Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người mẹ của những 'đứa con hổ'

(VTC News) -

Gần 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc thú dữ, chị Trần Thị Ngọc luôn coi những con vật trong vườn thú như con cái trong nhà.

7h30 tại khu nuôi hổ công viên Thủ Lệ (Hà Nội), tiếng hổ gầm vang như phá tan bầu không khí yên tĩnh. Bên ngoài chuồng nuôi, một tấm biển cảnh báo nguy hiểm với dòng chữ in đậm “Thú dữ - Cấm lại gần” được treo cao. 

Một người phụ nữ tuổi ngoài 40 mặc bộ đồ công nhân xanh nhẹ nhàng nhắc nhở: “Bi lại trêu Bống đấy à? Đứa nào về nhà đứa ấy nhanh lên!". Nghe giọng người phụ nữ, hai con hổ đang gầm gừ chực đánh nhau bỗng im bặt, một con chạy sang chuồng bên nằm gọn. “Đó là Bi và Bống, hai đứa con của tôi. Tôi nuôi chúng từ khi 12 kg đến nay đã 150 kg rồi”, chị Ngọc giới thiệu về hai chú hổ. 

Video: Nữ công nhân kể chuyện chăm sóc hổ trong vườn thú

Chuyện thường ngày của “mẹ hổ”

Chị Trần Thị Ngọc (47 tuổi, ở Hà Nội) là một trong 6 nhân viên của tổ Thú dữ, Xí nghiệp Chăn nuôi số 1, Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) được giao nhiệm vụ chăm sóc cho đàn mãnh thú: hổ, sư tử, gấu… Đến nay, chị Ngọc đã có 20 năm gắn bó với công việc này.

Một ngày làm việc của chị Ngọc bắt đầu lúc 7h30 và kết thúc lúc 17h30. Nhiệm vụ hằng ngày của chị là quét dọn, tắm rửa, cọ sạch chuồng nuôi; cho hổ, sư tử, gấu ăn bữa sáng... Những ngày gần đây, chị thường đi sớm về muộn để làm quen 5 người bạn mới. 

Những ngày đầu mới về chuồng, một số con run rẩy nép vào góc tường, cũng có con lao đầu vào song sắt cửa để tìm lối ra. Chúng thường xuyên gầm gào, thấy nhân viên đi qua là lao ra tấn công khiến ai đi qua cũng hoảng sợ. Với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc hổ, chị Ngọc bắt đầu làm quen với những "ông ba mươi". “Mình dùng tình cảm và thức ăn, khả năng ghi nhớ và quan sát để tìm hiểu tính cách, sở thích để làm quen với chúng”, chị Ngọc nói.

Trước khi về đây, hổ chủ yếu được ăn thịt gà. Về khu trung tâm, chúng được bổ sung nhiều thịt bò, đa dạng thực đơn để có nhiều dinh dưỡng hơn. Một số chú hổ răng yếu chưa làm quen được với thức ăn mới, nhân viên Vườn thú phải thái thịt thành từng miếng nhỏ để hổ dễ ăn. 

Ngoài việc chơi và cho hổ làm quen với thức ăn mới, chị Ngọc phải thường xuyên kiểm tra phân của hổ. Dựa trên đặc điểm phân, người phụ nữ này có thể đoán được tình trạng sức khỏe của chúng.

“Nếu phân cục là hổ khỏe, phân cứng, màu hơi hồng thì hổ bị táo. Khi đó, khẩu phần ăn của hổ sẽ được điều chỉnh bổ sung nhiều gan, giảm xương”, chị Ngọc chia sẻ.

Tính đến nay đã được 2 tháng kể từ khi các chú hổ về chuồng. Thời điểm này chúng đã dạn dĩ hơn, không còn có biểu hiện run sợ và lao vào song sắt như trước. Một số con hổ khi nhìn thấy chị bắt đầu khụt khịt, cho nữ nhân viên cọ mũi. Con nào con ấy lông óng mượt và béo lên trông thấy.

Sau 2 tháng về khu nuôi, những chú hổ mới đã dạn dĩ hơn.

Theo “mẹ hổ”, việc chăm hổ còn khó hơn chăm trẻ bởi trẻ con còn biết nói, biết đòi, nhưng những chú hổ không biết cách diễn đạt. “Mỗi khi hổ bị ốm, lòng tôi nóng như lửa đốt”, chị Ngọc chia sẻ rồi chỉ tay sang phía dãy chuồng sát lối ra vào, nơi có hai chú hổ đang nằm đưa đôi mắt dữ tợn dương oai.

