Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những điểm nhấn của đợt 1, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

(VTC News) -

Sau 18 ngày họp với nhiều nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đợt 1 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khép lại với nhiều kết quả nổi bật.

 

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của đợt 1 kỳ họp này là Quốc hội bầu Chủ tịch nước, đồng thời kiện toàn nhiều vị trí nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ với sự đồng thuận rất cao và thực hiện nhanh chóng.

Cụ thể, ngay trong ngày đầu tiên sau khai mạc (20/5), Quốc hội bầu ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội khoá XV nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cam kết, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng thời Chủ tịch Quốc hội khẳng định tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phát huy dân chủ, đoàn kết, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.  

Hai ngày sau khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội, sáng 22/5, với 472/473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc".

Bên cạnh đó là chăm lo xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân.

Chủ tịch nước khẳng định, cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", tự chuyển hóa"; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

 

Cũng trong ngày 22/5, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với ông Tô Lâm.

Đến chiều 6/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Thanh làm Phó Chủ tịch Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng đối với ông Lê Thành Long (Bộ trưởng Tư pháp) và Bộ trưởng Bộ Công an đối với Thượng tướng Lương Tam Quang (Thứ trưởng Bộ Công an).

Cũng liên quan đến công tác nhân sự, Quốc hội thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

 

Quốc hội kiện toàn nhân sự chủ chốt ngay trong đợt 1 Kỳ họp thứ 7 đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn kịp thời của Đảng, sự đoàn kết, nhất trí rất cao của Quốc hội và trách nhiệm cao của mỗi đại biểu với Tổ quốc và Nhân dân.

Đồng thời việc kiện toàn nhân sự chủ chốt góp phần giúp đất nước tiếp tục ổn định, phát triển bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Là một trong những hoạt động nổi bật của đợt 1, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 khép lại sau 2,5 ngày làm việc với 162 lượt đại biểu chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận và 160 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu. 

Con số thống kê phản ánh không khí sôi nổi, dân chủ và thành công của phiên chất vấn lần này.

Bốn Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bốn Bộ trưởng, trưởng ngành lần lượt trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Kiểm toán; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung chất vấn trúng và đúng những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm.

Một trong những lý do tạo nên sự thành công của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội lần này là sự cầu thị, không né tránh trách nhiệm và những cam kết thực hiện của những Bộ trưởng, trưởng ngành ngồi "ghế nóng".

Đó là sự chia sẻ rất chân thành của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về vấn đề Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã tích cực hồi sinh các "dòng sông chết" nhưng chưa được bao nhiêu.

Hay liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, quan điểm của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường là sẽ xử lý nghiêm các sai phạm và những sai phạm có tính liên tục, sai phạm nối tiếp, sai phạm sau khi xử phạt hành chính theo luật mà tiếp tục sai phạm sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng điều tra xử lý.

Về lĩnh vực Công Thương, qua chất vấn có thể thấy, chỉ riêng vấn đề thương mại điện tử, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Dù là câu hỏi khó và trực diện, nhưng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều có đáp án, kèm theo những giải pháp cụ thể cho trước mắt cũng như lâu dài.

Bộ trưởng Công Thương thừa nhận, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có khó khăn nhất định, và để quản lý một cách hiệu quả, thì không chỉ một mình Bộ Công Thương có thể làm được, mà cần “sự vào cuộc” của nhiều ngành khác cũng như cả hệ thống chính trị, người dân và chính quyền các địa phương.

Đơn cử, với hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, cùng với vai trò chủ trì của Bộ Công Thương, cần có sự phối hợp của ngành Thông tin và Truyền thông để quản lý hoạt động về mạng cũng như các biện pháp về kỹ thuật, công nghệ; ngành Tài chính để quản lý về thuế; ngành Khoa học và Công nghệ với vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc của cử tri và Nhân dân thông qua cầu nối là các đại biểu Quốc hội, chất vấn cũng là cơ hội để Bộ trưởng, trưởng ngành chia sẻ, làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, điều hành. Như lời Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, có những việc chúng ta thấy đúng, nhưng chưa phải làm được ngay, mà phải nghiên cứu.

