Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều kẻ giả danh Đài Truyền hình Việt Nam quảng cáo thực phẩm chức năng

(VTC News) -

Nhiều kẻ giả danh Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Công an để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.

Sáng 10/3, tại Hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022”, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cung cấp nhiều thông tin về tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo công dụng quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh.

Ông Phong cũng nêu nhiều trường hợp giả danh Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Công an, Quốc phòng, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, đài truyền hình địa phương.

Nhiều đơn vị sử dụng hình ảnh uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh. 

Nhiều đơn vị quảng cáo thực phẩm đưa thông tin khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

“Về kết quả xử lý trong năm 2020 và 2021, Cục An toàn thực phẩm với 7 cán bộ thanh tra của Cục đã xử lý 197 trường hợp vi phạm về quy định quảng cáo, với gần 4 tỷ đồng tiền phạt. Bên cạnh hình thức xử phạt tài chính, chúng tôi còn đăng tải công khai các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; buộc tháo gỡ các nội dung vi phạm.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể (375 đường link trong đó có 67 đường link Facebook)", ông Nguyễn Thanh Phong nêu.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ y tế phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Những năm gần đây, ngoài quảng cáo xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng do sự phát triển của KH-CN, còn xuất hiện quảng cáo trên mạng xã hội.

Việc đưa nội dung quảng cáo vào mạng xã hội chưa đúng gây bức xúc trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công an đã rất tích cực vào cuộc để xử lý các vi phạm đó và có nhiều quy định chặt chẽ, quyết liệt, tuy nhiên tình trạng này có giảm nhưng không đáng kể".

Để xử lý hạn chế tối đa các hành vi vi phạm, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh cần có sự cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành và các địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chân chính lành mạnh phát triển, đồng thời ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” tại Hà Nội.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các cơ quan quản lý, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... và các cơ quan ban ngành có liên quan. 

TRUNG DŨNG

Tin mới