Với giọng đầy tự hào, chị Ngọc kể, Bi và Bống được đưa về khu nuôi từ lúc 4 tháng tuổi. Chính chị Ngọc là người cho chúng bú sữa bình, dùng tay kích thích vệ sinh, thức khuya dậy sớm phục vụ từng bữa ăn giấc ngủ cho chúng. 

"Ban đầu khi còn nhỏ, hai chú hổ cũng hung dữ lắm, dọa chúng tôi không cho lại gần. Thi thoảng còn đùa cắn, cào xước hết tay tôi. Dần dần chúng quen và mến tôi, đến bây giờ chỉ cần nghe tiếng dép tôi đi từ xa là cả hai đều đưa mắt ra ngóng”, chị Ngọc nói.

Được “mẹ” chăm bẵm từ nhỏ nên Bi, Bống rất thân thiện và tỏ ra quý mến chị. Mỗi sáng đến Vườn thú, việc đầu tiên nữ nhân viên này làm là cọ tay vào mũi Bi. Chú hổ vẻ mặt khoan khoái cúi đầu tỏ vẻ thích thú như ra hiệu cho mẹ tiếp tục cọ mũi giúp. Bống ở chuồng bên thấy “mẹ” cũng mừng, rối rít chạy quanh. Chị Ngọc trấn an: “Bống ngoan nào con, mẹ cọ mũi cho Bi xong rồi mẹ sang”. Bống nghe xong tỏ vẻ hiểu chuyện đứng im.

Bi hiền và ngoan hơn Bống, bạn ấy cũng rất tình cảm. Bống tính cách lì lợm và rất hay bắt nạt Bi khi tôi không có ở đó, nhưng chỉ cần nghe tiếng bước chân mẹ là nó im bặt như không có chuyện gì xảy ra”, chị Ngọc vừa cười vừa nói.

Chăm là chú sư tử mất mẹ từ nhỏ. Chính chị Ngọc là người cho Chăm ăn từng thìa sữa, đuổi vòng quanh chuồng để dạy Chăm cách ăn thịt. Gắn bó hơn 3 năm nên Chăm luôn dành tình cảm đặc biệt cho chị Ngọc.

Rảnh rỗi tôi lại ngồi cọ mũi, vuốt ve Chăm. Mỗi khi thấy tôi đi qua chuồng, nó đều cọ người vào song sắt ra chuyện bị ngứa, để mẹ gãi hoặc tắm giúp", chị Ngọc kể.

Lúc rảnh chị Ngọc lại cọ mũi trò chuyện cùng Bi, Bống.

Ăn ngủ cùng hổ

Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với công việc chăm sóc thú, chị Ngọc gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu, mỗi khi nghe tiếng hổ gầm hoặc xồ ra cửa chuồng, chị lại rợn tóc gáy, tim đập nhanh, hai chân run rẩy. Nhiều đêm chị bị ám ảnh bởi tiếng hổ gầm, giật mình tỉnh giấc. 

Ban đầu, nhìn những chú hổ nhe răng, gầm gừ, chị Ngọc không dám lại gần, dọn dẹp cũng mau mau chóng chóng vì sợ. Chỉ vào cổ tay nơi có vài vết sẹo nhỏ, chị Ngọc cho biết đấy chính là vết "cắn yêu" của những chú thú non để lại. Mặc dù lúc chăm sóc chị đã mang đồ bảo hộ, găng tay đầy đủ nhưng trong lúc chơi đùa chị vẫn bị những chú hổ ngứa răng gặm vào cổ tay rồi để lại sẹo.

“Một số bạn mình cho ăn, chăm sóc một thời gian có vẻ hiền, nhưng đến khi lại gần vẫn nhe răng bắt nạt. Những lúc như vậy, tôi cũng phải gằn giọng để dọa "hư nào, mẹ cho ăn chứ làm gì đâu mà dọa mẹ". Từ lần sau, nhìn vẻ mặt nó bớt hung dữ hẳn", chị chia sẻ.

Sau một thời gian chăm sóc, trò chuyện, nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, chị Ngọc đã có thể hiểu tính cách, sở thích từng con thú. Với chị, một ngày nếu không được nghe tiếng hổ gầm, chị cảm thấy trống trải như thiếu một thứ gì đó.

"Hàng ngày mình gần gũi, tắm rửa cho các bạn ấy nên cảm thấy các bạn ấy rất sạch sẽ, thơm tho. Nhưng cũng có một số khách tham quan không quen thì cho là mùi hôi hoặc nhìn các bạn ấy to lớn, gầm gừ lại sợ hãi. Còn mình luôn cảm thấy các bạn ấy rất đáng yêu, lúc nào có thể gần gũi được thì mình luôn gần". Tuy nhiên, vì là bản ngã của loài thú nên mình vẫn phải đề cao cảnh giác", chị Ngọc nói.

