“Hoa dơn thóc mọc thấp, giống như cỏ, gió mạnh cũng không quật ngã được”, anh Nguyễn Xuân Chiến – Chủ tịch Sun Group vùng Tây Bắc mô tả về loài hoa như bông lúa màu cam. Cánh hoa đó như một biểu tượng, cho biết bao nhiêu dấu ấn mà những người như anh Chiến đặt lên các vùng đất, trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Cánh đồng hoa dơn thóc tại Sun World Fansipan Legend.
“Cuộc sống của mình, hơi thở của mình”
Anh Nguyễn Xuân Chiến gia nhập Sun Group năm 2015, ở thời điểm tập đoàn đang triển khai dự án Fansipan Legend. Trước đó, anh chủ yếu làm việc tại các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới, từ các thương hiệu của Accor cho đến Lotte.
Ấn tượng của nhân sự mới này trước “công trình vĩ đại” – cách gọi của chính anh Chiến – trên đỉnh Fansipan thay đổi suy nghĩ của anh.
Cáp treo Fansipan, công trình đã từng khiến những công ty cáp treo lớn nhất thế giới cũng phải ngần ngại, băng qua một vùng gió quật và tuyết rơi, khiến anh Chiến chỉ còn nghĩ về việc làm thế nào để cống hiến được cho mảnh đất này.
Những ngày tháng sau đó là thời gian xây dựng hạ tầng dịch vụ cho Sun World Fansipan Legend. “Có những ngày chỉ đếm khách theo đầu ngón tay”, anh Chiến nhớ về những mùa thấp điểm du lịch đầu tiên. Nhân sự tuyển dụng vào, nhiều người chưa nói sõi tiếng Kinh. Chính sách tuyển dụng ưu tiên cộng đồng bản địa của Sun Group tạo ra một cuộc “huấn luyện” mà anh chưa bao giờ trải qua trong đời làm dịch vụ.
“Thời gian đầu, những buổi đào tạo giống như huấn luyện trong quân đội vậy. Mình phải tuýt còi, cầm thước để chỉnh cho các bạn đứng thẳng, đi đúng, nhìn thẳng, chào khách, 15, 30, 45 độ là thế nào.
Nhưng chính sự chịu thương, chịu khó của các bạn cũng lại truyền động lực cho mình. Ở những nơi sương gió như thế, vất vả như thế nhưng các bạn vẫn không bỏ cuộc. Các bạn vẫn tươi cười. Những gì mình dạy, truyền thụ cho các bạn, các bạn luôn thực hiện thật tâm nhất”.
Anh Nguyễn Xuân Chiến tỉ mỉ hướng dẫn CBNV chào khách.
Và rồi chỉ sau mấy năm, bỗng nhiên người đàn ông thành thị phải thú nhận rằng đi đâu cũng thấy nhớ Sa Pa, chỉ mong chóng được quay về với Tây Bắc. “Nó giống như cuộc sống của mình, hơi thở của mình vậy”.
Với anh Hoàng Minh Vỷ, Phó Tổng Giám đốc Khối Xây dựng Tập đoàn Sun Group, hơi thở và cuộc sống dễ nhận ra hơn trong những dự án. Công trình đầu tiên mà anh Vỷ cùng kiến tạo, là Novotel Đà Nẵng – khách sạn đầu tiên được quản lý bởi Accor ở thành phố bên sông Hàn. Ngay từ khi nó mọc lên, đứa con gái nhỏ đã biết chỉ cho người quen: “Khách sạn của ba con xây”.
Nhưng để có niềm tự hào nhỏ ấy – lại là những thử thách khác. Novotel Đà Nẵng được xây ở giai đoạn nền kinh tế đang khủng hoảng, quãng năm 2011. Ngành xây dựng khi ấy đói vốn. Anh Vỷ, ngày đó làm trưởng ban thanh quyết toán, vẫn nhớ những ngày cận Tết ngồi ở ngân hàng chờ đợi, hối thúc để có tiền trả cho đối tác, nhà thầu.
Khách sạn Novotel Danang Premier Han River.
Trong quãng thời gian làm quản lý dự án, từ Đà Nẵng đến Phú Quốc, có rất nhiều giai đoạn anh Hoàng Minh Vỷ thú nhận rằng mình “mất trí nhớ tạm thời” vì căng thẳng. Như việc xây dựng Sky36 – bar sân thượng cao nhất Việt Nam – chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 3 tháng. “Áp lực công việc khiến có những ngày, mình đi xe máy mà không biết đang đi đâu”.
