Không lương bổng, không chế độ đãi ngộ nhưng suốt 17 năm qua, không một ngày nào soạn giả Đức Hiền vắng mặt tại khu dưỡng lão. Ông vẫn luôn gắn bó và nhiệt huyết với công việc trông nom, chăm sóc những nghệ sĩ lão thành sống trong khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.
Với tính cách ôn hòa, tinh thần cống hiến cho nghệ thuật từ trẻ, soạn giả Đức Hiền hoạt động nhiều hội văn nghệ, nhiệm vụ nào chỉ cần bản thân làm được, ông đều đồng ý tham gia. Chia sẻ với phóng viên VTC News về quãng thời gian gắn bó với khu dưỡng lão nghệ sĩ, soạn giả Đức Hiền bày tỏ ông chưa bao giờ cảm thấy hối hận hay oán trách với những khó khăn ông đã trải qua. Đối với ông, đó là niềm hạnh phúc của "người ăn cơm Tổ".
Không lương bổng, không chế độ đãi ngộ nhưng suốt 17 năm qua, không một ngày nào soạn giả Đức Hiền vắng mặt tại khu dưỡng lão.
Soạn giả Đức Hiền tên thật là Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1947 tại An Giang. Ông lớn lên trong gia đình nổi tiếng về đờn ca tài tử, cha của ông là nghệ nhân đờn kìm Hai Minh.
Trong giới cải lương, ông là nhà soạn giả nổi tiếng và quen thuộc khi sáng tác hơn 100 vở cải lương, nhiều bài ca vọng cổ được dàn dựng trên sân khấu và truyền hình.
Soạn giả Đức Hiền là thành viên thường trực của Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM. Năm 2007, sau khi về hưu ông được phân công làm quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ tại Quận 8.
Thấm thoát đã qua 17 năm, soạn giả Đức Hiền cho rằng công việc quản lý này không phải là công việc đơn giản. Ngoài trách nhiệm công việc, người quản lý ở đây yêu cầu nhiều nhất chính là cái tâm dành cho những người nghệ sĩ đã qua thời vàng son.
“Tôi cảm thấy thương xót cho hậu vận của người nghệ sĩ. Họ từng giàu hơn nhiều người, đi xe hơi, ở nhà lầu nhưng do lối sống quá phóng khoáng thời trẻ, không lo nghĩ cho tương lai nên về già thành ra cơ nhỡ, cô độc”, ông tâm sự.
Trong mắt các nghệ sĩ sống tại đây, soạn giả Đức Hiền không chỉ là người quản lý mà còn là người thân. Ông quan tâm mọi người từ bữa ăn, giấc ngủ và cũng là chiếc phao cứu sinh khi trái nắng trở trời, đau ốm bất chợt. Ông thật lòng chia sẻ, làm quản lý ở đây phải “chiều nghệ sĩ hơn cha mẹ”.
Công việc đều đặn của ông mỗi ngày trong gần 20 năm qua theo một lịch trình không thay đổi: “Cứ 6h sáng mỗi ngày tôi đã có mặt ở đây. Việc đầu tiên là tôi đi một vòng để thăm hỏi tình hình sức khỏe của tất cả mọi người. Sau đó lo cho mọi người ăn sáng. Nếu không có công việc gì phát sinh ở khu dưỡng lão tôi sẽ đi lo công việc riêng của mình”.
Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm khiến mọi người càng thêm thiện cảm với người đàn ông được gọi là "người vác tù và hàng tổng" của các nghệ sĩ nghèo.
Soạn giả Đức Hiền cho biết những hạn chế, thiếu thốn tại nơi đây cũng khiến người quản lý như ông phải nặng lòng. Không chỉ về mặt vật chất mà cả đời sống tinh thần, khi khán giả dần quên đi họ hay đồng nghiệp cũng ít ghé thăm vì sức khoẻ, lo chuyện cơm áo gạo tiền. Để những nghệ sĩ ở đây không cảm thấy tủi thân, chạnh lòng thì người quản lý già càng cố gắng chăm lo, quan tâm nhiều hơn.
Thế nhưng, việc chăm lo cho nghệ sĩ cũng không phải công việc đơn giản bởi trong tập thể 9 người 10 ý.
Ông nói: “Những nghệ sĩ sống nơi đây cũng từng là bầu gánh, từng có cuộc sống vàng son nên cũng sẽ có nhiều vấn đề phát sinh. Nhưng tôi ghi nhớ họ là nghệ sĩ, những người có máu nghệ thuật nên tôi phải chịu đựng và lưu ý mỗi người một tánh, không ai giống ai, phải biết để chiều lòng. Căng thẳng hay nguyên tắc quá sẽ không được. Đôi khi tình cảm của cô chú nghệ sĩ dành cho nhau dưới mái nhà này đôi lúc sẽ có những chuyện không vừa ý nhau, nhưng khi hữu sự đều rất thương nhau”.
Nhiều người nhìn vào hành trình của ông và cảm thán “chỉ có người tốt mới có thể bền bỉ đến vậy” nhưng ông vẫn luôn từ chối những lời khen ngợi ấy. Ông không nghĩ mình người tốt hay thích làm từ thiện, ông quan niệm làm ở đây bằng cái tâm của mình và tin vào nhân quả.
