Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những chúa tể vũ trụ: Kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất

(VTC News) -

Ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik-1, đánh dấu sự bắt đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại.

Sputnik-1 là thiết bị nhân tạo đầu tiên của loài người bay trên quỹ đạo vòng quanh Trái Đất.

Sự kiện này khiến rất nhiều người trên nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung hết sức bất ngờ. Một nỗi sợ hãi bao trùm lên toàn bộ các nước phương Tây vì họ nhận ra Liên Xô đang dẫn trước trong cuộc đua về tên lửa.

Nó làm nổ ra một cuộc tranh đua quyết liệt để dành ưu thế trên vũ trụ, khiến cả Mỹ và Liên Xô đều không tiếc tiền đổ vào ngành này và họ đều đã đạt được những tiến bộ thần tốc trong ngành tên lửa, vệ tinh và hỗ trợ sự sống/ đưa người vào vũ trụ.

Tên lửa diệt vệ tinh Bold Orion gắn trên máy bay B-47 Stratojet của Mỹ năm 1959.

Cả hai nước này nhanh chóng bỏ xa phần còn lại của thế giới. Từ năm 1957 đến năm 1966, 68% số vệ tinh đã phóng được lên vũ trụ là của Mỹ, 30% của Liên Xô và chưa đến 2% là của các nước còn lại. Dù trong những năm tiếp theo, các nước khác cũng cố sức tăng cường năng lực vũ trụ của mình, tuy nhiên khoảng cách thu hẹp vẫn không đáng kể. Đến năm 1990, 93% số vệ tinh được phóng lên vũ trụ đều là của Liên Xô hoặc Mỹ.

Đặc trưng của kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất là tính quân sự. Mặc dù từ trước đến nay chưa có một cuộc đụng độ vũ trang nào trực tiếp xảy ra trong vũ trụ nhưng có đến 70% số vệ tinh được phóng lên từ năm 1957 tới năm 1990 là vệ tinh quân sự, và hầu hết trong số chúng đều liên quan trực tiếp đến lực lượng tác chiến hạt nhân của quốc gia phóng.

Ngay cả các tướng lĩnh không quân Mỹ như Ellen Pawlikowski, Doug Loverro hay Thomas Cristler cũng nhấn mạnh: “Ngay từ những ngày đầu tiên của kỷ nguyên vũ trụ cho đến những ngày cuối cùng của chiến tranh lạnh, hầu hết các hệ thống kỹ thuật phóng lên vũ trụ đều để phục vụ cho cuộc xung đột giữa 2 cường quốc này".

Các vệ tinh được phóng lên ngày càng hiện đại, với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như thu thập tin tức tình báo, thông tin liên lạc hay cảnh báo tên lửa. Chúng đảm bảo tin tức thông suốt trước xung đột, cảnh báo hạt nhân – đáp trả tự động hay duy trì sự thông suốt trong chỉ huy tác chiến khi chiến tranh hạt nhân xảy ra. Cũng không thể nói đây là điều tồi tệ khi vệ tinh trinh sát đã giúp cho cả Mỹ và Liên Xô nắm rõ hơn năng lực hạt nhân của nhau khiến không quốc gia nào có bước đi mạo hiểm, từ đó giúp giữ vững ổn định và hòa bình thế giới.

Tổng số vụ phóng tàu vũ trụ từ trước đến nay của Mỹ, Liên Xô/Nga và các nước khác.

Cho đến những ngày cuối cùng của kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất, Liên Xô đã thực hiện được 2.300 vụ phóng tàu vũ trụ, nhiều hơn gấp đôi tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại khi Mỹ chỉ thực hiện được khoảng 800 vụ còn tổng của tất cả các nước khác hơn 200. Sự chênh lệch này khiến Mỹ là nước đầu tiên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí trong vũ trụ. Năm 1959, Mỹ đã thực hiện vụ thử vũ khí diệt vệ tinh đầu tiên, đó là loại tên lửa có tên Bold Orion – dài 11 mét, tầm bắn tối đa 1.800 km và có khả năng tiêu diệt các vệ tinh khi được vũ trang bằng đầu đạn hạt nhân.