Ngay thời điểm cuối năm 2022 này, anh Vỷ cũng đang ở trong một giai đoạn như thế. Việc thi công Cầu Hôn – công trình được dự đoán là biểu tượng tương lai của du lịch Phú Quốc – đang trong quãng nước rút, nhưng sau tháng 6, bờ biển phía Tây của đảo có sóng mạnh. “Chúng tôi đang phải thi công kiểu du kích”, anh nói.
Và họ đồng ý với nhau ở một điểm: đồng lương không phải là thứ đã làm nên tất cả những động lực đó. Đó là sự gắn bó, quan tâm và động viên nhau vì một niềm tin chung. “Người dân Phú Quốc rất trân trọng mình, vì mình làm đẹp vùng đất của họ. Trách nhiệm của mình không chỉ với tập thể, mà còn với cả địa phương” – anh Vỷ nói.
Anh Hoàng Minh Vỷ (bên trái ngoài cùng, kính trắng).
“Những cây hoa nhỏ bé”
“Khi trồng hồng leo tặng thị xã Sa Pa tại khu vực bờ hồ, chúng tôi đã nghĩ đến ngày hôm nay khi các giàn hoa hồng leo bung nở rực rỡ và lan tỏa tình yêu đến mọi người. Từ những giàn hoa đầu tiên đó, người dân địa phương cũng bắt đầu trồng hoa hồng, khiến cho trung tâm thị xã Sa Pa đâu đâu cũng thấy hoa hồng leo nở rộ, rất đẹp mắt.
Năm vừa rồi tổ chức lễ hội hoa hồng, chính quyền và người dân rất hưởng ứng. Hầu như các đơn vị kinh doanh đều lấy đó để làm tư liệu truyền thông. Họ còn đóng góp hoa hồng miễn phí để mình cắm vào hoa, làm bức tường hoa để không phải đi mua. Mình đã chung tay làm đẹp cho vùng đất bằng chính những cành hoa nhỏ bé”, anh Nguyễn Xuân Chiến hào hứng khi nhắc đến những điều mình đã làm ở Sa Pa, bằng hình ảnh những đóa hoa.
Những cánh hoa không chỉ là biểu tượng cho một phong cách làm du lịch mới, bài bản hơn và tạo ra giá trị cho điểm đến, mà nó còn truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn về cách làm du lịch bền vững và lan tỏa.
Giàn hồng leo do Sun Group trồng tặng thị xã Sa Pa.
Giờ đây, Sa Pa, Lào Cai đã ở một vị thế khác nhiều so với ngày đầu tiên anh Chiến đến. Năm 2019, tỉnh Lào Cai đón hơn 5,1 triệu lượt khách, doanh thu tương ứng hơn 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2015 – thời điểm chưa có cáp treo Fansipan. KDL Sun World Fansipan Legend dù mới đi vào hoạt động 6 năm, nhưng cũng đã có tới 3 lần được World Travel Awards vinh danh.
Còn anh Vỷ, đến giờ vẫn nhớ khoảnh khắc đứng ở Mũi Ông Đội, Phú Quốc, lần đầu tiên chàng trai quê miền Trung nhận ra rằng mình yêu thiên nhiên đến mức nào. “Ngày bé tôi chưa cảm nhận tình yêu với thiên nhiên, cho đến khi làm dự án ở Phú Quốc tôi mới cảm nhận rõ vẻ đẹp của đất nước này và mong muốn được tôn vinh nó”.
Đó cũng là lý do mà người chỉ huy dự án tuyệt đối tuân thủ việc bảo tồn từng cái cây, từng phiến đá trên hiện trường – một tinh thần chung của Sun Group.
Giờ đây, mảnh đất Phú Quốc mà anh Vỷ và đồng đội của anh đem lòng yêu mến và dốc sức làm đẹp, đã trở thành điểm đến ao ước của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Từ con số chưa đến 1 triệu lượt khách vào năm 2015, thì đến năm 2019, Phú Quốc đã đón hơn 5 triệu lượt khách.
Anh Chiến hay anh Vỷ, đều nuôi những tầm nhìn xa hơn, không chỉ cho bản thân mình, mà cho những mảnh đất họ coi là “cuộc sống và hơi thở”.