Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những kinh nghiệm 'vượt khó' của Hà Nội trong đại dịch COVID-19

(VTC News) -

Hà Nội hoàn thành mục “mục tiêu kép” với những kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã hoàn thành vượt mức.

Đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Thành phố Hà Nội, các lãnh đạo Thành phố, quận, huyện, Sở, ngành đều cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song với sự nỗ lực, quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố tới cơ sở, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành mục “mục tiêu kép” với những kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Chủ động đón làn gió đầu tư để có nguồn lực phục hồi kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2020, Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 .

Có thể nói, TP Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Cụ thể, tại hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, TP Hà Nội đã thu hút được 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là đóng góp hết sức tích cực vào quá trình thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của TP.

Do vậy, qua đánh giá về kết quả tăng trưởng GRDP năm 2020, Thành phố chúng ta là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với 3,98%, đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

Việc chọn ra nguồn vốn có chất lượng cao trong công tác đầu tư của TP cũng như trong thu hút đầu tư FDI, nội dung được Bộ Chính trị ban hành trong Nghị quyết 50 về xác định cũng như định hướng về thu hút đầu tư nước ngoài cho giai đoạn từ nay đến 2030, trong đó, Bộ Chính trị đã xác định và sàng lọc, chọn lọc và định hướng những ngành nghề, những lĩnh vực và những địa bàn, những sản phẩm để thu hút đầu tư nước ngoài. 

Trên cơ sở đó, Thành phố cũng sẽ tập trung vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống quy hoạch trên địa bàn TP; lập các danh mục để thu hút đầu tư cho các địa bàn, cho các lĩnh vực và các sản phẩm. Thành phố chọn lọc các dự án có sử dụng các công nghệ cao. Từ đó, ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút được các dự án đầu tư nói chung và đặc biệt nhất là các dự án đầu tư vào Thành phố.

Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI trong 3 năm gần đây của Thành phố đều đạt kết quả tích cực, lọt vào Top 10 của cả nước. Có thể nói đây là một cố gắng của cả hệ thống chính trị. UBND Thành phố sẽ tiếp tục có chỉ đạo cùng các sở, ngành, các quận, huyện đẩy mạnh các thủ tục về cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách, có chiến lược về xúc tiến đầu tư hỗ trợ nhà đầu tư từ vấn đề gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp cho đến tiếp cận các dự án đầu tư trên địa bàn TP, để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.

Nỗ lực vượt bậc thu ngân sách

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn chia sẻ: Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, không những Thủ đô, mà cả đất nước bị ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19. Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động. Vì thế, công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn.

Về thu ngân sách, qua đánh giá của Cục Thuế có thời điểm dự báo hụt thu rất lớn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2020, có khoảng 14 quận, huyện, thị xã hoàn thành thu ngân sách.

Đến nay, gần như 30 quận, huyện, thị xã đã tiệm cận với việc hoàn thành và vượt mức thu ngân sách. Về số thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô, ước tính đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội góp phần vào thu ngân sách quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn trên, cùng với nỗ lực triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và định hướng kịp thời; các cấp, ngành của thành phố đã phối hợp chặt chẽ, vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Lấy mốc từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các cơ quan, đơn vị về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2020 của TP, diễn ra ngày 10/9/2020, công tác thu ngân sách có khởi sắc.

Có thể nói, qua chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ, tập trung cao độ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Đồng thời, có sự thi đua tích cực của các quận, huyện, thị xã trong việc bám chặt nguồn thu, bởi trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh doanh nghiệp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp vươn lên được.

Kết quả thu ngân sách không thể không nói đến đóng góp của công tác thuế, trong đó có công tác quản lý nợ như đôn đốc thu hồi nợ, thanh - kiểm tra. Đặc biệt, trong công tác quản lý nợ, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND Thành phố duy trì Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của thành phố cũng như 30 quận, huyện, thị xã.

Trong công tác quản lý, Cục Thuế luôn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp mạnh với doanh nghiệp chây ì, đặc biệt là với doanh nghiệp có dự án, có doanh thu. Các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp của cơ quan thuế, các ban, ngành và sự vào cuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong công khai thông tin doanh nghiệp chây ì nợ thuế.

Về công tác thanh - kiểm tra, Cục Thuế đã thực hiện đúng tinh thần không chồng chéo, những đơn vị có dấu hiệu gian lận, vi phạm, thực hiện thanh - kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; còn lại tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế.

Khi phát hiện những vấn đề chưa thực sự đúng, cơ quan thông báo để người nộp thuế điều chỉnh hạch toán của mình. Qua đó, đã góp phần tích cực, tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần vào kết quả thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.

Dự toán năm 2021 đã được Cục Thuế Hà Nội tham mưu và HĐND TP đã giao cho các quận, huyện, thị xã. Cục Thuế cũng có những hệ thống văn bản để phối hợp với các quận, huyện, thị xã, sở, ngành để tiếp tục thực hiện dự toán năm 2021 trên cơ sở "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ việc kiểm tra, giám sát kết quả".

