Từ thị trấn Bát Xát lên nhà Tẩn Minh Khải (11 tuổi, xã Bản Qua, huyện Bát Xát) khoảng 10km, đầy sỏi đá, sình lầy. Dưới ngọn đồi, ngôi nhà của mẹ con Khải hiện lên lỗ chỗ vết thủng. Nhà ở dưới vách núi, chỉ cần một trận mưa lớn, đất có thể trôi xuống cuốn phăng nó đi bất cứ lúc nào.
Khải là một trong những đứa trẻ may mắn được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Xát nhận làm con nuôi. Em được những người cha mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc như con ruột, giúp em nuôi dưỡng ước mơ đến trường.
Bức tường treo đầy giấy khen của Tẩn Minh Khải qua các cấp học. (Ảnh: Quốc Việt)
Bức tường tri thức
Nhà Khải không có nhiều đồ đạc, ngoài chiếc giường gỗ bạc màu và vài chiếc ghế gỗ cũ. Khải lớn lên, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là tình cảm người cha. Dù vậy, cậu bé rất thông minh, luôn cố gắng và khát khao được đi học.
Bên trong nhà thứ giá trị nhất là những tờ giấy khen được treo cẩn thận trên tường. Đó là toàn bộ giấy khen Khải đạt được trong quá trình học tập, từ giấy khen học sinh giỏi đến các giải thưởng của xã, huyện. Nổi bật hơn hết là giấy chứng nhận “Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh”, danh hiệu mà em phấn đấu nhiều năm qua.
Khải ở với mẹ và bà ngoại từ khi mới sinh. Bốn tuổi, em theo mẹ lên rừng lấy măng. Sau đó mẹ đi làm xa. Hằng ngày em phụ giúp bà những việc nhỏ trong gia đình. Ruộng rau rộng khoảng 4 mét vuông chỉ đủ hai bà cháu rau cháo qua ngày.
Tẩn Minh Khải phụ bà ngoại thu hoạch rau khi được nghỉ học. (Ảnh: Quốc Việt)
Bà ngoại, tên Tần Mùi Cú, 63 tuổi kể, mỗi khi ngồi ăn cơm, Khải lại hỏi: "Bố đi đâu rồi bà?". Có ngày, Khải vừa đi học về đã khóc lớn, Khải bảo: "Ở trường cãi nhau với các bạn, các bạn bảo về mách bố. Còn con không có bố để mách”.
Rồi có hôm, trên con đường gần 10 km về nhà, khuôn mặt lem luốc, Khải rưng rưng nói: “Những ngày trời mưa lạnh, con nhìn các bạn có bố mẹ tới đón, con tủi thân lắm. Con khóc trong mưa thì sẽ không ai nhìn ra. Về đến gần nhà là hết ạ". Khi buồn, Khải thường ra ngoài cửa, đứng ngóng xem có ánh đèn xe máy đi ngược lên bản hay không. Đó là khi em nhớ mẹ.
Cha nuôi mang quân hàm xanh
Ước mơ được bố chăm sóc, vỗ về của cậu bé 11 tuổi cuối cùng cũng thành hiện thực khi được nhận làm "con nuôi đồn biên phòng". Giờ đây em không chỉ có một mà có rất nhiều người cha - những người lính mang quân hàm xanh.
Đồn Biên phòng Bát Xát, Lào Cai là gia đình mới của Tẩn Minh Khải và một bạn nhỏ nữa tên Thào Đức Dũng.
“Ở đây các con sinh hoạt theo giờ giấc của toàn đơn vị, dậy sớm, thể dục theo hiệu lệnh. Ban chỉ huy đơn vị bố trí chỗ ở phù hợp, có góc học tập riêng, có đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Đơn vị cũng phân công cán bộ trực tiếp chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn các con học tập, cùng nhà trường chung tay giáo dục các cháu phát triển toàn diện trở thành những con người có ích cho xã hội", thiếu tá Hoàng Thế Hà, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Bát Xát chia sẻ.
Thượng úy Nguyễn Huy Tiến dạy Tẩn Minh Khải bài võ thể dục của bộ đội biên phòng. (Ảnh: Quốc Việt)
Thượng úy Nguyễn Huy Tiến, Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bát Xát, được ban chỉ huy đồn phân công, phụ trách, chăm sóc hai con nuôi. Thời gian đầu, Thượng uý Tiến khá bỡ ngỡ với vai trò này, vì con anh còn quá nhỏ.
“Các con đều ngoan, thích nghi nhanh với nếp sống mới. Khải trầm tính, chỉn chu, Dũng thì nghịch hơn một chút", anh nói.
Môi trường thay đổi, không cần lo cái ăn, cái mặc, Khải có sự thay đổi rõ rệt về ngoại hình. Từ những cậu bé nhỏ con, đen nhẻm nay phổng phao hơn. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, Khải nằm trong đội tuyển học sinh giỏi toán của trường, nhiều năm liền đạt học sinh xuất sắc, cùng nhau tham gia cuộc thi “Hoa trạng nguyên” và đều dành giải. Đặc biệt hơn, em được tỉnh công nhận “Cháu ngoan Bác Hồ” năm 2019.
Tẩn Minh Khải luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và là thành viên của đội tuyển trường trong nhiều năm. (Ảnh: Quốc Việt)
Cô Trần Thị Xuân, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Khải thiếu tình cảm của bố từ nhỏ, sống với các chú ở đồn biên phòng. Con cũng hay tâm sự với tôi và thường nhắc về mẹ. Hôm mưa lũ, Khải lo lắng không biết mẹ có bị làm sao không, nhà có bị lũ cuốn đi không. Cả đêm đó, Khải cứ thao thức, cứ một lúc lại gọi điện hỏi thăm mẹ".
Khải nói em rất vui vì lúc nào cũng có các chú biên phòng ở cạnh lo lắng chia sẻ. "Con muốn sau này được giống như các chú, trở thành bộ đội biên phòng, bảo vệ quê hương”, Khải nói.