Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà Trắng: Ông Biden kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân tại hội nghị G7

(VTC News) -

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc giải trừ vũ khí hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh G7.

Trả lời phỏng vấn Kyodo News hôm 17/5, người phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng Tổng thống Joe Biden "quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trong tương lai" và muốn tái khẳng định lập trường của mình sau khi đến Nhật Bản hôm 18/5.

Ông Biden muốn tiếp tục tầm nhìn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: CNN)

Theo người phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông Biden có kế hoạch đến thăm công viên tưởng niệm Hòa bình tại thành phố Hiroshima, gần nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nhật Bản vào năm 1945, để bày tỏ lòng "tôn kính và trân trọng" đối với những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom hạt nhân.

Ông John Kirby chô biết, Tổng thống Biden cũng sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 18/5 để tìm cách "cải thiện khả năng tương tác và hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực quân sự" cả trên không, trên biển, trên bộ và không gian mạng.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục đe dọa và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ngoài ra, theo kế hoạch, ông Biden cũng sẽ làm việc cùng với lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản để đảm bảo ba quốc gia có "khả năng phòng vệ chung".

Ông Kirby cho biết, Tổng thống Biden và lãnh đạo G7 cũng sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề bao gồm kinh tế, an ninh năng lượng và các cách hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden hôm 16/5 thông báo rút ngắn chuyến công du châu Á để về nước giải quyết vấn đề trần nợ công. Ông Biden sẽ đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7, không thăm Papua New Guinea và Australia như kế hoạch ban đầu.

Kông Anh

Tin mới