Cồn nội sinh là gì?
Báo VnExpress dẫn lời Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, cồn nội sinh và cồn do bia rượu đều là cồn ethanol. Cồn nội sinh là cồn do cơ thể tự sinh ra, không có nồng có bất kỳ tác động khác bên ngoài.
Thực tế, cơ thể mỗi người đều độ cồn tự nhiên, dù rất nhỏ. Glucose là nguồn năng lượng ưa thích của nấm men và vi khuẩn cũng như đối với con người. Khi chúng vào cơ thể, quá trình chuyển hóa khác nhau sẽ phát sinh lượng cồn.
Vì vậy, một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, uống rượu bia, đều giống nhau.
Tuy nhiên, thông thường, cồn nội sinh trong máu nồng độ cực kỳ thấp. Các phương tiện chuyên dụng, siêu nhạy mới phát hiện dương tính được, còn phương tiện thông thường không đủ để phát hiện.
Bạn không nên quá lo ngại về nồng độ cồn nội sinh. Bộ Y tế cũng cho biết tình huống này rất hy hữu, do bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.
Những món ăn sáng dễ gây nồng độ cồn nội sinh
Báo Dân trí dẫn lời TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.
"Việc cơ thể sinh ra ethanol tuần hoàn trong máu là rất bình thường, một ngày cơ thể có thể sinh ra 0-20g ethanol tùy thuộc nhiều yếu tố như nguồn dinh dưỡng (thực phẩm), khả năng hấp thụ, tốc độ chuyển hóa, tốc độ phân hủy, đào thải ethanol và tình trạng bệnh lý", Báo Dân trí dẫn lời TS Minh cho hay.
Bánh mì hay phở cũng có thể gây ra tình trạng cồn nội sinh trong hơi thở
Tiến sĩ Minh cho hay thói quen của người Việt Nam là thường ăn sáng với thực phẩm giàu carb: bánh mì, cơm, bún, phở…, nên hoàn toàn có thể ghi nhận nồng độ ethanol trong máu vào buổi sáng ở mức thấp.
Với những người tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu carb, enzyme phân hủy ethanol bị khiếm khuyết thì rất dễ tăng nồng độ cồn trong máu sau khi ăn. Ngược lại, những người tiêu thụ thực phẩm nghèo carb, enzyme phân hủy ethanol hoạt động tốt thì khó phát hiện ra nồng độ cồn trong máu nếu không tiêu thụ rượu bia.
Tuy nhiên các vị chuyên gia cũng cho biết, mức nồng độ cồn trong máu kể trên thấp hơn rất nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu bia (trên 30mg/100 ml).
Do đó nồng độ cồn nội sinh trong hơi thở là rất nhỏ, cần các phương tiện siêu nhạy mới phát hiện dương tính được. Vì thế người dân không nên quá lo lắng.