Ngày 8/3, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức buổi nói chuyện tưởng nhớ nhà báo Nhật Bản Takano Isao - người đã anh dũng hy sinh tại Lạng Sơn năm 1979 khi đang làm nhiệm vụ.
Sinh thời, Takano Isao là sinh viên Khoa Tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1967 đến năm 1971.
Trong 36 năm cuộc đời, Takano Isao đã dành trọn 12 năm gắn bó với Việt Nam. Anh dành cho tiếng Việt và con người Việt Nam một tình yêu đặc biệt, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của đất nước.
Takano (đứng thứ 3 từ trái sang) tại chiến trường biên giới. (Ảnh trưng bày tại sự kiện)
Hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, anh là người Nhật duy nhất nằm lại chiến trường biên giới phía Bắc. Tấm bia tưởng niệm anh hiện đang được đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, nơi hàng ngàn liệt sĩ Việt Nam đã ngã xuống, hy sinh vì Tổ quốc...
Takano Isao sinh năm 1943 tại Kobe, Nhật Bản, xuất thân là một công nhân xí nghiệp điện lớn ở Tokyo. Khi gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản, Takano trở thành nhà hoạt động phong trào thanh niên sôi nổi. Anh là cán bộ công đoàn, đồng thời cũng là phóng viên báo Akahata. Anh có nhiều năng khiếu đặc biệt như hát, bơi lội, sửa chữa kí cụ điện. Mọi người nhắc đến Takano như một người thanh niên năng động và sống tình cảm.
Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp năm 1971. Ngôi trường này cũng chính nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, quãng thời gian anh sống và làm việc với đầy nhiệt huyết, khí thế của tuổi trẻ.
Cây vú sữa Takano trồng khi đang là sinh viên Khoa Tiếng Việt, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Ảnh trưng bày tại sự kiện)
Chính vì vậy, trải khắp đất nước hình chữ S là bước chân anh, từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cho đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Tháng 2/1978, trong vai trò là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Takano đã nỗ lực tìm mọi cách để có mặt sớm nhất ở Lạng Sơn khi chiến tranh biên giới nổ ra.
Ngày 7/3/1979, loạt đạn định mệnh bên kia sông Kỳ Cùng đã cướp đi sinh mạng của người phóng viên trẻ ấy. Anh thanh niên Takano chẳng sợ chết khi đó cứ lao thẳng vào làn mưa đạn của quân Trung Quốc nhằm chụp cho bằng được những bức ảnh ghi lại sự ác liệt của trận chiến, bởi với anh, đó là bằng chứng chống lại cái ác, sự dã man của quân xâm lược.
Takano (đeo kính, ngồi hàng đầu) trước khi hi sinh ở Lạng Sơn. (Ảnh trưng bày tại sự kiện)
Đoạn anh ngã xuống khi bị trúng đạn, trước mặt người đồng chí Việt Nam tên Nông Văn Đuồng, tay vẫn cầm chặt máy ảnh. Cuộc đối thoại giữa ông Đuồng và Takano lúc bấy giờ được kể lại như thế này:
- Takano đến tận Việt Nam, đi vào nơi đạn pháo làm gì?
- Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghia và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa!
- Nếu nhỡ hy sinh thì sao?
- Hy sinh tất nhiên vì sự nghiệp!
Buổi tưởng nhớ Takano Isao tháng 10/2018 do bạn bè và người mến mộ Nhật Bản tổ chức. (Ảnh trưng bày tại sự kiện)
Bốn mươi năm đã trôi qua, linh hồn thanh cao của người phóng viên trẻ Takano dường như vẫn còn ở lại với mây trời Lạng Sơn, nơi anh đã vĩnh viễn từ biệt cuộc đời, để lại người vợ và cô con gái nhỏ.
Máu của Takano đã hòa cùng máu của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa.
Chính những bài báo, những hình ảnh đi cùng năm tháng, vẫn còn chứa trong đó là hơi nóng nơi chiến trường của an đã khiến những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
Một trong những tấm hình cuối cùng nhà báo Nhật Bản Takano Isao chụp trước lúc ngã xuống nơi mảnh đất Lạng Sơn khói lửa ác liệt. (Ảnh trưng bày tại sự kiện)
"Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta". Đó là lời nhắn nhủ cuối cùng ủa Takano Isao trước khi anh ngã xuống. Câu nói ấy bộc lộ một trái tim chân thành, một dũng khí quyết liệt còn vang vọng mãi như một tấm gương, một bài học đang khâm phục về nhân cách và lẽ sống của một nhà báo, một trí thức thời hiện đại.
Với tình yêu tiếng Việt, nhà báo Takano Isao đã dịch hai tác phẩm ra tiếng Nhật: Áo trắng (tựa tiếng Nhật: Shiroi fuku) của nhà văn Nguyễn Văn Bổng và truyện ngắn Mẹ vắng nhà (tựa tiếng Nhật: Kaasan wa orusu) của nhà văn Nguyễn Thi.
Bên cạnh đó, cuốn sách Mẹ vắng nhà được họa sĩ nổi tiếng Iwasaki Chihiro (1918-1974) vẽ tranh minh họa và phát hành tại Nhật Bản vào năm 1972.
Tập Nhật ký Lạng Sơn ngày 7 tháng 3 về chiến tranh biên giới của Takano cũng đã được tái bản ngay sau 3 tháng phát hành.