Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều phòng bệnh kín giường vì bệnh nhân sốt xuất huyết

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 12/16 phòng kín giường vì bệnh nhân sốt xuất huyết.

Theo ghi nhận của Zing tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện số ca mắc sốt xuất huyết phải tới đây khám và điều trị vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, con số này đang có dấu hiệu đi ngang, không còn tăng đột biến như giai đoạn đầu dịch. Thực tế, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhưng tỷ lệ phải nhập viện không quá cao.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn viện đang điều trị nội trú cho 81 bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong 3 tháng qua, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận từ 60 đến 80 bệnh nhân tới khám do có biểu hiện sốt. Trong đó, khoảng 60-70% là bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa số trường hợp tới khám sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của bệnh.

Tuấn Kiệt (14 tuổi, trú tại Hà Nội) được mẹ đưa tới bệnh viện thăm khám và phải điều trị nội trú sau khi sốt liên tục 5 ngày không dứt kèm tình trạng đau bụng. Trước đó, ở ngày thứ 3 của bệnh, gia đình cũng cho con cho xét nghiệm và xác định Kiệt mắc sốt xuất huyết. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân có thêm triệu chứng đau bụng dữ dội nên được đưa tới bệnh viện cấp cứu. May mắn, sang ngày thứ 6, Kiệt hạ sốt, thể trạng cải thiện.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện để điều trị nội trú. Song song với đó là khoảng 5-10 ca được chuyển lên từ tuyến dưới mỗi ngày. Thông thường, chỉ các bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai cần nhập viện điều trị. Trong khi đó, đa số trường hợp được chỉ định theo dõi và điều trị ngoại trú.

Dẫu vậy, một số trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến rất nặng. Tiêu biểu là ông P.V.B. (42 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) có tình trạng sốc nặng và phải đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng an thần, được theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực.

Diễn biến nặng nề hơn, ông N.D.Q. (82 tuổi, ở Hưng Yên) nhập viện sau khi sốt cao và liên tục đến ngày thứ 5. Trường hợp này có tiền sử cao huyết áp, tai biến mạch máu não. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân thậm chí đã phải lọc máu nhưng tiên lượng vẫn rất nặng, có nguy cơ tử vong.

Cùng lúc đó, tại khoa Khám bệnh, Phan Hùng (19 tuổi, trú tại Phú Thọ) cũng vừa được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết cùng triệu chứng phát ban đỏ điển hình. Trước đó, Hùng cho hay cũng bị chảy máu mũi, đau hốc mắt và sốt gần 39 độ C.

Theo bác sĩ, các triệu chứng của sốt xuất huyết thường rất khó chịu trong khoảng 3 ngày đầu sốt cao. Tuy nhiên, giai đoạn này lại ít nguy hiểm. Lúc này, khi tới khám tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được giải thích, theo dõi và hẹn khám lại từng ngày trong thời gian sau đó. Việc làm này có thể kiểm soát tốt nguy cơ diễn biến nặng do sốt xuất huyết.

Nguồn: Zing News

Tin mới