Tháng 7/1962, chỉ 3 tháng trước khi xảy ra vụ “khủng hoảng tên lửa Cuba”, Mỹ đã thực hiện vụ thử hạt nhân có tên Starfish Prime khi họ cho nổ 1 quả bom nhiệt hạch đương lượng 1,4 megaton (sức phá hủy tương đương 1,4 triệu tấn thuốc nổ TNT) ở độ cao 400 km. Dù đây không phải là 1 vụ thử nghiệm nhắm vào phát triển vũ khí diệt vệ tinh, nhưng nó cũng đã xác nhận việc vũ khí hạt nhân hoàn toàn có thể được dùng để hạ gục các vệ tinh một cách hiệu quả. Cụ thể, xung điện từ từ vụ nổ này sẽ ngay lập tức phá hủy các vệ tinh không bị che khuất, trong khi đó, vụ nổ sẽ làm gia tăng cường độ vành đai phóng xạ Van Allen tự nhiên quanh quỹ đạo thấp (LEO) và làm suy giảm trầm trọng hoạt động của các vệ tinh khác trong nhiều tháng tiếp theo.

Cho đến năm 1963, Liên Xô mới bắt đầu phát triển vũ khí diệt vệ tinh của họ. Đó là một loại vệ tinh “tự sát”, khi được phóng lên vũ trụ, nó sẽ từ từ cơ động về quỹ đạo của vệ tinh mục tiêu, tiếp cận mục tiêu và phát nổ bằng đầu đạn thông thường. Trong khi đó, Mỹ lại đi trước một bước khi họ phát triển thành công tàu vũ trụ có khả năng trở về. Nhờ vào khả năng định vị và thu hồi vệ tinh, loại tàu vũ trụ này không những có thể phá hủy mà còn có thể “bắt cóc” vệ tinh của đối phương để thu giữ thiết bị lưu trữ thông tin cũng như các công nghệ liên quan bên trong.

Để đối phó với điều đó, Liên Xô cũng bắt đầu vũ trang cho một số vệ tinh chuyên dụng của họ. Những vệ tinh này được trang bị pháo phòng không 23 ly với bộ phận chỉnh hướng bằng các động cơ tên lửa mini, sẵn sàng chống trả nếu gặp phải trường hợp bị tấn công hay “bắt cóc”.

Tháng 12/1985, Quốc hội Mỹ quyết định cấm thử các loại vũ khí tiêu diệt vệ tinh, và trên thế giới trong vòng 22 năm không có một vụ thử vũ khí diệt vệ tinh nào nữa, cho đến năm 2007, “nền hòa bình” mong manh này đã bị phá vỡ khi Trung Quốc tiến hành vụ thử vũ khí diệt vệ tinh đầu tiên của họ, được phát triển từ tên lửa đạn đạo DF-21.

Loại pháo 23 mm chuyên dụng trang bị trên một số vệ tinh của Liên Xô.

Kỷ nguyên vũ trụ thứ nhất đã kết thúc khi Liên Xô sụp đổ. Trong những ngày cuối, cả Liên Xô và Mỹ đều tuyên bố về những “chiến thắng” của mình khi Liên Xô áp đảo về số lượng phóng vệ tinh, xây dựng trạm vũ trụ, hoạt động của con người trong vũ trụ cùng những lần hạ cánh trước trên sao Hỏa và sao Kim thì Mỹ cũng có ưu thế vượt trội trong việc đưa người lên mặt trăng hay những sứ mệnh kéo dài trên sao Hỏa.

Rất nhiều thứ vũ khí cũng được hai bên đưa lên nhằm chiếm ưu thế tuyệt đối trên vũ trụ, tuy nhiên ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất, may mắn thay xung đột vũ trang cũng không xảy ra. Và loài người đã bước sang kỷ nguyên vũ trụ thứ 2, với sự tham gia của một thế lực mới không kém phần tham vọng: Trung Quốc.

Tông Hùng (Tổng hợp)

Tin mới