Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyễn Văn Trường: Cú nhảy vọt thẳng tiến châu Á của ngôi sao U20 Việt Nam

(VTC News) -

Trong vòng một năm kể từ sau siêu phẩm ghi bàn ở khoảng cách 60 mét, Nguyễn Văn Trường tiến bộ chóng mặt để trở thành tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Việt Nam.

Trong căn nhà khang trang mới được tu sửa cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Văn Trình dành riêng một góc của phòng khách để bày một đôi giày bóng đá sờn da, vẫn còn bám đất và cỏ. Đó là đôi giày đã cùng cậu con trai của ông – tuyển thủ U23 Việt Nam Nguyễn Văn Trường – tạo nên bàn thắng để đời ở trận chung kết U19 quốc gia 2022. 

“Đôi giày này là Trường dùng để ghi siêu phẩm ở trận chung kết giải U19. Xong trận là đem về cất ở nhà luôn”, ông Trình chia sẻ với một nụ cười đầy hãnh diện.

Siêu phẩm sút xa hơn 60 mét ghi bàn của Nguyễn Văn Trường.

Cú sút từ sân nhà làm tung lưới đối thủ giúp U19 Hà Nội đăng quang chức vô địch quốc gia là khởi đầu cho một năm thăng tiến vượt bậc của Nguyễn Văn Trường. Báo giới không gọi con trai ông Trình bằng một cái tên chung chung là “cầu thủ U19 Hà Nội” nữa. Cái tên Nguyễn Văn Trường đã được đông đảo người hâm mộ cả nước, thậm chí là trên phạm vi châu Á, biết đến.

Cậu bé ôm bóng nhựa ngày nào bây giờ là tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Việt Nam.

Cũng trong căn phòng khách, ở vị trí dễ nhìn nhất là một tấm giấy khen đã ố vàng. Đó chính là phần thưởng cho thành tích đầu tiên trong hành trình đi đá bóng của Nguyễn Văn Trường, ở đội U11 Hưng Yên.

Giống như cách trả lời phỏng vấn đầy dí dỏm và tự nhiên trên sóng truyền hình, cách Văn Trường bộc lộ tình yêu với trái bóng cũng rất đơn giản: “Đến là đón, gặp là đá”. Ngay từ lúc chạy chưa vững, Trường đã quấn lấy trái bóng như món đồ chơi quý giá nhất.

Cầm trên tay tấm hình con trai khi chưa đầy 2 tuổi với trái bóng nhựa trên tay, ông Nguyễn Văn Trình kể lại: “Hồi Trường hơn 1 tuổi đã thích cầm quả bóng rồi. 3 tuổi sang đá bóng với chú hàng xóm, nhiều lúc bị bóng bay vào mặt đấy nhưng không chịu dừng lại. Đến khi bắt đầu đi học thì hay trốn bố mẹ ra sân trống gần nhà. Bố mẹ mắng vẫn cứ trốn đi đá bóng thôi”.

Cuối cấp một, Văn Trường thi đấu giải học đường của tỉnh Hưng Yên. Chỉ sau 2 trận, cậu bé với vóc dáng nhỏ con lọt vào mắt xanh của HLV đội nhi đồng tỉnh Hưng Yên. Đang có suy nghĩ để con đá cho vui, bỗng nhiên, bố mẹ Văn Trường đứng trước một lời đề nghị bất ngờ.

Bố mẹ Nguyễn Văn Trường kể lại từng kỷ niệm trên hành trình bóng đá của con trai qua các bức ảnh.

Ông Nguyễn Văn Trình kể lại: “Năm ấy, tôi đi cùng cô giáo và các phụ huynh khác để xem Trường đá. Đá đến trận thứ hai thì thầy ở sở giáo dục ra hỏi chuyện. Thầy xin cho cháu xuống tỉnh tập luyện với đội của thành phố Hưng Yên. Ban đầu, tôi không muốn cho con đi”.

Sau đó vài ngày, nhà trường gửi công văn đến tận nhà xin gia đình cho Văn Trường lên tập thử ở đội bóng nhi đồng của thành phố Hưng Yên.