Gắn bó với thú dữ 20 năm, chị Ngọc từng đón nhiều người bạn mới về Vườn thú nhưng cũng phải chứng kiến rất nhiều người bạn cũ ra đi. Chỉ tay về phía chuồng nuôi cuối dãy, chị Ngọc kể, đó là vị trí trước đây Mi (tên một chú hổ) từng ở. Mi (18 tuổi), là một trong những chú hổ già nhất trong khu nuôi. Những ngày tháng cuối đời, nó chậm chạp nằm nép vào góc tường, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, không đủ sức để dậy lấy thức ăn. 

Mi được các bác sĩ thú y thăm khám, tiên lượng khó qua khỏi. Lúc nghe thông báo lòng chị nặng trĩu, nhưng quyết không bỏ cuộc với hy vọng còn nước còn tát. Thấy Mi thở mệt nhọc, hai mắt lờ đờ cố cạp miếng thịt nhưng không đủ sức, chị Ngọc đành cắt nhỏ những miếng thịt bò, dùng gậy gỗ đưa sát miệng Mi.

Vừa cho hổ ăn, chị Ngọc vừa lẩm bẩm: “Mi ơi, ăn đi, cố ăn mà lấy sức. Thương em lắm”... Được nữ nhân viên hỗ trợ, con hổ già mở miệng cố gắng nhai miếng thịt nhệu nhạo, lúc ấy lòng “người mẹ” mới thở phào nhẹ nhõm. 

Hôm sau sức khỏe chú hổ già tiến triển khá hơn một chút, nhưng vẫn không thể đi lại được. Ngày qua ngày, chị Ngọc quanh quẩn cạnh chuồng hổ, nhiều hôm chị bỏ cả bữa tối cùng gia đình để ở lại giúp Mi ăn. Vài ngày sau, nghe đồng nghiệp báo tin Mi không cầm cự được, chị Ngọc như chết lặng. Chị đến trước cửa chuồng hổ nhẹ nhàng vuốt ve Mi lần cuối. Lúc mọi người đưa Mi đi, chị đứng từ xa dõi theo, hai tay bám chặt vào thành cửa, những giọt nước mắt bắt đầu rơi.

“Vẫn biết quy luật sinh - lão - bệnh - tử là khó tránh, nhưng mình cảm thấy rất buồn, hẫng hụt như mất một đứa con của mình”, chị Ngọc tâm sự.

Chị Ngọc coi mỗi con thú như một đứa con.

Một lần khác, một chú hổ trong khu nuôi do đánh nhau bị thương, phải khâu để cầm máu. Chị Ngọc và các thành viên trong tổ phải cho hổ vào cũi và kê phản nằm ngay bên cạnh thay phiên nhau theo dõi. Đêm ấy chị và đồng nghiệp chẳng thể chợp mắt. Nằm trên phản nhưng ánh mắt luôn dõi theo chú hổ đang gầm gừ rên rỉ chực chờ liếm vết thương.

“Khi hổ có ý định quay lại liếm vết thương, chúng tôi phải quát hoặc dùng thức ăn để đánh lạc hướng của nó. Nếu hổ đi vệ sinh tôi phải dọn luôn và cọ sạch lau khô từng viên gạch, phòng trường hợp hổ bị nhiễm trùng vết thương sẽ lâu khỏi”, chị Ngọc giải thích.

Theo chị Ngọc, ngoài những lúc ốm, lúc hổ mang thai là giai đoạn cần đặc biệt lưu ý. Khoảng thời gian này hổ sẽ được tăng khẩu phần để đảm bảo dinh dưỡng. Sát ngày hổ đẻ, nhân viên không vào vệ sinh và che chắn chuồng kỹ lưỡng vì hổ mẹ sẵn sàng bỏ con nếu ngửi thấy hơi người lạ. Trường hợp hổ lạ hơi không cho con bú, nhân viên khu nuôi buộc phải tách mẹ và con riêng. 

"Những ngày tháng chăm hổ đẻ, chúng tôi trở thành những ông bố bà mẹ bỉm sữa thực thụ. Nhưng ai cũng cảm thấy rất vui và hào hứng khi chăm sóc những đứa con 4 chân này", chị Trần Thị Ngọc nói.

Với những nhân viên Vườn thú tại Công viên Thủ Lệ, mỗi con vật ở đây đều là một thành viên trong gia đình. Bằng tình yêu thương động vật, chị Ngọc và các thành viên trong trung tâm đã không quản ngại khó khăn ngày đêm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho đàn mãnh thú.

Vũ Vân

Tin mới