"Các quý ông, có một công ty Mỹ cần lính đặc nhiệm, các biệt kích có kinh nghiệm làm việc ở Trung Mỹ", tin nhắn từ bên tuyển dụng gửi cho các cựu binh Columbia viết.
Bên tuyển dụng giải thích mức lương sẽ dao động từ 2.500 - 3.000 USD/tháng, gấp nhiều lần số tiền mà các cựu binh Columbia có thể kiểm được sau khi giải ngũ.
"Với sứ mệnh cao cả, chúng ta sẽ giúp khôi phục đất nước, về mặt an ninh và dân chủ. Chúng ta sẽ là những người tiên phong", tin nhắn có đoạn.
Nhưng tương lai tươi sáng mà các tin nhắn này vẽ ra kết thúc bằng kết cục mù mịt.
Thù lao hậu hĩnh
18 trong số những các cựu binh được tuyển mộ đang bị giam giữ ở Haiti với cáo buộc liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise tuần trước. 3 người khác bị bắn chết trong cuộc săn lùng của cảnh sát Haiti.
Nhóm nghi phạm ám sát Tổng thống Moise bị bắt giữ. (Ảnh: Reuters)
Hầu hết các nghi phạm tham gia vụ sát hại ông Moise được một nhóm doanh nhân tiếp cận vào tháng trước. Họ phóng đại thông tin về bản thân, quy mô của công ty, đánh lừa những người được tuyển dụng về các dự án mà họ sắp tham gia và hứa hẹn về các khoản thù lao hàng nghìn USD.
New York Times tiếp cận 12 cựu binh Columbia được chiêu mộ hồi đầu năm nhưng quyết định không tới Haiti vào tháng 6.
Trong các cuộc phỏng vấn, các cựu binh Colombia cho biết họ được các "nhà tuyển dụng" tuyển mộ qua ứng dụng WhatsApp. Nhiệm vụ của họ theo mô tả là chiến đấu chống lại các băng đảng, bảo vệ các quan chức, giúp xây dựng lại một đất nước chịu nhiều đau thương. Phía tuyển dụng khẳng định một công ty an ninh quan trọng ở Mỹ sẽ hỗ trợ họ.
Nhưng CTU, công ty tuyển dụng các cựu binh Colombia trong vụ ám sát Tổng thống Moise đặt trụ sở tại một nhà kho nhỏ ở Miami. Công ty này được điều hành bởi Antonio Intriago, một người Mỹ gốc Venezuela có tiền sử nợ nần, bị trục xuất và phá sản.
Các quan chức Colombia cho biết các cuộc điều tra của họ về sự tham gia của các cựu binh Columbia trong âm mưu ám sát Tổng thống Haiti tập trung vào Germán Alejandro Rivera - một đại úy quân đội nghỉ hưu. Rivera được cho là người liên hệ chính với các nhà tuyển dụng tới từ Mỹ.
Các quan chức lãnh sự Colombia vẫn chưa tiếp cận với nhóm cựu binh đang bị giam giữ, do đó họ phải điều tra theo thông tin mà Haiti cung cấp.
Theo truyền thông Colombia, Rivera nằm trong nhóm 7 cựu binh Columbia đột nhập vào dinh thự của ông Moise vào đêm xảy ra vụ ám sát.
Tuy nhiên, các bài báo không đề cập tới vai trò của Rivera và những người khác. Nhiều quan chức Haiti cũng bày tỏ nghi ngờ về vai trò thực sự của nhóm cựu binh Columbia khi không ai trong số này bị thương sau nhiệm vụ.
Nghi ngờ này càng gia tăng khi thông tin về những chuyến dừng chân thường xuyên của Dimitri Hérard - người đứng đầu đội bảo vệ dinh Tổng thống Haiti ở thủ đô Bogotá của Columbia được tiết lộ.
Kẻ cầm đầu nhóm cựu binh
Theo NYT, chiến dịch tuyển mộ các cựu binh Columbia dường như bắt đầu khi Duberney Capador, một cựu binh từng phục vụ quân đội Colombia trong 20 năm nhận được cuộc gọi từ một công ty an ninh yêu cầu ông này thành lập một nhóm "bảo vệ các yếu nhân Haiti", theo Yenny Carolina Capador - em gái Capador.
Duberney Capador. (Ảnh: NYT)
Capador, 40 tuổi giải ngũ vào năm 2019 và đang sống với mẹ trong một trang trại của gia đình. Capador lập tức chớp lấy cơ hội khi nhận được yêu cầu.
