Ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm được gọi là ngày Thất tịch, ngày ông Ngâu bà Ngâu. Dân gian cho rằng đây là ngày duy nhất trong năm đôi vợ chồng Ngưu lang, Chức nữ được gặp nhau dù họ yêu nhau thắm thiết. Nước mắt hội ngộ và chia ly của họ rơi tầm tã tạo thành những cơn mưa thu u sầu mà chúng ta gọi là mưa ngâu.
Cũng kể về tình yêu chung thủy và hoàn cảnh chia ly trái ngang của Ngưu lang Chức nữ nhưng cách kể của dân gian Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có nhiều tình tiết, diễn biến khác nhau.
Tranh vẽ Ngưu lang Chức nữ gặp nhau trong ngày Thất tịch
Trong câu chuyện của người Việt, chàng trai nghèo tình cờ gặp Chức nữ (tiên nữ dệt vải) trong rừng khi nàng cùng các tiên nữ khác xuống hồ tắm. Bị chàng trộm mất đôi cánh tiên, Chức nữ không thể về trời và ở lại làm vợ chàng. Khi đã có với nhau một mặt con, một hôm khi chồng đi vắng nàng phát hiện ra đôi cánh tiên của mình giấu trong thúng thóc, bèn đưa con chiếc lược dặn trao cho cha, rồi về trời mất.
Người chồng mang con lặn lội trải qua bao nhiêu khó khăn mới lên được cung trời tìm vợ, nhưng mối nhân duyên của họ không được nhà trời chấp nhận nên họ chỉ có thể lén lút gặp nhau. Luật trời cấm người trần ở lại thượng giới nên sau vài hôm, Chức nữ đành tiễn chồng con ra về. Cùng với cơm ăn đường, nàng đưa cho 2 cha con chiếc trống, dặn khi xuống đến nơi thì đánh để trên này biết mà cắt dây.
Dọc đường, con đói, người chồng mang cơm ra cho con ăn. Đứa trẻ làm cơm vãi lên mặt trống, đàn quạ sà vào mổ. Chức nữ nghe tiếng trống, cắt dây khiến hai cha con rơi xuống biển. Ngọc hoàng biết chuyện thương xót, cho đưa cả hai cha con lên trời, giao cho chàng trai công việc chăn trâu (vì thế chàng được gọi là Ngưu lang) ở bên kia sông Ngân. Ở bên này sông, Chức nữ ngày ngày dệt vải mà đau lòng nhớ chồng con.
Mỗi năm họ chỉ được phép gặp nhau một ngày vào 7/7, đàn quạ phải “bồi thường” bằng cách đội đá bắc cầu cho họ. Ngày hội ngộ này vợ chồng Ngưu lang ôm nhau khóc nên trời mưa tầm tã...
Chuyện bắc cầu qua sông Ngân ở một phiên bản khác được kể như sau: Các phường thợ mộc dưới trần được Ngọc hoàng triệu lên thiên đình làm cầu để Ngưu lang và Chức nữ gặp nhau. Họ mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng giận dữ biến họ thành quạ, bắt giơ đầu xếp hàng làm cầu vào ngày Thất tịch.
Mỗi khi gặp nhau, nhớ lại chuyện cũ, lũ quạ lại tức giận lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu lang và Chức nữ lên cầu, thấy một đám đen lởm chởm dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, bèn ra lệnh cho đàn quạ mỗi khi lên trời làm cầu đều phải nhổ sạch lông đầu. Vì thế mà cứ đến tháng 7 âm lịch thì loài quạ xơ xác lông, đầu cũng trụi. Sau một thời gian, Ngọc hoàng thương tình trả lại hình hài cho những người thợ mộc, lệnh làm một cây cầu vững chãi bắc qua sông Ngân cho Ngưu lang và Chức nữ gặp nhau.
Có lẽ do tích này mà vùng Bình Định (miền Trung Việt Nam) có từ "quạ làm xâu" nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài. Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
Người Trung Quốc kể rằng, chàng chăn bò trẻ tuổi (Ngưu lang) nhìn thấy 7 nàng tiên đang tắm trong hồ, đùa giỡn vui vẻ thì mê mẩn. Được con bò đực xúi giục, lấy trộm váy áo của họ và nấp chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên tắm xong không thấy xiêm y, liền cử cô em út xinh đẹp nhất là Chức nữ ra thương lượng để xin lại. Ngưu lang trả đồ, nhưng vì Chức nữ đã bị chàng nhìn thấy thân thể nên đành theo chàng về nhà làm vợ.
Tranh vẽ Ngưu lang Chức nữ của Trung Quốc
Do cuộc hôn nhân này vi phạm thiên quy nên thiên đình sai người bắt Chức nữ về. Ngưu lang khoác bộ da trâu đuổi theo tới thiên đình, sắp đuổi kịp thì Vương mẫu lấy cây trâm ngọc vạch một đường trên bầu trời, ngăn cách Ngưu lang và Chức nữ, đường rạch này chính là sông Ngân. Chức nữ do quá đau khổ, hằng ngày đều rửa mặt bằng nước mắt. nàng ngồi dệt vải bên sông, ngóng về phía Ngưu lang cũng đang đau đáu nhìn vợ từ xa.
Một hôm, vào đêm 7/7, đàn quạ thương cảm cho hoàn cảnh của họ nên bay lên trời, lấy thân mình làm thành một cây cầu bắc qua sông Ngân để vợ chồng Ngưu lang Chức nữ có thể gặp nhau trong một đêm. Chứng kiến cảnh này, Ngọc hoàng thương xót nên ban lệnh cho hai vợ chồng mỗi năm được gặp nhau một lần vào ngày 7/7. Tất cả chim muông cứ vào ngày này phải bay về trời để bắc cầu cho họ.
Theo cách kể của dân gian Nhật Bản, Ngọc hoàng Thượng đế có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume (còn gọi là Orihime). Nàng đem lòng thương mến anh chàng chăn bò Hikoboshi. Dù không môn đăng hộ đối nhưng vì thương và chiều con nên Ngọc hoàng vẫn đồng ý gả công chúa cho chàng chăn bò. Sau khi cưới, hai vợ chồng quá quấn quít lấy nhau, cả ngày chỉ biết vui chơi mà bê trễ công việc. Tanabata-tsume không dệt vải, còn Hikoboshi để đàn bò đi lạc lên cung trời.
Hình tượng "Chức nữ" Tanabata-tsume trong văn hóa Nhật Bản
Tình trạng này khiến các vị thần tức giận, tâu lên Ngọc hoàng phạt đưa hai vợ chồng đến ở hai bên sông Ngân, mỗi năm chỉ cho gặp nhau một lần vào ngày 7/7. Vào ngày này, đàn quạ được lệnh lấy thân mình làm cầu cho họ qua. Năm nào trời mưa vào ngày Thất tịch thì đàn chim không thể bắc cầu do dòng sông trời dâng nước quá cao, và hai người không được gặp nhau.