Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dân đứng ngồi không yên khi Hà Nội triển khai cấp giấy đi đường mã QR

(VTC News) -

Nhiều người băn khoăn, nhiều thắc mắc về thủ tục đăng ký giấy đi đường có nhận diện qua mã QR code khi thời gian quá gấp gáp mà TP Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hôm 3/9, Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) thông tin về việc cấp giấy đi đường có nhận diện qua mã QR cho 6 nhóm đối tượng trong thời gian TP tiếp tục giãn cách xã hội.

Trước thông tin này, nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng khi quy định về giấy đi đường mới vừa được công bố thứ Sáu (3/6) nhưng lại áp dụng ngay sáng thứ Hai (6/9).

Anh Đàm Quang Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bản thân anh cảm thấy lo lắng sau khi đọc thông báo của Công an TP Hà Nội về thủ tục cấp giấy đi đường mới trong thời gian giãn cách tiếp theo.

"Hôm qua, cơ quan chức năng mới ra thông báo về những nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức đăng ký. Tuy nhiên, ngay sáng thứ Hai tuần tới, thành phố đã triển khai, áp dụng kiểm tra theo hình thức này thì tôi thấy quá gấp gáp.

Các chốt trực loại 1 tại "vùng đỏ" của Thủ đô sẽ kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện, người dân ra vào.

Nếu nhiều người đăng ký cùng một lúc thì việc cấp giấy sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể giấy đi đường sẽ không kịp đến tay mọi người vào đầu tuần tới để đi làm. Lúc đó không biết sẽ phải xuất trình giấy tờ gì và liệu mẫu giấy đi đường cũ có thể được áp dụng tạm thời hay không?", anh Hải thắc mắc.

Cùng tâm trạng như anh Hải, chị Trần Thị Lan Hương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng khi sáng nay chị liên hệ với cơ quan công an nơi chị sinh sống để hỏi về cách thức đăng ký giấy đi đường cho chị và nhân viên công ty nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Bởi công an khu vực cũng đang chờ hướng dẫn chi tiết từ Công an TP Hà Nội.

"Từ đợt đổi giấy đi đường lần trước tôi đã phải chạy đi chạy lại khắp nơi để đăng ký giấy đi đường cho nhân viên. Tuy nhiên, Công an TP Hà Nội lại triển khai cấp giấy đi đường mới có nhận diện mã QR khiến những tờ giấy được cấp phép trước đây đều phải bỏ đi.

Ngoài ra, việc phân 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường làm tôi lo lắng vì không biết mình thuộc nhóm nào. Trong thông báo không có quy định nào cho doanh nghiệp tư nhân được xin giấy phép", chị Hương chia sẻ.

Theo chị Hương, do Công an thành phố thông báo quá gấp về việc thực hiện quy định mới này nên chị đã cho cán bộ, nhân viên tạm nghỉ làm vào thứ Hai tuần tới để chờ thông tin hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng. Khi nào cán bộ, nhân viên có đầy đủ giấy đi đường thì doanh nghiệp mới trở lại làm việc.

Là một người làm trong ngành công nghệ, anh Nguyễn Thanh Tiến (ở Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, kế hoạch về việc cấp giấy đi đường lần này của Hà Nội còn nhiều tiêu chí mông lung và có nhiều chi tiết không rõ ràng.

Theo anh Tiến, về ý tưởng sử dụng giấy nhận diện bằng code QR là rất tốt nhưng tại sao cơ quan chức năng lại không gửi mã code QR vào email người dân mà phải gửi giấy?

"Tôi cũng hiểu có nhiều người không dùng smartphone nhưng nếu cấp mã QR qua email thì số người phải gửi bằng giấy ít hơn rất nhiều. Đặc biệt, đây là thời đại 4.0 rồi, tại sao vẫn dùng những thứ cổ hủ như vậy trong khi chúng ta có thể áp dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại", anh Tiến nói.

Ngoài ra, anh Tiến đặt ra nhiều câu hỏi khi Hà Nội tiếp tục bước vào đợt giãn cách thứ 4 kéo dài đến 21/9: "Đối với quy định về "vùng xanh", những người ở trong vùng này được đi ra ngoài khi có lý do, nhưng việc họ phải đi vào "vùng đỏ" thì có được qua hay không? Đồng thời, những người dân đi ra đường có lý do chính đáng nhưng tuyến đường khác với họ từng đi thì có phải làm giấy đi đường mới qua 4 bước như quy định của Công an TP Hà Nội hay không?"

Trước những thông tin khiến người dân lo lắng, hoang mang, các chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn chi tiết về việc cấp giấy đi đường. Đồng thời Thành phố Hà Nội cần nhanh chóng ra quy định, hướng dẫn cho người dân dễ hiểu để không phải điều chỉnh khi đã ra thông báo chính thức.

* 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường:

Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được quy định tại chỉ thị 16.

Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định.

Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu.

Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.

Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.

Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.

Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

* Quy trình cấp giấy đi đường:

Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước. Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực. Bước 2 là công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp.

Bước 3 là công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân. Bước 4 là trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Với nhóm 2 và nhóm 6 cũng có 4 bước. Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...).

Bước 2, cơ quan chủ quản căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sơ về Công an Thành phố. Bước 3, Công an Thành phố chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản. Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.

Quang Tuyền

Tin mới