Vì nước lũ, Avery Dull cùng con gái đã phải rời khỏi căn hộ ở Hendersonville, Bắc Carolina, đến ở nhờ nhà bạn bè cách đó khoảng 2 giờ lái xe. Nước dâng lên ban công tầng hai nhà Dull và cô đã đăng video quay lại khoảnh khắc này lên TikTok cá nhân. Giống như nhiều người khác, trong thời gian bão diễn ra, Dull chủ yếu lên mạng nghe ngóng.
"Thường thì tôi đi ngủ lúc 10 giờ tối. Nhưng khi có bão, phải đến 3 giờ sáng tôi mới ngủ được. Tôi thức cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm càng nhiều thông tin càng tốt".
Bão Helene gây thiệt hại nặng nề ở một số tiểu bang phía đông nam nước Mỹ.
Sau khi sơ tán, Dull vào xem các video trên TikTok để cập nhật thông tin về những người xung quanh.
"Đây là quê hương tôi. Và tôi đã tận mắt nhìn thấy những nơi nước ngập đến mái nhà, những điều tôi chưa từng hình dung nổi. Tôi thường đi bộ trên những con phố đó. Giờ tất cả chìm trong nước".
Cô liên tục theo dõi thông tin cập nhật về số người chết. "Tôi muốn biết liệu có người thân nào bị ảnh hưởng không, tôi mong họ còn sống và khỏe mạnh. Mỗi lần tôi cập nhật, con số lại tăng lên, khoảng năm người".
Trong hoàn cảnh thiên tai, khi các phương tiện thông tin liên lạc có thể bị gián đoạn, những người như Dull rất cần các nguồn thông tin đáng tin cậy. Nhưng khi tìm đến các phương tiện truyền thông xã hội, cô không nhận được nhiều kết quả hữu ích.
Ví dụ trên X, trước đây gọi là Twitter, những tin đồn mang tính chính trị sau bão Helene đang lan truyền tự do. Các nhà nghiên cứu quản lý tình trạng khẩn cấp than thở rằng nền tảng do Elon Musk sở hữu, vốn từng được coi là nguồn thông tin hữu ích trong thảm họa, thay vào đó lại góp phần gây ra hỗn loạn sau thảm họa Helene.
Vẫn còn nhiều nơi bị gián đoạn điện nước và thông tin liên lạc.
Cơn bão tấn công hai tiểu bang được coi là "bang dao động" chỉ một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Có thể vì như vậy nên những ý kiến chỉ trích cách chính phủ phản ứng sau bão trở thành một cách tấn công chính trị hấp dẫn.
Trên X, các kết quả hàng đầu cho "Helene" có hàng triệu lượt xem nhưng những bài viết này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.
"'Viện trợ 2,4 tỷ USD cho Ukraine' so với 'Không còn viện trợ cho bão Helene' - dù chỉ cách nhau 3 ngày", tài khoản ủng hộ cựu Tổng thống Trump End Wokeness viết, đính kèm đoạn video clip về bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden. Bài viết có hơn 5 triệu lượt xem.
Thực tế, ông Biden đã trả lời "không" khi được hỏi liệu có thêm nguồn lực liên bang phục vụ cứu trợ thiên tai hay không. Ông nói rằng chính quyền địa phương thậm chí vẫn chưa yêu cầu dùng những gì đã được phân bổ. Trong video, ông Biden cũng nói rằng chính phủ liên bang đã lên kế hoạch trước cho hoạt động cứu trợ bão ngay cả trước khi các tiểu bang yêu cầu viện trợ thiên tai.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó cho rằng đảng Dân chủ đang cắt giảm viện trợ cho các khu vực của đảng Cộng hòa. Ông Trump cũng tuyên bố rằng Thống đốc Georgia Brian Kemp không nói chuyện được với ông Biden, mặc dù cả hai đều xác nhận họ đã nói chuyện với nhau.
