Thị trường chung cư Hà Nội vừa trải qua "cơn sóng" tăng giá chưa từng có. Có thời điểm, giá chung cư đã qua sử dụng biến động theo từng ngày.
Theo dữ liệu từ Công ty PropertyGuru Việt Nam, từ tháng 12/2023, lượt tìm kiếm chung cư bắt đầu tăng trở lại, đến tháng 3 năm nay đã tiệm cận đỉnh của tháng 8/2023.
Tuy nhiên, sang tháng 4 vừa qua, mức độ quan tâm chung cư Hà Nội lại giảm 23% so với tháng trước.
Mặc dù vậy, giá rao bán chung cư Hà Nội không có dấu hiệu đi xuống. Trong tháng 4, phân khúc bình dân (dưới 30 triệu đồng/m2) tăng giá 12% so với tháng trước. Căn hộ trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) cũng tăng 5% và cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2) tăng 3%.
Giá chung cư quá cao khiến nhiều người phải tìm đến các căn hộ không sổ hồng có mức giá "mềm" hơn.
Nhà giá rẻ khan hiếm, nhiều người săn mua chung cư không sổ hồng. (Ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Tiến Thanh (Ba Đình, Hà Nội) có căn hộ chung cư không sổ hồng ở quận Hoàng Mai với diện tích 54m2 gồm 2 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh, đang rao bán giá 1,85 tỷ đồng. Anh Thanh mua căn hộ này từ năm 2019 của chủ đầu tư với giá 1,2 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm mua từ chủ đầu tư, hiện anh Thanh rao bán tăng 650 triệu đồng.
"Do cần tiền để làm ăn nên tôi quyết định rao bán căn hộ. So với nhiều căn chung cư tại khu vực này thì căn hộ của tôi có giá mềm hơn rất nhiều, khách khó tìm được căn hộ nào rẻ như vậy ở thời điểm này", anh Thanh cho hay.
Chủ căn hộ chia sẻ thêm rằng, hiện cư dân đã về ở khá đông đúc, ổn định. Còn về vấn đề pháp lý chưa có sổ hồng cho là do phía chủ đầu tư đang gặp một số vấn đề khó khăn từ nội bộ. Họ cũng hứa hẹn sẽ sớm làm sổ cho cư dân.
Anh Thanh cho hay, khách đến xem căn hộ của anh khá đông. "Rất nhiều khách thiện chí muốn mua và đàm phán giảm xuống từ 50-100 triệu đồng cho họ. Tuy nhiên, tôi vẫn cân nhắc", anh Thanh nói.
Chị Mai Thị Hà Anh (Hải Phòng) chia sẻ, hai vợ chồng chị làm công nhân một nhà máy may ở Hà Nội. Thu nhập hạn chế nên dù đã sinh sống ở Hà Nội hơn 10 năm nay, anh chị vẫn chưa thể mua được nhà.
Dành dụm và vay mượn họ hàng được 1,8 tỷ đồng, hai anh chị đành chấp nhận mua 1 căn hộ chung cư không sổ hồng tại đường Thanh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Căn hộ rộng 84m2, 2 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh, tuy chất lượng bình dân nhưng khu chung cư này khá thoáng đãng, giá tiền gần như rẻ nhất thị trường hiện nay.
Có điều chủ đầu tư vẫn chưa thể cấp được sổ đỏ do nợ thuế nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhiều cư dân vẫn giao dịch mua bán căn hộ tại đây bình thường.
Trên thị trường, thực tế hiện nay có khá nhiều tòa chung cư đã đi vào hoạt động nhưng chưa có sổ hồng. Những căn hộ tại các tòa này vẫn được giao dịch và người mua chấp nhận mua không sổ.
Xét về giá, các căn chung cư không sổ hồng sẽ có mức giá rẻ hơn so với những căn chung cư có sổ cùng khu vực. Do đó, nhiều người chấp nhận rủi ro và xuống tiền mua với mong muốn an cư.
Theo các chuyên gia, việc giá nhà tăng cao khiến nhiều người phải tìm đến các căn chung cư không sổ hồng cũng là chuyện dễ hiểu vì giá rẻ hơn thị trường. Tuy nhiên, loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - cho hay, nguồn cung căn hộ ngày càng đi xuống, đặc biệt là phân khúc bình dân, vừa túi tiền. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, chi phí vốn, nhân công,... ngày càng tăng cao kéo giá nhà mới cũng tăng.
"Không chỉ các chung cư mới, các chung cư đã qua sử dụng thời gian qua cũng tăng giá mạnh. Song, thực tế việc mua chung cư chưa có sổ đỏ/sổ hồng có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, trước khi xuống tiền, người mua nhà cần cân nhắc kỹ tới yếu tố pháp lý", ông Đính nói.
Đồng quan điểm, ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh, cũng nhận định, giá nhà liên tục tăng cao nên các căn hộ có giá 20 - 25 triệu đồng/m2 gần như không còn, dù đã qua sử dụng hàng chục năm.
Chính vì thế, những căn hộ chưa có sổ hồng được bán với giá rẻ hơn từ vài trăm tới cả tỷ đồng sẽ là lựa chọn của những khách hàng tài chính hạn hẹp. Do vậy, các căn chung cư không sổ và có giá rẻ cũng rất dễ bán lại.
Tuy nhiên, mức giá rẻ có đi kèm với những rủi ro nhất định, đồng thời do pháp lý chưa hoàn chỉnh nên có hạn chế là người mua không thể sử dụng làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, khi công chứng thì hai bên phải xuất trình hợp đồng mua bán lần gần nhất và quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư. Bởi có một số trường hợp sẽ bị vô hiệu hóa nếu như bỏ qua xác nhận của chủ đầu tư.
Người dân cần nắm rõ những thông tin này trước khi quyết định mua căn hộ chung cư không có sổ hồng.