“Tôi nói với Trường là bé như thế này thì đi đâu, nhưng con vẫn nhất quyết không ở nhà, phải đi bằng được”, ông Trình nhớ lại. Bắt đầu từ đó, cậu con trai của đi ở nội trú tập thể, cách nhà hơn 40 cây số. Lịch trình mỗi ngày là sáng đi học, chiều tập bóng dá.

Ông Trình kể tiếp: “Trường chưa bao giờ xin về cả. Nhiều lúc than “mệt quá bố ơi”, nhưng lúc hỏi về không thì dứt khoát không”. Có một lần khi mới ra đội được chừng nửa tháng, Trường gọi điện về cho mẹ lúc nửa đêm, kêu nhớ nhà.

Bà Đàm Thị Thùy, mẹ của Văn Trường kể lại: “Tôi khuyên con về, mai bố mẹ xuống đón nhưng Trường lại nói thôi, con không nhớ nữa đâu, bố mẹ và các chị xuống thăm là được.

Có lần thi đấu ở tỉnh Hưng Yên, gia đình cũng đi xem. Khi thấy bạn vào bóng làm Trường nằm lăn ra sân, tôi định nhảy vào, nhưng mọi người cản lại. Nhìn con như vậy thì rất thương.

Một lần khác, tháng 7/2014 đi vào Cần Thơ thi đấu. Lúc con về, mình không cầm được nước mắt. Nhìn con vừa gầy, vừa đen, chỉ được hơn 20 cân, tôi nói với con: “Về đi. Mẹ không chịu được nữa đâu”, nhưng con nói vẫn phải cố chứ không được khóc đòi về như các bạn”.

Tại Hưng Yên, phong trào bóng đá trẻ chỉ dừng ở cấp độ nhi đồng với đội U13. Sau khi Văn Trường lên cấp 2, bố mẹ của cậu lại đứng trước lựa chọn khó khăn: Đưa con về tập trung học hành hay tiếp tục con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Băn khoăn của bố mẹ Trường xuất phát từ học lực không tồi chút nào của con trai. Văn Trường thông minh, được các cô giáo đánh giá có tố chất trong việc học tập, đặc biệt là môn toán. Trường có tư duy tốt, tiếp thu rất nhanh. Đặc biệt là ngoài bóng đá, cậu học sinh này còn thích chơi cờ tướng, thắng cả các chú các bác.

Vốn dĩ sự nghiệp cầu thủ ở Việt Nam thường bấp bênh, nhiều khó khăn và cả may rủi, dễ hiểu khi bố mẹ Văn Trường phân vân. Tuy nhiên, sự quyết tâm và nhất quán của con trai đã thuyết phục được các vị phụ huynh.

“Sau khi hết tuổi nhi đồng, ai đá tốt sẽ được các thầy ở đội Hưng Yên giới thiệu lên nhà thi đấu Gia Lâm. Lúc ấy bố mẹ lại can ngăn, không cho đi nữa, nhưng Trường không thay đổi ý định”, ông Trình kể lại. Vẫn là câu nói như ngày đầu khiến ông phải gật đầu: “Con không ở nhà đâu. Con đi”.

Đôi giày Văn Trường dùng khi lập siêu phẩm để đời ở giải U19 Quốc gia được trưng trong phòng khách làm kỷ niệm.

So với lứa tuổi nhi đồng, bước chân đến “lò đào tạo” Gia Lâm là trải nghiệm hoàn toàn khác. Đó là nơi các cầu thủ trẻ phải chiến đấu bằng tất cả ý chí và sự nỗ lực. Họ phải vượt qua quá trình sàng lọc, thử thách vô cùng khắt khe.

Dù vậy, đối với Văn Trường, đó đơn giản chỉ là một bài tập toán. Những khó khăn, chấn thương không thể đánh gục niềm đam mê với trái bóng của Văn Trường.

“Khi ở Gia Lâm, Trường tập luyện nhiều ở sân cỏ nhân tạo, chân rộp hết cả lên, đi không nổi. Có một thời gian bạn phải cõng vào trường để học. Về nhà bố mẹ phải tìm thuốc, cao dán để hút mủ ở chân ra. Nhìn con thương lắm.

