Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đội ngũ văn nghệ sĩ gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân.
NSND Lê Chức (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu đầu Xuân Mậu Tuất 2018.
“Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Tổng Bí thư căn dặn, văn nghệ sĩ đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình.
NSND Lê Tiến Thọ cho Tiền Phong biết ông may mắn được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần. Các cuộc gặp chủ yếu diễn ra vào thời điểm ông giữ chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là Chủ tịch Quốc hội.
Sau này, khi không còn là nhà quản lý nhà nước về văn hóa nữa, NSND Lê Tiến Thọ trở thành Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và tham gia Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Ở cương vị này, ông có thêm vài dịp được gặp Tổng Bí thư.
“Tôi nhớ nhất lần Tổng Bí thư đến thăm và làm việc với Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo). Tại cuộc gặp này, chúng tôi đã phát biểu, đề xuất đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền văn học nghệ thuật. Chính nhờ cuộc gặp này mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại trụ sở liên hiệp. Đến nay, tòa nhà vừa hoàn thành”, NSND Lê Tiến Thọ nêu.
NSND Lê Tiến Thọ khẳng định những chỉ đạo của Tổng Bí thư vô cùng cụ thể, quyết liệt để đưa liên hiệp ngày càng phát triển. Trong những dịp liên hiệp kỷ niệm ngày thành lập, Tổng Bí thư đều đến và phát biểu chỉ đạo. Điều này phần nào thể hiện sự quan tâm của Tổng Bí thư đến việc phát triển văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ.
“Tổng Bí thư luôn luôn quan tâm đến sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn học nghệ thuật là niềm tin của ông đặt vào văn nghệ sĩ chúng tôi, là động lực để chúng tôi hoạt động tích cực hơn nữa, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật theo đúng định hướng của Đảng”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
NSND Lê Tiến Thọ nhớ lại, trong đời sống Tổng Bí thư đối đãi rất mực thân tình, thường xuyên hỏi han, động viên những người làm nghệ thuật. “Tổng Bí thư từng vỗ vai tôi, gọi tên, hỏi thăm sức khỏe, công việc biểu diễn và kể rằng, ông vẫn nhớ vở tuồng đầy ấn tượng Nữ tướng Đào Tam Xuân. Khi nhận được câu trả lời rằng tôi đang nỗ lực, cố gắng bảo tồn vốn nghệ thuật cổ, truyền thống, Tổng Bí thư lại động viên chúng tôi cố gắng. Điều làm tôi bất ngờ là Tổng Bí thư vẫn nhớ được tên mình trong vô vàn công việc, sự quan tâm bộn bề của một nhà lãnh đạo”, NSND Lê Tiến Thọ nhớ lại.
Biết Tổng Bí thư quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, NSND Lê Tiến Thọ đã mời Tổng Bí thư đi xem vở chèo Ni cô Đàm Vân của tác giả Học Phi trong đợt kỷ niệm tác giả tròn 100 tuổi tại rạp Kim Mã (Hà Nội).
“Sau khi vở diễn kết thúc, Tổng Bí thư chúc mừng tác giả Học Phi và Nhà hát Chèo đã biểu diễn thành công vở, rồi lên sân khấu chụp ảnh với các nghệ sĩ”, NSND Lê Tiến Thọ kể.
Trong mắt nhiều văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo gần gũi, thân thiết. Điều này để lại cho văn nghệ sĩ ấn tượng về một người lãnh đạo ấm áp. Kể về kỷ niệm duy nhất khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, NSND Lê Chức (Lê Đại Chức) cho biết ông gặp Tổng Bí thư tại cuộc gặp mặt trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức năm 2018.
“Đây cũng là lần duy nhất tôi có cơ hội gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thời điểm đó, tôi là Phó Chủ tịch thường trực của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đại diện cho toàn ngành sân khấu tham dự”, NSND Lê Chức nhớ lại.
Ông kể sau khi kết thúc cuộc gặp, do còn tình cảm lưu luyến, ông đã xin được nói một câu với Tổng Bí thư và được Tổng Bí thư đồng ý.
“Thưa anh, những phim tài liệu về chính trị của Đảng, những phim về Hoàng Sa, Trường Sa, những phim lịch sử phần lớn do em đọc lời bình. Sau khi nghe tôi nói, Tổng Bí thư nhìn tôi và nhẹ nhàng nói rằng, nghe giọng đã nhiều năm mà nay mới được gặp”, NSND Lê Chức kể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghe những lời NSND Lê Chức nói về giọng đọc, giọng lồng tiếng phim và động viên: “Hãy giữ giọng và tiếng của anh cho đất nước”. Đây là kỷ niệm mà NSND Lê Chức nhớ mãi về lần đầu cũng như duy nhất khi gặp mặt, tiếp xúc với Tổng Bí thư.