Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhiều địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực

(VTC News) -

Tính đến ngày 27/6/2022, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. 

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 diễn ra tháng 12/2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tham nhũng đang "từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm," góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh ra mắt. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) cấp tỉnh; các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN,TC ở địa phương, cơ sở.

Tính đến ngày 27/6, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh gồm 15 thành viên, trong đó cơ cấu gồm 1 Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 9 ủy viên. Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh." Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần.

Riêng năm 2021, tất cả các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...

Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực."

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch; nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết; "chống chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ.

Kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. 

Trong 10 năm qua, đã có 8.445.300 lượt người kê khai tài sản (đạt 99,5%). Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra việc công khai, minh bạch tại 78.108 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh 1.068 đơn vị vi phạm.

Cả nước hiện có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động; hơn 90% giao dịch nộp thuế của doanh nghiệp được thực hiện qua ngân hàng; 42% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân.

Qua 10 năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.

Đặc biệt ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực. 

Các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Minh Đức

Tin mới