Dưới cơn mưa nặng hạt, trên trục đường BOT tránh lũ Quảng Ninh - Lệ Thủy, nhiều người dân Quảng Bình đứng bên vệ đường thành từng tốp. Họ là những người dân vùng ngập lũ các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy), di chuyển lên các vùng đất cao để tránh lũ.
Một cụ già đứng bên đường giơ tấm biển "Cần cứu trợ".
Mang áo mưa mỏng, đứng cùng nhóm hơn 10 người phụ nữ và trẻ em, bà Lê Thị Lựu (ở thôn 3, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) thấy xe đi qua liền chạy ra vẫy tay gọi: “Có cơm hay mỳ tôm không? Cứu chúng tôi với!”.
Bà Lự kể: “Lũ lên nhanh, nhà ngập sâu, chúng tôi phải chạy lên vùng đất cao để tránh lũ. Giờ ngập hết, mọi nhà đều không có gì để ăn. Các nơi khác thì không biết, chứ vùng tôi không có ai phát cứu trợ, nên phải ra đường xin cơm, mỳ tôm ăn chứ đói quá không chịu nổi”.
Người dân tập trung bên đường vẫy xe xin cứu trợ ngày một đông.
Rất nhiều trẻ em đang phải chịu đói rét cũng phải ra đường xin cứu trợ.
Trời vẫn mưa nặng hạt, những tốp người đi xiêu vẹo bên vệ đường. Họ mang những tấm áo nilon mỏng, rách rưới nên không ngăn được nước mưa làm ướt bộ quần áo duy nhất còn lại.
Bà Lê Thị Lân (ở thôn Thạch Trung - xã Hống Thủy) chia sẻ nhà của bà bị ngập sâu gần 4m. Mọi đồ đạc trong nhà bị lũ cuốn trôi hết. Người dân thôn Thạch Trung cũng phải di chuyển lên các thôn ít ngập hơn để ở nhờ. Do mưa lũ kéo dài, lương thực, thực phẩm cạn kiệt nên người dân phải ra đường xin cứu trợ.
Khi được phát hàng cứu trợ, người dân vùng lũ mở ra ăn ngay bên đường vì quá đói.
Có người đã nhịn đói nhiều ngày vì mưa lũ.
Trời vẫn mưa và gió lớn nên khi xin được cơm họ ngồi chụm vào nhau để ăn.
Khi nhận được cơm trong hộp hay mỳ tôm từ những chiếc xe chạy qua, người dân mở ra ăn ngay trên lề đường.
Để tránh những trận gió lớn, họ ngồi chụm vào nhau dưới những tán cây phi lao trên cát. Nếu xin được thêm cơm, các nhóm bố trí vài người lặn lội vượt 3-4km mang về chia cho những người đang nhịn đói nhiều bữa ở nhà.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, hàng trăm người dân ra đường để vẫy xe xin cơm, mỳ tôm trên tuyến đường BOT tránh lũ Quảng Ninh - Lệ Thủy chủ yếu là dân các thôn ngập sâu như: Móc Định, Móc Thượng, Thạch Trung (xã Hồng Thủy), thôn 3, 4 (xã Thanh Thủy - huyện Lệ Thủy).
Anh Lê Văn Hiếu (ở thôn 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy) cho biết: “Dân làng tôi bị ngập sâu, tài sản trôi hết. Giờ mọi người phải lên vùng đất cao để tránh lũ. Mấy ngày nay, không có gì ăn, không thấy cứu trợ, nên dân phải ra đường tránh lũ vẫy xe qua đường xin cơm, xin nước và mỳ tôm để ăn sống qua ngày. Từ đây về nhà cách 3km, chúng tôi đi bộ qua triền cát, lội nước mới về đến nhà. Nhưng hiện nhà vẫn ngập sâu, nước đang còn hơn 1,5m, nên chưa thể về được”.
Nhiều người vui vẻ ra về sau khi nhận được hàng cứu trợ.
Một người đàn ông ăn vội đùm cơm vừa xin được.
Trong trận lũ lịch sử này, tỉnh Quảng Bình có hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập, 9 người chết và 30 người bị thương. Trong đó, huyện Lệ Thủy gần 100% số hộ dân bị ngập trong nước, huyện Quảng Ninh có hơn 17.000 ngôi nhà bị ngập.
Chính quyền tỉnh Quảng Bình khuyến nghị các cá nhân, tổ chức đi từ thiện tại Quảng Bình nên tập kết hàng tại Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hoặc huyện để chính quyền địa phương phân bổ nguồn hàng hợp lý.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, Báo điện tử VTC News kêu gọi quý độc giả, quý doanh nghiệp và người dân cả nước cùng hỗ trợ, sẻ chia, chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.
Mọi sự ủng hộ của độc giả cho miền Trung xin gửi về:
Báo điện tử VTC News, số tài khoản: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Tòa soạn Báo điện tử VTC News, tầng 12A, Tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
VPĐD phía Nam: Lầu 10, tòa nhà VOV, số 7, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
Hoặc: Hệ thống nội dung số VOV Live,Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến tận tay những gia đình bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất!
Quý độc giả hãy chung tay cùng VTC News sẻ chia với miền Trung ruột thịt