Tuân khám tuyển phi công lại không đạt. Nhưng sau đó, số phận lại mỉm cười với ông, khi đang từ thợ máy, ông được tuyển bổ sung sang học lái máy bay, rồi bất ngờ khi được chọn đi đào tạo phi công vũ trụ, để  trở thành người châu Á đầu tiên được bay vào không gian năm 1980.

Cuốn sách "Bay vào vũ trụ" của Đại tá phi công Nguyễn Công Huy kể lại nhiều câu chuyện thú vị về hành trình trở thành phi công chiến đấu của anh hùng Phạm Tuân.

Theo nội dung cuốn sách, Phạm Tuân được gọi nhập ngũ tháng 4/1965. Khi khám tuyển phi công, ông không đạt vì vấn đề ở tim và mắt. Do đó, ông được chọn vào khóa đào tạo ngành kỹ thuật không quân tại Liên Xô.

Sau một thời gian học, do một số học viên phi công bị loại vì lý do sức khỏe hay học lực, Bộ Quốc phòng quyết định tuyển chọn thêm người đủ sức khỏe trong số 300 học viên thợ máy để chuyển đi học bay. Lần này, các bác sĩ Liên Xô đã "chấm" ông đạt yêu cầu. Kết quả, Phạm Tuân cùng 10 người nữa đủ tiêu chuyển đi học bay.

Tháng 9/1965, đoàn của Phạm Tuân kết thúc bay trên Iak-18, chuyển sang sân bay Kirovskaya để huấn luyện bay máy bay MiG-17.

Tổ bay của thầy Maleokhin hướng dẫn có Phạm Tuân, Trần Cao Thăng và Trương Công Thành. Vừa vào bay được mấy chuyến thì có biến động ở vùng Đông Bắc Phi, thầy Maleokhin được điều động chuyển máy bay sang tham gia trực chiến ở Somali hay ở một nước nào đó gần khu vực ấy.

Như "rắn mất đầu", tổ bay của Phạm Tuân phân tán mỗi người đi một nơi. Phạm Tuân trở nên bơ vơ, nay bay với thầy này, mai bay với thầy khác. Đây là một khó khăn ghê gớm gần như là sự tối kỵ đối với các học viên bay vì mỗi thầy dạy bay có một phương pháp riêng dành cho học viên của mình.

May sao, đúng thời điểm ấy, Thiếu tá vừa tốt nghiệp Học viện Không quân Iuri Gagarin về đơn vị, giữ chức vụ Phi đội trưởng và trở thành thầy dạy chính của Phạm Tuân.

Phạm Tuân cứ mải miết học bay theo thầy dạy bay đẹp trai lại có "mác" tốt nghiệp học viện. Thầy dạy bay quý ông vì nhận thức và thực hành bay khá chuẩn. Phạm Tuân được thầy khen liên tục, thậm chí còn giao tự viết nhận xét sau từng chuyến bay để thầy chỉ việc ký tên. Có được thầy dạy cố định nên Phạm Tuân bay suôn sẻ theo đề cương huấn luyện bay.

Khoảng cuối tháng 9 năm đó, đoàn bay của Phạm Tuân tốt nghiệp. Ông may mắn thuộc một trong số không nhiều người nhận bằng loại ưu.

Thầy dạy bay đêm

Đang chuẩn bị về nước thì đoàn bay nhận thông báo ở lại bay tiếp, trong đó phần lớn là bay ngày thời tiết phức tạp (có mây), còn hơn chục phi công được chuyển sang bay đêm.

Phạm Tuân nhớ lại: Lúc đó cũng muốn bay ngày để nhanh chóng trở về tham gia chiến đấu, còn bay đêm trên MiG-17 thì đánh đấm gì được. Nhà trường đặt ra tiêu chí những phi công bay đêm phải là người có kỹ thuật bay ổn định, chuẩn xác và nhẹ nhàng (không hẳn là những phi công giỏi). Đặc biệt về sức khỏe phải tốt, không có cảm giác sai. Về kỹ thuật thì các thầy giáo chọn, còn về sức khỏe, các phi công dự định sang bay đêm phải đi kiểm tra lại".

Danh sách tốp bay đêm gồm có 9 người do phi công Nguyễn Chính Hậu làm Trưởng đoàn, cùng các phi công Ngô Sơn, Trương Công Thành, Hán Văn Quảng, Phạm Tuân...

