Hà Nội đang trải qua đợt rét hiếm gặp trong 40 năm qua, nhiệt độ giảm sâu ở mức 8-15 độ C. Cái lạnh "cắt da cắt thịt" khiến cuộc sống của những người lao động nghèo trên đường phố càng thêm khốn khó.
Dọc theo những tuyến phố như: Hai Bà Trưng,Triệu Quốc Đạt, Tràng Thi, Phủ Doãn… không khó để bắt gặp người vô gia cư, lao động nghèo nằm co cụm, ngủ trong cảnh "màn trời, chiếu đất".
Bà lão nhặt ve chai nuôi 5 cháu mồ côi
Trước vỉa hè bệnh viện K Hà Nội, bà Phạm Thị Thà (quê Thái Bình) ngồi co ro trong góc tường cùng 2 bao phế liệu. Nhiệt độ Hà Nội ngoài trời lúc này là 9 độ C, manh áo mỏng chẳng đủ giữ ấm, bà phải dùng mảnh bao đựng phế liệu để trước mặt để chắn gió.
Đến nay, bà Thà đã có gần 20 năm gắn bó với nghề nhặt phế liệu ở đường phố Hà Nội. Ngày nào cũng vậy, người dân khu vực quận Hoàn Kiếm lại thấy người phụ nữ tuổi gần 70 tuổi với dáng người thấp còng, nước da đen sạm, hai chân đi đôi dép tổ ong cũ bị rách một bên cặm cụi nhặt những vỏ chai, lon bia để kiếm tiền mưu sinh.
Khi được hỏi đến con cháu, nước mắt bà chảy thành hàng, giọng nói xen lẫn tiếng khóc: "Tôi có hai người con, cậu con trai cả đã mất cách đây vài năm, còn cô con gái thứ 2 thì đang ngồi tù. Những tưởng sinh con ra được nhờ cậy đỡ đần, nay chúng bỏ đi hết để lại mình tôi cùng 5 đứa cháu nội, ngoại".
“Trung bình mỗi ngày tôi đi khoảng 20 - 30km để tìm phế liệu. Nhiều người thương, cho tôi cả túi lon bia, vỏ chai… Hôm nào nhiều thì tôi bán được 70 nghìn, còn thường thường chỉ 20-30 nghìn đồng", bà Thà nói.
Bà Thà chảy nước mắt khi nhắc đến hai con và các cháu.
Với khoản tiền từ việc bán phế liệu ít ỏi, bà để dành 1 triệu đồng đóng tiền nhà trọ cho 5 người cháu bên Long Biên, phần còn lại bà để tiết kiệm và mua thức ăn. Nhà trọ ở xa nên không mấy khi bà về phòng, đa phần bà ngủ tại vỉa hè, ven hồ…
Tối nay, một đoàn từ thiện đi phát cơm và chăn màn, bà Thà phấn khởi vì có được tấm chăn nhung và chiếc áo mới. Bà giơ chúng lên ngắm đi, ngắm lại. Có tấm áo ấm tối nay bà sẽ ngủ ngon giấc hơn, mấy hôm trước bà chẳng thể chợp mắt nổi vì lạnh.
Suất cơm được đoàn từ thiện cho, bà Thà bọc cẩn thận vào túi nilon. "Tôi để dành để mai đi nhặt ve chai gần Long Biên thì mang về cho cháu, còn không tôi để trưa mai ăn vì ngày mai tôi vẫn chưa biết ăn gì cả", bà nói.
29 năm nhặt ve chai chỉ để mua thuốc
Cách vị trí của bà Thà 2km, bà Nguyễn Thị Thu (66 tuổi) đang mặc áo mưa, ngồi co ro phân loại đám vỏ chai, cốc nhựa vừa được xin được từ cửa hàng cà phê trên đường Lê Duẩn. Chỉ tay về 2 bao phế liệu, bà Thu nói: “Cả mớ này cũng chỉ được 20 nghìn đồng thôi, nhưng cũng đủ tiền ăn cho cả ngày mai của tôi rồi đấy.”
Bà Thu phải mặc thêm một chiếc áo mưa để giữ ấm.
Bà Thu quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Năm 17 tuổi, bà lên Hà Nội làm việc. Ngày ấy, để có tiền mưu sinh, bà làm đủ nghề kiếm sống từ buôn bán trái cây đến lao động, bốc vác.
"Năm 37 tuổi, tôi bắt đầu phát hiện mình bị bệnh tim, thận rồi tiểu đường… Kể từ đó tôi không làm được việc nặng nữa, quanh năm suốt tháng chỉ gắn bó với căn chòi và đám phế liệu”, bà Thu nói bằng giọng yếu ớt.
Không thể lao động nặng, bà chỉ đi lại quanh khu vực Ga Hà Nội tìm kiếm các vỏ chại nhựa để bán. Mỗi ngày bà Thu tích lại 20-30 nghìn đồng trong một cuốn sổ để cuối tháng đi lấy thuốc. Gần 30 năm nay, điệp khúc "đi làm, mua thuốc" cứ lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn với bà.
Không chồng, không con, không người thân thích trên Hà Nội, bà may mắn được mội hộ dân cho mượn căn bếp cũ làm chỗ ở tạm. Đó vừa là chỗ ngủ, chỗ nấu ăn, đồng thời là kho chứa vật liệu của bà. Mỗi ngày bà thường ngủ dậy lúc 4h sáng và trở về phòng lúc 23h tối. Nhiều đêm mệt quá, bà đành ngủ lại vỉa hè.
Bà Thu rửa tay sau khi phân loại phế liệu ngoài lề đường.
Bà Thu cho biết, bà ăn cơm từ thiện nhiều hơn cơm nhà. Nhiều người dân xung quanh khu vực biết hoàn cảnh của bà thường cho đồ ăn, khi bát cháo, khi miếng thịt, cốc nước… Những ngày lạnh, bà lại được các anh chị bên đội từ thiện cho cơm, quần áo.
“Trời thương cho sống thêm năm nào hay năm ấy. Bây giờ còn khỏe tôi vẫn phải mưu sinh kiếm tiền, đến lúc không thể làm được nữa tôi sẽ xin vào trung tâm”, bà Thu vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.