Năm 2021 sẽ có những khó khăn kéo dài của năm 2020, Cục Thuế Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND TP, Tổng cục Thuế. Trước hết là kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tốt, có dòng tiền thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Cơ quan thuế cùng các quận, huyện, thị xã bám sát nguồn thu, trong đó phối hợp hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn; tháo gỡ vướng mắc về mặt chính sách cho những doanh nghiệp có xu hướng phát triển. Qua dịch bệnh, có nhiều loại hình kinh doanh phát triển mạnh, đặc biệt là thương mại điện tử. Qua đó cũng cho thấy có chính sách cần bổ sung để bảo đảm công tác quản lý cũng như hỗ trợ phát triển và để người nộp thuế hiểu về nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.

Cục Thuế cũng tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý thuế, triển khai đầy đủ, có hiệu quả, các giải pháp mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn cơ sở thuế, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng điều kiện hoạt động của mình để có dòng tiền tiếp tục đóng góp ngân sách nhà nước.

Ngành Công thương: Nhiều giải pháp đột phá

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Trần Thị Phương Lan: Trước tình hình đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành công thương đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP Hà Nội.

Trong lĩnh vực của công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, ngành công thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh thành phố để cân đối cung cầu trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Trần Thị Phương Lan.

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch COVID-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp.

Năm nay, TP đã thành lập 25 cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa tổng số cụm công nghiệp thành lập lên 43 cụm và tập trung tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong doanh nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội… 

Kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp năm nay tăng 4,7%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng của TP được kiểm soát. Phải nói rằng đây là những cố gắng nỗ lực của ngành công thương cùng với các doanh nghiệp và các cấp các ngành vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tăng tổng mức GRDP của TP lên 3,98% và cao hơn so với bình quân chung bình cả nước. 

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh.

Chia sẻ về những thành tựu đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết: Năm 2020 là một năm rất khó khăn, không chỉ đối với quận Cầu Giấy mà đối với toàn TP Hà Nội và cả nước nói chung.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, các đơn vị sở ngành, quận Cầu Giấy cùng các quận huyện khác cố gắng hết sức để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020. Trong đó, quận Cầu Giấy đã hoàn thành được 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. 

Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm mọi chỉ đạo của TP về huy động sức dân để cùng với nhà nước hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động mất việc làm…với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và 270 tấn gạo.

Về định hướng trong năm tới, quận Cầu Giấy chuẩn bị tất cả các dự án đầu tư ngay từ đầu năm cũng như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, trong cơ cấu kinh tế xã hội của quận Hoàn Kiếm thì tỷ trọng thương mại dịch vụ đã chiếm 98,5%. Năm 2020, quận Hoàn Kiếm bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn quận giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc nhiều khả năng quận Hoàn Kiếm không hoàn thành được các chỉ tiêu TP giao, nhất là chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn.

Tính đến tháng 7/2020, tổng thu NSNN trên địa bàn quận mới đạt xấp xỉ 40%, trong đó, tỷ trọng về du lịch giảm đến 80% tại thời điểm đó; trong khi chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 mà TP giao là hơn 10 nghìn tỷ đồng, là một số thu rất lớn đối với quận Hoàn Kiếm. 

Trước tình hình như vậy, ngay sau hội nghị giao ban công tác quý III/2020 do Thường trực Thành ủy chủ trì, quận Hoàn Kiếm đã tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể, rà soát nguồn thu, triển khai các nhiệm vụ thu để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch TP giao. 

Với việc triển khai các giải pháp nhiệm vụ cụ thể, đến nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm đều hoàn thành và có những chỉ tiêu đạt và vượt so với TP giao. Riêng chỉ tiêu thu ngân sách hiện nay khoảng 10.221 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 102% kế hoạch TP giao.

Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã tập trung làm tốt nhiệm vụ kép, tập trung các giải pháp rà soát nguồn thu và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế. Đến nay, đã có 5.200 DN trên địa bàn nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 100%; tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, có rất nhiều dịch vụ thu phí công ích khác được triển khai bằng hóa đơn điện tử như thu tiền điện, tiền nước, tiền Internet…

Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách du lịch trên địa bàn quận giảm, quận đã chuyển hướng dành nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, cũng như củng cố lại các cơ sở vật chất phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn quận.

Điển hình là dịp 10/10 vừa qua, quận đã hoàn thành dự án cải tạo kỹ thuật và chỉnh trang khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Đến đầu năm 2021, quận Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành tất cả hạ ngầm hệ thống đường dây điện trong khu vực phố cổ, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại phố ẩm thực Tống Duy Tân và Cấm Chỉ, đồng thời, củng cố lại các hoạt động của các khu phố này đúng nghĩa là tuyến phố ẩm thực và công nghệ của Hà Nội.

Vào ngày 31/12/2020 sắp tới, quận Hoàn Kiếm sẽ chính thức khai trương mở rộng không gian phố đi bộ trong khu vực phố cổ, gắn kết giữa khu phố đi bộ phía Bắc với khu phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tạo không gian để thu hút khách du lịch. 

Thiếu Huyền

Tin mới