Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu gần đây cho biết khó nhập hàng và mức chiết khấu cũng đột ngột giảm khiến họ cầm chắc lỗ. Trước đây, chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe bồn chở tới tận nơi nhưng giờ thì tình hình đã khác, gọi và đặt hàng phải vài ba hôm mới có, lượng được mua cũng rất nhỏ giọt.
Thậm chí, theo phản ánh trên báo chí, nhiều cây xăng còn phải đóng cửa vì thiếu hàng.
Bên cạnh đó, mức chiết khấu (hoa hồng) trên mỗi lít xăng đang bị các doanh nghiệp đầu mối hạ xuống rất thấp, thậm chí bằng 0.
Nguyên nhân được cho là do các doanh nghiệp đầu mối đang găm hàng, chờ giá lên cao mới bán để bù cho phần lỗ sâu vài tháng trước.
Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phủ nhận cáo buộc găm hàng. Chia sẻ với báo chí, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn cam kết cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex và các đại lý đã ký hợp đồng kinh doanh.
“Các hợp đồng đã ký được Petrolimex đảm bảo hàng, không có chuyện thiếu", đại diện Petrolimex nói.
Trả lời VTC News ngày 26/5 về dấu hiệu khan hiếm xăng dầu trên thị trường, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương đã nắm được thông tin và chỉ đạo các Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh theo dõi sát tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời.
“Hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 có dấu hiệu giảm, đặc biệt sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu bị sụt giảm", ông Đông cho hay.
Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu cũng cho biết, đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu rất thấp, sau khi trừ đi chi phí thì lỗ.
Tuy vậy, ông Đông khẳng định tổng nguồn cung toàn thị trường không hề thiếu và cơ quan quản lý sẽ can thiệp để không xảy ra tình trạng không có xăng để bán.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó có phương án về nguồn hàng, từ sản xuất trong nước và nhập khẩu để đảm bảo nguồn cũng cho thị trường trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh bảo đảm nguồn cung xăng dầu nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt phải giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn và xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.