Hai năm nay, giá nhung hươu tăng cao, nhiều hộ nuôi hươu ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đầu tư, xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trung bình mỗi cặp nhung hươu có trọng lượng từ 0,5-0,7kg, có những cặp có thể đạt 2-3kg.
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, nhiều năm gắn bó với nghề nuôi hươu ở Hương Sơn chia sẻ: "Nhung hươu Hương Sơn vốn có thương hiệu từ lâu, hiện nay, giá thành ổn định, người dân chúng tôi cũng yên tâm đầu tư vào chăn nuôi".
Còn theo anh Nguyễn Văn Hoài có trang trại nuôi hươu trên địa bàn nói: "Gia đình tôi nuôi gần 30 con hươu, trong đó hươu lấy nhung 20 con, còn lại là hươu giống, mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hơn 150 triệu đồng".
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hương Sơn hiện có gần 40.000 con hươu, trong đó, số hươu cho lộc nhung chiếm 65-70%, ước tính tổng sản lượng lộc nhung hươu đạt trên 15 tấn/năm, tổng giá trị kinh tế khoảng hơn 160 tỷ đồng.
Toàn huyện có gần 20 ngàn hộ chăn nuôi, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn (trong đó nhiều xã có số hộ dân nuôi hươu chiếm đến 80%- 90%). Bình quân các hộ chăn nuôi từ 5-7 con, trong đó hộ nuôi ít nhất là 2 con, hộ nuôi nhiều nhất là gần 50 con.
Mỗi năm hươu cho thu hoạch từ 1-3 lần lộc nhung, giá trung bình giao động từ 11 - 12 triệu đồng/kg.
Nhung được thu hoạch chính vụ là từ dịp Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 âm lịch và rải rác các tháng trong năm, mỗi con hươu đực cho thu hoạch từ 2-3 lần lộc nhung/năm, trọng lượng trung bình mỗi cặp nhung đạt từ 0,5-0,7kg, lớn nhất có thể lên đến 2-3kg.
Bên cạnh lấy lộc nhung, người nuôi hươu còn cung cấp hươu giống ra thị trường, giá thành cũng cao hơn nhiều so với những năm trước đây, giá hươu cái dao động khoảng 8-12 triệu đồng/con, còn hươu đực từ 15 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, lộc nhung còn được chế biến thành nhiều sản phẩm, rượu nhung hươu, nhung hươu sấy khô, nhung hươu tán bột...bán ra thị trường.
Bà Uông Thị Kim Yến,Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn cho biết, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu thương hiệu cho hươu giống, nhung hươu Hương Sơn.
Ngoài bán tươi cho khách hàng trực tiếp đến cắt, nhung hươu còn được sơ chế thành nhiều sản phẩm rượu nhung hươu, nhung sấy khô, nhung thái lát... cung cấp cho người tiêu dùng.
Hiện nay, nhung hươu Hương Sơn có 14 sản phẩm trong OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo đầu ra ổn định nên người dân tập trung sản xuất chăn nuôi hươu nhiều hơn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.