Không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ liên bang đang cắt giảm viện trợ cho các tiểu bang bị ảnh hưởng. Các thống đốc đảng Cộng hòa tại Nam Carolina và Georgia đã ca ngợi sự hỗ trợ của chính phủ liên bang.
Một số video khác trên X đưa ra những tuyên bố khó tin không kém.
"Đừng lo lắng, việc thay đổi thời tiết không phải là sự thật đâu! Nên chỉ là trùng hợp khi bão Helene là một trong những 'cơn bão gây thiệt hại trong đất liền' tàn khốc nhất trong lịch sử, và hàng trăm quận ủng hộ Trump đang bị ảnh hưởng nặng nề trước cuộc bầu cử quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta", tài khoản được nhiều người theo dõi Matt Wallace viết. Bài nhận được 11 triệu lượt xem.
Ngoài ra, Amber Silver, giảng viên về tình trạng khẩn cấp tại Đại học Albany, còn cho biết những tuyên bố sai sự thật về "các công cụ thay đổi thời tiết" trở nên phổ biến sau những cơn bão lớn. "Và luôn có những câu hỏi về việc ... cơn bão này, bạn biết đấy, là do con người tạo ra hay là tự nhiên?"
"Nhưng quy mô tin đồn liên quan đến Helene thì không thể ngờ tới", bà nói thêm.
Theo các báo cáo, ít nhất 160 người đã thiệt mạng trên khắp đông nam nước Mỹ và hơn một triệu người không có điện do cơn bão. Nhà Trắng phê duyệt tuyên bố thảm họa ở nhiều tiểu bang phía Nam, giải phóng tiền và nguồn lực quản lý tình trạng khẩn cấp của liên bang.
Mặc dù tiền thân của X, Twitter, luôn có ít người dùng hơn các nền tảng truyền thông xã hội lớn khác, nhưng "trước đây, Twitter có ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị và ứng phó thảm họa", Silver cho biết.
Trong một nghiên cứu gần đây, Silver và các đồng nghiệp khảo sát mọi người về cách họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội sau cơn bão Dorian năm 2019.
"Khi mọi người chia sẻ hình ảnh tại các cửa hàng tạp hóa với những chiếc xe đẩy đầy hàng, hoặc xếp hàng để mua xăng, hoặc xếp hàng tại Home Depot để mua máy phát điện, mọi người sẽ cảm thấy áp lực phải chuẩn bị cho cơn bão", bà cho biết.
Và sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đã sử dụng nền tảng này để truyền bá thông tin giúp những người ứng cứu đầu tiên lập kế hoạch và kêu gọi trợ giúp.
Nhân bàn đến vai trò của các mạng xã hội như Twitter trong ứng phó thảm họa, người ta nhìn lại việc rốt cuộc những gì đã thay đổi với mạng xã hội này.
Từ khi Elon Musk mua Twitter vào năm 2022 và sau đó chuyển đổi thành X, nhiều thứ diễn ra. Dấu kiểm màu xanh lam từng có nghĩa là công ty đã xác minh danh tính của người dùng. Bây giờ, điều đó chỉ có nghĩa là người dùng đã trả tiền một khoản tiền đăng ký, khiến việc xác định tài khoản nào đáng tin cậy trở nên khó khăn hơn. Công ty cũng tăng chi phí truy cập để phân tích dữ liệu, khiến nỗ lực theo dõi thông tin trở nên quá tốn kém.
"Sự khác biệt mà chúng ta đang trải qua ở đây là số lượng bài viết không hữu ích mà bạn phải đào sâu để có thể tìm ra những thông tin hữu ích, để dựa vào đó hành động", Samantha Montano, phó giáo sư quản lý tình trạng khẩn cấp tại Học viện Hàng hải Massachusetts cho biết. "Và đó là một thách thức thực sự vì trong thảm họa, bạn không có thời gian để đào sâu vào tất cả các bài viết".