Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều ngày ngóng mỏi mắt không có một khách, chủ nhà hàng đóng cửa chờ hết dịch

(VTC News) -

Trước tình hình dịch COVID-19 kéo dài khiến ngành du lịch “đóng băng”, nhiều chủ nhà hàng, quầy lưu niệm ở Hội An quyết định chờ dịch qua đi mới mở cửa.

Cách đây vài ngày, chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam mở lại hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ. Cũng như nhiều lần trước tái diễn "điệp khúc" hết mở lại đóng cửa vì dịch COVID-19, thời điểm này, lượng khách tìm đến tham quan các điểm di tích hàng trăm năm tuổi ở Hội An "vắng tanh như chùa Bà Đanh".

Nhiều điểm di tích, tham quan ở phố cổ Hội An vắng bóng du khách.

Đóng cửa, trả mặt bằng

9h sáng, khu phố cổ Hội An vẫn chìm trong bầu không khí vắng lặng. Khung cảnh tấp nập với dập dìu du khách đã không còn hiện hữu ở phố cổ nằm nếp mình bên bờ sông Hoài chừng 1 năm nay, đặc biệt từ sau đợt dịch COVID-19 thứ 2 bùng phát (cuối tháng 7/2020), mà Quảng Nam và Đà Nẵng trở thành tâm dịch. Khi ấy, Hội An ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và địa phương này thuộc diện cách ly xã hội suốt gần 1 tháng.

Hầu hết các cửa hàng lưu niệm trong khu phố cổ đóng cửa im lìm.

Hôm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thảo Ly dậy thật sớm, đèo nhau bằng xe máy vào quầy lưu niệm chuyên kinh doanh quần áo, khăn choàng của gia đình trong khu phố cổ. Sau khi cùng chồng gói ghém đồ đạc cho vào thùng để vận chuyển về nhà ở ngoại ô thành phố, chị Ly chua chát khi nhắc đến một năm bầm dập do dịch COVID-19. 

Chị Ly kể, cách đây 10 năm, sau khi tích góp được số vốn kha khá, cùng vốn tiếng Anh đủ phục vụ cho việc giao tiếp với người nước ngoài, hai vợ chồng vào khu phố cổ và chọn thuê mặt bằng kinh doanh trên đường Trần Phú. "Từ ngày thuê được mặt bằng và rẽ hướng sang buôn bán quần áo, túi xách, khăn choàng trong khu phố cổ, kinh tế gia đình phất lên trông thấy. Ngoài cái ăn cái mặc thì hằng tháng còn có của dư gửi ngân hàng. Nào ngờ, đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến lượng khách tới tham quan, mua sắm ở Hội An sụt giảm và dần dà vắng bóng", chị Ly ngậm ngùi giãi bày.

Cũng theo chị Ly, nguyên một năm đóng cửa quầy lưu niệm vì không có khách, mỗi tháng chị vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng 40 triệu đồng. Khoản tiết kiệm trong ngân hàng từ đó cũng được vợ chồng chị rút ra đều đặn để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình và thanh toán tiền thuê mặt bằng.

"Ngoài buôn bán ế ẩm, nhiều đợt lũ dồn dập trong năm ngoái cũng khiến hàng hóa bị hư hỏng, gây thiệt hại nặng nề cho gia đình tôi. Sau nhiều tháng gần như thất thu, tôi bàn bạc với chồng rồi thương lượng với chủ nhà về việc xin trả mặt bằng trước thời hạn. Cũng may là chủ nhà đồng ý chứ nếu không thì chúng tôi không biết xoay đâu ra số tiền hàng chục triệu đồng để đắp vào khoản thuê mặt bằng hằng tháng nữa", chị Ly nói.

Một nhà hàng trên đường Bạch Đằng đóng cửa vì không có thực khách.

Không riêng gì vợ chồng chị Ly, gần một năm COVID-19 giáng một đòn chí mạng đến ngành du lịch, hàng trăm quầy kinh doanh hàng lưu niệm trên các tuyến đường như: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Bạch Đằng...đều cửa đóng then cài từ ngày này qua ngày khác. Không ít chủ cửa hàng vì buôn bán bế tắc đã xin trả mặt bằng trước thời hạn. 

Tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh cũng đang tiếp diễn ở nhiều nhà hàng trong khu phố cổ. Theo ghi nhận của PV VTC News, rất nhiều nhà hàng nổi tiếng ở Hội An nằm trên đường Nguyễn Phúc Chu, Bạch Đằng đã ngừng mở cửa phục vụ thực khách. Đơn cử như trường hợp của nhà hàng nằm trên đường Bạch Đằng (gần chợ Hội An). Đây là nhà hàng từng được du khách ưa chuộng bậc nhất khi đến tham quan phố cổ với mặt hướng ra phía sông rất đẹp. Tuy nhiên, từ nửa năm trở lại đây, nhà hàng này đã tháo dỡ bảng hiệu, dựng lưới rào bằng sắt, xếp chồng bàn ghế lên nhau và đóng cửa im lìm vì không có khách.

Mỏi mòn chờ khách

Từ sau Tết Nguyên đán 2021, cửa hàng lưu niệm số 63 Trần Phú bắt đầu tái hoạt động. Tuy nhiên, theo chị Mỹ Quyên (chủ cơ sở), việc kinh doanh trở lại không ngoài mục đích "đốt" thời gian. Bởi lẽ, lượng khách ghé mua sắm trong gần nửa tháng qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lượng khách tham quan khu phố cổ chỉ lác đác vài người.

"Ế lắm. Hôm nào cũng gần đứng trưa tôi mới dọn hàng ra bày bán. Nhiều ngày ngồi ngóng mỏi mắt vẫn không có một khách. Du khách tản bộ tham quan cũng lác đác vài người.

Cũng may đây là cơ sở của gia đình nên tôi không phải bỏ tiền để thuê mặt bằng, chứ không thì lâm cảnh khốn đốn. Mong sao dịch bệnh COVID-19 sớm được đẩy lùi để ngành du lịch hồi phục, Hội An lại đông khách như trước", chị Quyên bộc bạch.

Cũng mở cửa đón khách như chị Quyên nhưng chủ cửa hàng chuyên bán quần áo trên đường Lê Lợi đang đứng ngồi không yên vì khoản tiền thuê mặt bằng lên tới 50 triệu đồng/tháng.

Một nữ nhân viên làm việc tại đây cho biết, cửa hàng khai trương ngay thời điểm Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên mắc COVID-19. "Gần một năm qua, cửa hàng vẫn đều đặn mở cửa với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Tuy nhiên, ngoại trừ 2 ngày cuối tuần, còn lại những ngày khác rất vắng khách", nữ nhân viên này chia sẻ.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: "Ở Hội An, 90% nhà hàng, quầy lưu niệm phải đóng cửa và nhiều khách sạn không hoạt động vì vắng khách. Trước thực tế nhiều chủ cơ sở kinh doanh phải thuê mặt bằng nhưng buôn bán ế ẩm, Hiệp hội đã đề xuất việc giảm hoặc miễn chi phí thuê mặt bằng nhằm san sẻ khó khăn mà họ đang phải gồng gánh".

THANH BA

Tin mới