“Hoàn cảnh lúc ấy đưa đẩy, Tổ nghiệp xui khiến để tôi làm công việc này. Nhưng tôi gắn bó với công việc này hoàn toàn đến từ cái tâm. Tôi làm việc rất hăng say, chỉ cần làm được điều tốt là tôi đều chấp nhận, dù rằng có chuyện buồn, chuyện vui nhưng tôi vẫn cắn răng chấp nhận. Hàng ngàn cuộc gọi lúc nửa đêm, một công việc không lương bổng, không một ngày nghỉ”.
Ông bày tỏ mình là người may mắn bởi có thu nhập từ việc sáng tác. Là soạn giả của hàng 100 vở cải lương, ông sống bằng thu nhập từ tiền tác quyền. Nhờ như vậy ông mới có thể cống hiến cho công việc “không công, không danh” này.
“Nếu cuộc sống khổ sở, khó khăn tôi cũng không thể toàn tâm cống hiến như 17 trong suốt mấy chục năm qua”, ông chia sẻ thêm.
‘Người vác tù và hàng tổng’ bật khóc khi nhắc đến việc chia tay các nghệ sĩ ở khu dưỡng lão, kết thúc 17 năm "chiều chuộng nghệ sĩ" hơn cha mẹ mình.
Theo kế hoạch của các cơ quan quản lý, sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, vào ngày 27/2, 6 nghệ sĩ hiện đang sống tại đây là Diệu Hiền, Ngọc Đáng, Hoa Tranh, Ngọc Bê, Lam Sơn và Đặng Thị Xuân sẽ chuyển sang sống tại Viện dưỡng lão Thị Nghè, chính thức đóng cửa khu dưỡng lão Quận 8.
Việc này cũng đồng nghĩa soạn giả Đức Hiền kết thúc nhiệm vụ quản lý khu dưỡng lão sau 17 năm gắn bó. Khi nhắc đến việc phải chia tay những nghệ sĩ tại nơi đây khi họ sang nơi ở mới, soạn giả Đức Hiền không khỏi xúc động. Ông nói trong nước mắt: “Ở chung với nhau lâu, ai cũng thấy mến nhau nên khi phải chia xa cảm thấy rất quyến luyến, bùi ngùi… Nhưng qua nơi khác cô chú sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, có đủ điều kiện y tế, đội ngũ chăm lo cho cô chú hơn ở đây”.
Ông bối rối khi nghĩ đến việc phải thay đổi thói quen gần 2 thập kỷ qua. Ông cho biết, sau khi thu xếp cho các nghệ sĩ về “nhà mới” ở Viện dưỡng lão Thị Nghè, ông sẽ sang làm việc tại nhà thờ Tổ sân khấu ở 33 Cô Bắc (Quận 1, TP.HCM). Mặc dù nhận được đề nghị về cùng viện dưỡng lão nhưng ông từ chối vì nơi mới đó đã có đầy đủ nhân lực và quản lý.
Làm công việc người quản lý, nhưng ông cũng là một người bạn, chứng kiến mọi biến cố, mất mát nơi đây. Đồng thời, ông cũng là người phải lo hậu sự cho nhiều nghệ sĩ nhất.
Người quản lý già nghẹn ngào: “Tôi bị nhói tim mỗi khi nhắc đến những sự ra đi lần lượt của các nghệ sĩ ở nơi này. Ở chung với nhau trong một mái nhà, nên mỗi khi có cô bác nào ra đi tôi đều rất buồn, buồn như mất đi một người thân, một người ruột thịt của mình vậy. Gần đây nhất là sự ra đi của chị Lệ Thẩm khiến tôi đau xót”.
Không chỉ chăm lo cho các nghệ sĩ trong khu dưỡng lão, soạn giả Đức Hiền còn là người đồng hành trong các chương trình hỗ trợ các nghệ sĩ nghèo của TP.HCM.
Soạn giả Đức Hiền bất ngờ tiết lộ, trong những năm tháng làm việc tại đây, ông đã viết xong kịch bản cải lương mang tên “Nắng ấm chiều đông”. Ông chia sẻ: “Nội dung vở cải lương nói về những mảnh đời nghệ sĩ sống ở viện dưỡng lão. Tuổi xế chiều người nghệ sĩ trải qua ở nơi này là những năm tháng nhiều sự buồn bã, lạnh lẽo. Nhưng khi có người ghé thăm, họ giống như cây non gặp ánh dương, niềm vui ấy sưởi ấm tâm hồn người nghệ sĩ cô độc”.
Năm nay là cái Tết cuối của khu dưỡng lão nghệ sĩ nên dịp cuối năm, nhiều mạnh thường quân đến gặp gỡ, tặng quà cho các nghệ sĩ nghèo, mong mọi người sẽ có một cái Tết tương đối đủ đầy.
“Nhưng có lẽ vì biết sắp phải rời xa nơi này nên năm nay mọi người không còn vui như trước, ai cũng bùi ngùi, trầm mặc. Tôi đã cố gắng tạo không khí để mọi người vui vẻ hơn nhưng thật khó…”, soạn giả Đức Hiền bùi ngùi chia sẻ.