Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những lợi ích ưu việt từ việc tham gia BHXH tự nguyện

(VTC News) -

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng Bảo hiểm xã hôi hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.

Cụ thể, hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là cách để người làm lao động tự do cũng có lương hưu khi về già. (Ảnh: NV)

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện hiện nay là: 231.000 đồng/tháng với người thuộc hộ nghèo; 247.000 đồng/tháng với người thuộc hộ cận nghèo; 297.000 đồng/tháng với đối tượng khác.

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay khi tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như: Có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế  miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.

Người hưởng lương hưu khi tham gia BHXH bắt buộc và tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện đều được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng. Vì vậy, lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá… Hiện nay, do khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến người lao động mất việc làm và không còn thuộc diện được tham gia Bảo hiểm xã hôi bắt buộc.

Khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động còn được nhà nước Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng. (Ảnh: XT)

Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm xã hôi, Bảo hiểm y tế, rất nhiều người lao động đã tiếp tục ở lại “lưới an sinh” bằng cách đóng BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, họ chắt chiu một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH, đổi lại được yên tâm có tuổi già thảnh thơi nhờ có lương hưu và được cấp thẻ Bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe…

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2023, cả nước có khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 77,7% kế hoạch và tăng 84,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.

Để tăng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp người lao động bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hôi tự nguyện.

Theo đó, những người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1/7/2025) và có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia BHXH tự nguyện không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi. Đồng thời, để tăng hơn nữa tính hấp dẫn của chính sách, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo đó, người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một người con. Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Nếu tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động tự do sẽ có một "giá đỡ an sinh" lúc về già. (Ảnh: NV)

Thẩm tra nội dung này trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức 2 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế, do đây là mức hỗ trợ được triển khai từ năm 2015. Để thu hút người lao động sớm tham gia BHXH, đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ này lên mức phù hợp hơn.

Về trợ cấp thai sản đối với người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, cơ quan này cho rằng, các quy định của chế độ trợ cấp thai sản mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng, chưa chú trọng đến những quyền lợi cũng rất quan trọng như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản… Đây là những lợi ích rất cần thiết đối với người lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ BHXH trong hệ thống Bảo hiểm xã hội quốc gia.

Bên cạnh đó, để khuyến khích lao động phi chính thức và lao động di cư tham gia bảo Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện như: giảm giá/miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đang trong độ tuổi đến trường..

BẢO HƯNG

Tin mới