Đây là tốp phi công tiêm kích Việt Nam đầu tiên sau khi tốt nghiệp với giờ bay khá "khiêm tốn" (chưa đầy 100 giờ) bước vào huấn luyện đêm. Thường thì sau khi tốt nghiệp, phi công về các đơn vị chiến đấu bay đề cao, rồi bước vào bay ngày phức tạp - nghĩa là bay trong điều kiện thời tiết phức tạp sau đó mới huấn luyện bay đêm.

Anh hùng Phạm Tuân. 

Nhưng tốp bay của Phạm Tuân "bỏ qua thời kỳ quá độ". Đây là sự thử thách có chút mạo hiểm và cũng là điểm khác biệt so với các đoàn bay từ trước tới lúc đó.

Kết thúc 12 chuyến bay, Phạm Tuân được Trung đoàn trưởng kiểm tra để thả đơn. Thấy Trung đoàn trưởng ngồi buồng sau, Phạm Tuân cũng hơi "gờm" nhưng rồi khi chăm chú vào công việc thì "sự gớm" ấy không còn nữa.

Bài kiểm tra gồm 3 lần cất hạ cánh. Kết thúc bài bay, Trung đoàn trưởng không nhận xét trực tiếp với Phạm Tuân mà gọi giáo viên của Tuân ra trao đổi rồi quay lại bắt tay Phạm Tuân chúc mừng và nói đồng ý cho bay đơn.

Chuyến bay đơn đầu tiên không ngờ lại gặp phải cảnh tuyết rơi nhè nhẹ. Tất cả đều nín thở, hồi hộp chờ đợi, mong sao cho mọi chuyện suôn sẻ, vì đây là học viên Việt Nam đầu tiên bay đơn trong điều kiện ban đêm với thời tiết như vậy.

Hoàn thành chuyến bay, vừa xuống khỏi thang máy bay, thầy Kovalenko ôm choàng lấy Tuân, đấm mấy đấm lên lưng và nói: "Thành công rồi, Tuân ơi!".

Tiếp đó, các phi công Từ Đễ, Hán Văn Quảng rồi các anh khác cũng được thả bay đơn nhưng không còn phải kiểm tra khắt khe nữa. Tốp bay đêm thực hiện chương trình tốt đẹp, không để xảy ra bất kỳ một sơ xuất nào gây mất an toàn. Những ngày ấy thầy trò đều rất vui, cứ quấn quýt lấy nhau kể cả trong lúc chuẩn bị bay lẫn trong lúc sinh hoạt, thể thao.

Tốt nghiệp vào tháng 4/1968, đoàn của Phạm Tuân về nước sau những năm tháng gắn bó với trường, với đất nước Nga vĩ đại, với các thầy cô giáo, với các thành phần phục vụ giúp đỡ hết sức nhiệt tình...

Thầy giáo Dosuchev - ông cán bộ Trung đội trưởng bay kèm Tuân cũng ra tiễn. Ông ôm lấy Phạm Tuân có vẻ bịn rịn và nhắc: "Cất cánh chiến đấu là phải quay đầu 360°, Tuân nhé - điều sống còn của phi công đấy!" (ý nói là phải quan sát xung quanh). 

Sau này, Phạm Tuân còn gặp lại ông nhiều lần, có lần ông về tập huấn ở Học viện, ông hay dẫn Phạm Tuân đi gặp gỡ khắp nơi, ở đâu ông cũng giới thiệu: "Học viên của tôi đấy!". Nói chung, các giáo viên của Liên Xô đều rất tự hào về học viên Việt Nam của mình.

Những lần đi công tác nếu có điều kiện Phạm Tuân đều đến tận nhà ông ở Krasnodar thăm ông. Lúc rời Krasnodar, ông đến tận khách sạn mang theo một lọ nấm tự làm và một gói xúc xích Nga nhờ Tuân mang về làm quà cho gia đình.

Khi Phạm Tuân bay vũ trụ, ông lấy ảnh của Phạm Tuân ghép vào ảnh của ông và gửi cho Phạm Tuân.

Chính tốp bay đêm được huấn luyện tại Kirovskaya năm ấy đã góp mặt trên bầu trời trong những đêm đánh đuổi B-52 của trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt tháng 12/1972.

Sau chiến công bắn hạ B52, năm 1973, phi công Phạm Tuân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Năm 1980, Phạm Tuân được đào tạo trở thành phi công vũ trụ và đã cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko bay vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7/1980.

Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980 và trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin. 

Năm 1989, Phạm Tuân là Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân, rồi được phong hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ông nghỉ hưu từ cuối năm 2007.

Tiên Long

Tin mới