Theo Yenny, tin nhắn gửi tới các "quý ông" tới từ số điện thoại của Capador.
Anh trai của Yenny nhanh chóng trở thành nhà tuyển dụng chính cho chiến dịch và bắt đầu nhắn tin cho các đồng nghiệp cũ.
Nhiều người nhận được tin nhắn nhưng không tới Haiti nói họ tin tưởng Capador vì nhiều năm làm việc với nhau trong quân ngũ.
Giống như Capador, sau khi giải ngũ, họ gặp khó khăn về tài chính. Phần lớn nghỉ hưu không lâu trước đại dịch. Một số không thể kiếm được công việc mà họ mong muốn ở Trung Đông do vấn đề tuổi tác.
Capador lập các nhóm WhatsApp với những cái tên như “Chuyến bay đầu tiên”, kêu gọi các thành viên trong nhóm mua áo sơ mi tối màu, giày cổ cao và chuẩn bị hộ chiếu.
Capador nói thêm rằng chính phủ Mỹ là bên trả lương và nhiệm vụ lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm khác trên khắp Trung Mỹ.
Chính phủ Mỹ phủ nhận bất cứ vai trò nào trong âm mưu ám sát Tổng thống Moise.
Vào giữa tháng 5, Capador bay tới Haiti để tìm kiếm "căn cứ" cho nhóm cựu binh Columbia.
"Tất cả những gì chúng tôi biết là chúng tôi sẽ bảo vệ một khu vực đặc quyền dưới sự chỉ huy của Capador. Chúng tôi không quan tâm đến thời gian, địa điểm hay tên người mà chúng tôi sẽ bảo vệ", một cựu binh "tới hụt" Haiti cho biết.
Nhưng Capador - một trong ba cựu binh Colombia bị cảnh sát Haiti bắn chết sau vụ ám sát ông Moise dường như chỉ là một phần trong một âm mưu lớn hơn.
Giới chức Colombia tiết lộ Capador tới Haiti cùng Rivera. Rivera hiện là trung tâm điều tra của của chính quyền Colombia về vai trò của nhóm cựu binh Columbia trong vụ ám sát.
Họ nói thêm rằng Rivera có liên hệ với Intriago, chủ sở hữu của CTU và James Solages, một người Mỹ gốc Haiti khai nhận là phiên dịch viên của nhóm biệt kích ám sát ông Moise.
Bị lừa
Theo NYT, nhiều cựu binh Colombia bay từ quê nhà tới Dominica vào đầu tháng 6, sau đó tới Haiti bằng đường bộ. Các chuyến bay của họ được thanh toán bằng thẻ tín dụng đăng ký ở Miami.
Nhóm cựu binh sống cùng nhau tại một ngôi nhà nhỏ có hồ bơi. Họ vẫn liên lạc thường xuyên với người nhà. Nhưng thay vì lời hứa "xây dựng đất nước" trong tin nhắn, ngày tháng của họ của Haiti khá nhàn hạ. Họ tập thể dục, học tiếng Anh và nấu ăn.
Nhóm cựu binh Haiti chụp ảnh về nơi ở của họ Haiti và gừi về cho người thân. (Ảnh: NYT)
Hôm 5/7, một số chụp ảnh bữa tiệc nướng trong khu nhà và gửi về cho người thân.
Một ngày sau đó, những người đàn ông tin rằng họ sẽ nhận được khoản lương đầu tiên. Nhưng số tiền đó chưa bao giờ đổ vào tài khoản của họ.
Tới ngày 7/7, các quan chức Haiti cho biết một nhóm tay súng xông vào dinh thự của ông Moïse ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince. Nhóm này bắn chết ông Moise và làm bị thương vợ ông.
Giới chức Haiti khẳng định đây là một chiến dịch được lên kế hoạch hết sức chuyên nghiệp với sự tham gia của những người nước ngoài nói tiếng Tây Ban Nha.
Khi vai trò của các cựu binh Columbia vẫn đang được điều tra, một số cựu binh từ chối tới Haiti nói họ cảm giác mình bị lừa.
"Ông ấy đảm bảo với chúng tôi rằng đó là một công việc tốt, không phạm pháp. Các đồng nghiệp của chúng tôi có mặt tại đó. Tất cả đã bị lừa", Bolaños - một cựu bình Columbia cho hay.