Sáng thì bạn cõng vào lớp, lúc về bố lên đón bạn lại cõng ra. Dù vậy nhưng Trường quyết tâm lắm, không bao giờ xin về. Chỉ có cuối tuần, khi các thầy cho về tôi mới lên đón con”, Ông Trình kể.

Nguyễn Văn Trường là một trong những cầu thủ nổi bật của U20 Việt Nam được HLV Philippe Troussier gọi lên đội U23.

Các cầu thủ trẻ phải đánh đổi những năm tháng trên ghế nhà trường để đổ mồ hôi trên sân cỏ. Nếu không thành công, một tương lai bất định sẽ chờ đợi các em ở phía trước.

Ông Trình trăn trở: “Có lần thấy con hơi bé so với các bạn cũng dò hỏi xem có đá được không. Trường nói chắc nịch là bác sĩ bảo con phải cao 1m80. May là bây giờ cũng được như thế thật. Sau khi chuyển đến Mỹ Đình ăn tập, Trường mới bắt đầu lớn nhanh. Trước đó khá gầy và thấp.

Thầy nói với mình là con chơi tốt nhưng về cũng không dám kể. Có nhiều bố mẹ hôm đó phải ra về thất vọng, vì thầy nói là con họ không đá được. Bước ra khỏi phòng, nhiều người khóc mếu, mình cũng phải động viên, để cho các em học nốt, đến 18 tuổi có cái bằng thì về địa phương làm việc hoặc nhập ngũ. Đợt đó, trong 7-8 bạn giới thiệu lên Mỹ Đình chỉ có 2-3 bạn được thôi, trong đó có Trường”.

Lo lắng nhiều nhưng tấm lòng cổ vũ cho Văn Trường của gia đình cũng chẳng bao giờ thiếu. Một trong những cột mốc đánh dấu sự chuyển biến trong sự nghiệp của Văn Trường chính là việc anh được HLV Gong Oh-kyun lựa chọn lên U23 Việt Nam dự giải vô địch U23 châu Á 2022. Ngày Văn Trường nhận được cuộc điện thoại triệu tập là kỷ niệm không thể quên với cả gia đình.

Bà Thùy kể lại: “Hôm đó là được nghỉ sau giải U19, cả nhà đang chuẩn bị làm cơm liên hoan, tầm 9-10h đang nhặt rau thì con chạy ra khoe được thầy gọi lên U23 rồi. Cả nhà phấn khởi lắm”.

Lúc ấy, chắc hẳn Văn Trường và gia đình cũng chẳng thể biết được chuyện HLV Gong Oh-kyun chỉ mất 5 phút để nhìn ra tài năng của cầu thủ gốc Hưng Yên. Khi ấy, vị chiến lược gia người Hàn Quốc mới đến Việt Nam, ông không có nhiều thời gian để chuẩn bị nên chỉ có thể xem qua video.

Nguyễn Văn Trường ghi bàn giúp U20 Việt Nam đánh bại U20 Qatar ở giải châu Á.

HLV Gong từng kể: “Thú thực, tôi rất bận với công việc của mình nên phải cố gắng gói gọn thời gian. Trong 5 phút xem video ấy, tôi kịp nhìn ra Văn Trường và Văn Khang có tố chất đặc biệt có thể tiến bộ”.

Không phụ lòng HLV Gong Oh-kyun, cả Văn Trường và Văn Khang đều thi đấu rất tốt tại VCK U23 châu Á 2022. Sau đó, họ trưởng thành nhanh chóng.

Một năm sau bàn thắng để đời ở trận chung kết U19 quốc gia, mọi thứ tiến triển như một giấc mơ với cậu con trai ông Trình, bà Thùy. Mới 19 tuổi, Nguyễn Văn Trường nổi như cồn khi đá giải châu Á ở cấp độ U20, U23. Ở một địa phương “trắng” bóng đá như Hưng Yên, Văn Trường rõ ràng là một niềm tự hào của gia đình. Từ một bãi đất trống tại thôn Như Phượng Thượng đến những trận đấu đỉnh cao của bóng đá trẻ, Văn Trường thực sự đã tiến một bước dài bằng bản lĩnh của mình.

Giang Nguyễn

Tin mới