Và chính sự dân chủ, mang tính xây dựng trong sinh hoạt nghị trường mang đến cho người ngồi "ghế nóng" cảm thấy mình "được" trả lời chất vấn. Như chia sẻ của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, tham gia chất vấn lần này tạo điều kiện để ngành Kiểm toán được trình bày trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước về hoạt động của ngành với tư cách là một lĩnh vực đặc thù và chuyên môn rất sâu.

Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi gắm tâm tư của đồng bào và cử tri cả nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp để ngành Kiểm toán thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Chính phủ, làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ vào cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường.

Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức. Có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng để khơi thông nguồn lực đất đai, vốn, phục hồi thị trường bất động sản.

Kèm theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, Phó Thủ tướng chỉ rõ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

"Chấm điểm" phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các Bộ trưởng, trưởng ngành dù dày dạn kinh nghiệm trả lời chất vấn hay tham gia trả lời chất vấn lần đầu cũng đều thể hiện bản lĩnh, tâm huyết, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp; thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các tư lệnh ngành đã trả lời tập trung, không né tránh những vấn đề được hỏi và giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

 

Trước khi kết thúc đợt 1 Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Tờ trình nêu rõ, ngày 1/1/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành.

Đến ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Đánh giá tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam, Phó Chủ tịch nước cho biết, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.

Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Mỹ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo liên quan đến việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ireland. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về tác động kinh tế, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán ta đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.

Đối với tác động về lao động, việc làm, xã hội, các ngành mà Vương quốc Anh có thế mạnh xuất khẩu như máy móc, thiết bị công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng đều không cạnh tranh mà có tính bổ trợ cho các ngành thế mạnh của Việt Nam, do đó, sẽ không phát sinh cạnh tranh đáng kể về công ăn việc làm, mặt khác còn giúp phát triển thị trường lao động và gia tăng việc làm trong các lĩnh vực tương ứng tại Việt Nam.

Tờ trình cũng nêu lên đánh giá, Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa.

Việt Nam cũng sẽ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của Vương quốc Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp sáng 8/6. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo thuyết minh về văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, kể từ khi được khởi động đàm phán vào tháng 6/2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn đàm phán, cấp kỹ thuật và 5 phiên đàm phán trực tiếp, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã kết thúc đàm phán vào tháng 3/2023.

Về phía Việt Nam, đã đạt được các mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh có cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định và thậm chí cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước khác, cũng như cao hơn so với cam kết của Vương quốc Anh cho Việt Nam trong FTA song phương (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với ta.

Cụ thể, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%).

Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ví dụ, đối với gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.

Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước” và không đặt ra yêu cầu thủ tục hành chính là cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo như trong FTA song phương trước đây.

Một mặt hàng xuất khẩu khác là thế mạnh của Việt Nam là cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có Văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá.

Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.

Báo cáo tóm tắt thẩm tra chính thức của Tờ trình, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Theo Ủy ban Đối ngoại, việc phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Vương quốc Anh.

Đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đánh giá rất cao nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua đã làm việc liên tục với Vương quốc Anh để thống nhất một số nội dung rất quan trọng.

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (ĐBQH TP.HCM) nhấn mạnh, Vương quốc Anh là một thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, cũng là một ủy viên quan trọng trong 5 thành viên của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên trong nhóm G7 có GDP hiện nay đứng thứ 6 trên thế giới.

Do đó, việc đồng ý để Vương quốc Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

“Việc tham gia Hiệp định CPTPP có thêm nước Anh nếu không tận dụng cơ hội sẽ rất lãng phí. Do đó, Chính phủ cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, yêu cầu thân thiện với môi trường”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Tham gia ngay từ đầu vào quy trình thẩm tra việc phê chuẩn văn kiện này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc phê chuẩn văn kiện này hay việc thực hiện CPTPP chỉ là 1 trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Đại biểu Mai Dung mong muốn, việc thực hiện các Hiệp định FTA trong thời gian tới sẽ được cải thiện tốt hơn.

“Tôi rất mong chờ trong năm 2024 Bộ Công Thương có thể ban hành được bộ chỉ số FTA để là thước đo thực hiện ở các địa phương; là “kim chỉ nam” cho các các địa phương thực hiện; cũng là căn cứ để Quốc hội giám sát và có những điều chỉnh tốt hơn trong tương lai”, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị.

Anh Nhật

Tin mới