Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiệt độ châu Âu nóng nhanh nhất thế giới

(VTC News) -

Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và mưa lũ.

Theo báo cáo tổng kết hàng năm của các nhà khoa học tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khu vực châu Âu đã trải qua năm nóng nhất lịch sử vào năm 2023, cho thấy tương lai đáng báo động của lục địa vốn đang nóng lên nhanh nhất thế giới.

Châu Âu đã chứng kiến đám cháy rừng lớn nhất từng được ghi nhận vào năm ngoái, cũng như một trong những trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay.

Người dân chứng kiến vụ cháy rừng gần làng Sikorrachi, Alexandroupolis, Hy Lạp vào ngày 23/8/2023. (Ảnh: Bloomberg)

Châu Âu nóng lên nhanh nhất

Báo cáo cho biết năm 2023 là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu, gây ra bởi biến đổi khí hậu và kiểu thời tiết El Nino. Nhiệt độ khắc nghiệt đã làm tăng các đám cháy rừng trong khu vực. Diện tích rừng bị thiêu rụi trong năm ngoái bằng tổng diện tích của các thành phố London, Paris và Berlin cộng lại.

Trong đó, Hy Lạp ghi nhận đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay trong khối Liên minh châu Âu (EU), với 960 km2 bị thiêu rụi, tương đương gấp đôi diện tích vùng đô thị Athens của nước này.

Theo dữ liệu của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ nóng lên dẫn đến lượng mưa lớn. Toàn bộ châu Âu hứng chịu lượng mưa nhiều hơn khoảng 7% so với thông thường.

Vào tháng 8/2023, Slovenia bị lũ lụt tàn phá gây thiệt hại hàng tỷ euro, trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất đối với một quốc gia EU.

Khu vực thị trấn Ravne na Koroskem ở slovenia ngập sâu trong đợt lũ tháng 8/2023. (Ảnh: CNN)

Theo Samantha Burgess, Phó giám đốc Copernicus và là một trong những tác giả của báo cáo "Tình trạng Khí hậu Châu Âu", cho biết, báo cáo đã phác hoạ nên bức tranh đáng lo ngại đối với lục địa này, trong bối cảnh lượng khí thải carbon dioxide và methane trong khí quyển tiếp tục gia tăng, trong khi tốc độ nóng lên ở châu Âu đang ở mức khoảng 0,4 độ C mỗi thập kỷ, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

"Khi nhiệt độ không khí và nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn gia tăng, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn", bà Burgess nói. "Vì vậy, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến những kỷ lục khác cho đến khi ổn định được khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0".

Châu Âu được dự báo sẽ phải thích ứng với nhiệt độ cao hơn nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác, đặc biệt với những khu vực gần Bắc Cực, chẳng hạn như Greenland, đang nóng lên nhanh nhất.

Toàn bộ lục địa sẽ phải đối mặt với tình trạng nóng lên ở mức 3 độ C, ngay cả khi thế giới thành công trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến mức đó. Những tác động sẽ được thấy rõ rệt nhất ở các khu vực như dãy Alps, nơi các sông băng đã mất 10% thể tích còn lại trong hai năm qua.

Nhiệt độ ở một số khu vực ở châu Âu gần như lên tới 50 độ C trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt nắng nóng ngày 23/7/2023. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu)

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù khí nhà kính do con người tạo ra là yếu tố chính khiến nhiệt độ toàn cầu tăng, nhưng sự gia tăng bất thường của châu Âu một phần bởi dòng hải lưu và khí quyển ấm hơn. Trong khi đó, các quy định nhằm làm sạch không khí cũng loại bỏ các hạt phản xạ nhiệt khỏi bầu khí quyển trên khắp lục địa.

Năm 2024, châu Âu có thể ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi El Niño chuyển sang trạng thái trung tính hơn hoặc thậm chí là sự kiện La Niña mát hơn.

Thời tiết khắc nghiệt hơn cũng giúp thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo tiềm năng của châu Âu nhờ gió mạnh vào cuối năm và dòng chảy sông mạnh hơn cho thủy điện. Một lượng kỷ lục năng lượng sạch đã được sản xuất vào năm ngoái, với gần một nửa đến từ nguồn tái tạo.

Chương trình Copernicus sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu thủy, máy bay và trạm thời tiết trên toàn thế giới cho các dự báo hàng tháng và theo mùa. Cùng với Cơ quan vũ trụ châu Âu, Copernicus đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực trị giá 16 tỷ euro của EU để vượt qua biến đổi khí hậu thông qua dự báo chính xác. Đây là lần đầu tiên chương trình này hợp tác với Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cho ra báo cáo này.

Những báo cáo khoa học mới sẽ kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm khí thải trong và ngoài nước.

Hiện tại, EU đang đi chệch hướng trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải CO2 vào cuối thập kỷ. Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ nghiêng về các bên hoài nghi (hiệu quả) hành động chống biến đổi khí hậu trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 6 năm nay.

Hoa Vũ

Tin mới