Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người bảo vệ già mất việc vì COVID-19: Ao ước cả đời là gặp lại con gái

(VTC News) -

Mất việc vì dịch bệnh, người bảo vệ già lang thang tìm nơi ở, xin từng suất cơm từ thiện để ăn và giờ đây, mong ước lớn nhất của ông là được gặp lại con gái.

Những ngày cao điểm khi dịch COVID-19 hoành hành, thành phố vốn nổi tiếng hoa lệ bớt sầm uất, náo nhiệt hẳn. Dịch bệnh đến bất ngờ, kéo theo bao phận người trôi nổi.

Dưới cơn mưa đầu mùa, có những người lầm lũi bước đi trong đêm tối mưu sinh, cũng có những người ngồi thu mình, co ro trong một góc đường vì chưa biết sẽ đi đâu về đâu.

Nghỉ việc vì không muốn công ty khó xử

Nhiều ngày trước, ông Đào Kim Hải (SN 1959) ngồi lầm lũi ở góc đường Trần Hưng Đạo (Quận 1, TP.HCM). Ông không có nhà để về, cũng chẳng còn công việc để làm. Ông thất nghiệp hơn 2 tháng nay. Ông cứ lầm lũi ngồi đó nhiều ngày cho đến khi được một cặp vợ chồng thương tình, nhận vào làm để ông có chỗ qua ngày.

Hình ảnh ông Hải ngồi bơ vơ bên vệ đường khiến nhiều người xót xa.

Rẽ vào đường Tôn Thất Thuyết (Quận 4, TP.HCM), chúng tôi dừng chân ngay trại hòm sát chợ Hãng Dệt, nơi mà ông Hải vừa được nhận vào làm. Đón chúng tôi là ông cụ gầy gò, da ngăm, tóc bạc trắng. Nhìn ông khắc khổ và già hơn nhiều so với tuổi 61.

Ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế dài, ông kể, công việc bấy lâu nay của ông là bảo vệ, đồng lương dù không nhiều cũng đủ giúp ông sống qua ngày.

Nhìn người tôi đâu ai dám thuê, hiếm lắm mới có việc nhưng lại xa chỗ ở quá. Tôi lại không có xe, ngày đi làm đều bắt xe đi. Tiền phòng, tiền ăn, tiền thuốc men vì bệnh tật tuổi già vậy lấy đâu ra tiền dư. Nay quán xá đóng cửa, ai cũng ít ra đường. Việc bán vé số còn phải ngưng thì lấy đâu ra việc cho lão già gầy nhom lại không có xe đi lại như tôi”, ông Hải chua xót.

Nói xong, ông đưa mắt nhìn xuống cánh tay gầy guộc, nhăn nheo, đen đúa của mình rồi né mặt nơi khác, ho vài tiếng rồi cố kìm lại.

Từ tháng 2, công ty ông Hải làm gặp khó khăn. Thấy mình già yếu, ông tự xin nghỉ việc. Nói về quyết định này, ông Hải cho rằng mình quyết định đúng: “Thân hình nhỏ con, gầy gò, tóc bạc, trông ông ốm yếu đến thế chủ nào muốn giữ”. Ông nói, ông nghỉ để công ty đỡ phải khó xử.

Hình ảnh gầy gò, khắc khổ già hơn tuổi 61 của ông Hải.

Nhưng trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, tình hình kinh tế nhiều biến động, công việc ngày càng khan hiếm thì một người lớn tuổi như ông sao bằng người trẻ, khỏe hơn. Không xin được việc, thu nhập không có, cuộc sống hằng ngày của ông khó khăn trăm bề.

Chưa kể từ ngày nghỉ việc, ông không có tiền để đóng trọ. Nợ đến 2 tháng tiền phòng, ông xấu hổ, áy náy vì không biết lấy đâu ra tiền trả cho bà chủ trọ, ông cứ đi lang thang khắp nơi. Đêm nay ông ngủ chỗ này, mai ngủ chỗ khác. Bữa ăn của ông là những suất cơm, bánh mì từ thiện được phát.

Gần 2 tuần qua tôi như kẻ lang thang đầu đường xó chợ. Tôi nợ bà chủ trọ hơn 2 tháng tiền phòng. Túng quá, tôi cứ đi lang thang thế này đây”, ông Hải kể.

Mong ước gặp lại con

Hơn 30 năm nay, ông Hải sống một mình, không có bà con thân thích. Ông kể, ông cũng từng có gia đình, nhưng vì những biến cố không may, gia đình ông tan vỡ. Rồi ông mất liên lạc với vợ cũ và con gái hơn 12 năm nay.  

Tôi và vợ tôi ly dị từ lâu. Tôi chu cấp cho con gái đến hết đại học. Tốt nghiệp xong, tôi không liên lạc được với con nữa. Tôi muốn gặp lại con, không bắt nó phải nuôi tôi, chỉ muốn gặp lại con thôi”, kể tới đây, cánh tay gầy nắm chặt. Khuôn mặt ông nhăn lại như cố kìm nén điều gì đó khó nói.

Bao nhiêu năm sống một mình trong thành phố đông đúc này, phải vất vả mưu sinh, lại chịu đựng đủ những đau đớn, hối hận vì sai lầm của tuổi trẻ, ông đã gầy yếu càng trở nên héo mòn, xơ xác. Thế nhưng, ông vẫn luôn lặp lại điều ao ước là gặp lại đứa con mất liên lạc từ lâu.

Ông Hải may mắn vì được vợ chồng chủ một trại hòm nhận vào làm sau những ngày lang thang khắp nơi.

Biết được hoàn cảnh của ông Hải, ông bà chủ trại hòm cạnh chợ Hãng Dệt nhận ông về làm việc và cho ông ở tạm nơi làm việc. Công việc mới của ông là quét nhà, quét hòm và trông giữ đồ. Ông được trả lương như những công nhân làm việc ở đây.

Tôi mừng lắm vì được ông bà chủ giúp đỡ. Từ ngày được ông bà chủ đưa về, tôi xem đây như gia đình thứ hai của mình”, ông tâm sự.

Rồi ông kể, nhiều người biết hoàn cảnh của ông đã tìm đến ông để giúp đỡ. Họ có cho ông hơn 1 triệu đồng và gạo, mì tôm. Ông bảo, tiền thì ông giữ lại phòng khi đau ốm, còn gạo và mì tôm ông sẽ nhhường những người khó khăn hơn. “Giờ tôi thấy mình có chỗ ở, có cơm ăn và công việc làm là tốt lắm rồi. Mình còn nhận gạo, mì tôm nhà hảo tâm nữa thì không hay”, ông nói.

Video: Tiểu thương đồng loạt đóng quán, bán hàng online

Đinh Tiên - Phương Mai

Tin mới